Cần nhân rộng "cổng trường an toàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ bức ảnh trên mạng xã hội về những chiếc xe máy xếp hàng ngay ngắn tại khu vực chờ đón học sinh của một trường học ở huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), một trường tiểu học tại huyện Chư Sê đã nhanh chóng bắt nhịp và tạo được hiệu ứng tích cực.
Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Chư Sê) đúng giờ tan học buổi chiều. Phía trước các lớp học, học sinh xếp thành 3 hàng dọc tương tự giờ vào lớp. Lớp trưởng sẽ lựa chọn hàng ngay ngắn nhất cho ra về đầu tiên rồi đến những hàng tiếp theo. Cứ thế, lần lượt từng đoàn học sinh nối nhau tạo thành 2 hàng tiến dần về phía cổng trường, không em nào chen lấn hay xô đẩy. Dù trường nằm trên một con đường nhỏ, cách quốc lộ 14 chỉ vài trăm mét, vỉa hè không mấy rộng rãi nhưng bên ngoài tất thảy phụ huynh đều xếp xe máy ngay ngắn, không có cảnh mạnh ai nấy đỗ. Giờ tan học vì thế khá trật tự, văn minh.
 Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Chư Sê) xếp hàng ra về. Ảnh: L.H
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Chư Sê) xếp hàng ra về. Ảnh: L.H
Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai có 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ ở thôn Hồ Nước và làng Tốt Biớch. Năm học 2019-2020, toàn trường có 862 học sinh với 27 lớp học, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 27%. Nói về việc triển khai mô hình “cổng trường an toàn”, thầy Đoàn Khắc Tín-Hiệu trưởng nhà trường-kể lại: “Có lần, một phụ huynh đưa tôi xem những bức ảnh về mô hình “Cổng trường an toàn” của một trường ở Hà Tĩnh và đặt vấn đề: “Tại sao trường mình không làm tương tự?”. Tôi thấy có lý vì giờ đến trường và tan trường, tình trạng người xe đón đưa thường rất lộn xộn. Nếu triển khai mô hình này sẽ góp phần đảm bảo cổng trường văn minh, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho các em học sinh”. 
Hào hứng với gợi ý trên, thầy Tín và các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường cùng bàn bạc, đề xuất các phương án triển khai phù hợp. Theo đó, để tạo sự đồng thuận từ học sinh và phụ huynh, đích thân thầy Hiệu trưởng soạn thư ngỏ gửi về từng gia đình nhằm kêu gọi phụ huynh hợp tác cùng nhà trường. Kết quả là từ ngày 28-10 tới nay, cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đã có những thay đổi mạnh mẽ trong việc hình thành nền nếp, tuân thủ trật tự an toàn giao thông mỗi giờ đưa đón học sinh. 
1Phụ huynh xếp hàng ngay ngắn, học sinh vẫn đi thành hàng sát lề đường để ra về- Ảnh Lê Hoà
Phụ huynh xếp hàng ngay ngắn, học sinh vẫn đi thành hàng sát lề đường để ra về. Ảnh: Lê Hòa

Ông Ngô Xuân Hiếu-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê: “Hiện nay, vấn đề an toàn giao thông học đường luôn thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Việc Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai năng động tiếp thu, học hỏi từ các mô hình hay để về triển khai tại trường nhằm bảo vệ sự an toàn cho học sinh là việc làm rất đáng hoan nghênh. Chúng tôi khuyến khích các trường trên địa bàn học tập và nhân rộng mô hình này”.

Về phía nhà trường, Ban Giám hiệu đã họp bàn, thống nhất thành lập Đội cờ đỏ với khoảng 10 thành viên. Những ngày đầu triển khai mô hình, Đội cờ đỏ sẽ luân phiên nhau trực trước khu vực cổng trường vào khung giờ đến và tan trường để nhắc nhở các trường hợp chưa thực hiện nghiêm túc. “Thực tế không có gì khó khăn cả vì tất cả phụ huynh, học sinh đều đồng thuận. Chỉ cần bắt tay vào làm một cách nghiêm túc thì mọi người sẽ quen dần”-thầy Tín nói.
Tại 2 điểm trường lẻ của trường cũng đồng loạt vào cuộc triển khai mô hình “Cổng trường an toàn”. Em Hà Tùng Vy-học sinh lớp 3C ở điểm trường thôn Hồ Nước-chia sẻ: “Cháu thấy việc ra về ngay hàng thẳng lối thật sự hữu ích, tránh việc các bạn đùa giỡn, chen lấn hay xô đẩy rồi có khi ham vui chạy cả ra đường”. Còn chị Đỗ Thị Đoan Trinh-mẹ em Vy-cho rằng: “Khi có quy định về địa điểm, cách thức đỗ xe trong lúc chờ đón con thì hầu hết mọi người sẽ làm theo. Các con khi tan học cũng không phải mất công tìm kiếm xem cha mẹ mình đứng ở đâu. Việc đi lại thông thoáng hơn nên đón con rất nhanh chóng, thuận tiện”.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Ngọc Minh

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar

(GLO)- Những ngày này, tại cánh đồng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương, tiếng máy cày hòa cùng tiếng nói cười của người dân kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi.

Những mái ấm ở vùng khó

Những mái ấm ở vùng khó

(GLO)- Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Những ngôi nhà mới không chỉ góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mà còn mở ra hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo.

null