Cần ngăn chặn học sinh hút thuốc lá điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, tại một số trường THCS, THPT trong tỉnh Gia Lai đang xảy ra tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử. Đây là vấn đề hệ trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe của các em, đồng thời dễ sa vào con đường nghiện ngập, học hành sa sút, bị liệt vào đối tượng học sinh cá biệt, có thể dẫn đến nghỉ học nửa chừng.

Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá (2012) không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”. Vì vậy, các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, qua nhiều con đường, các loại sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn tràn vào thị trường Việt Nam và đang được một bộ phận giới trẻ trong nước sử dụng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 20.000 hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá mức độ gây hại cho sức khỏe. Nhưng một số hương liệu được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm.

Giới y tế cho rằng, chất nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ; gây ra sinh non, thai chết lưu ở phụ nữ có thai. Nó làm giảm lưu lượng trong máu, gây ra đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, có nguy cơ gây ung thư phổi, giảm sức đề kháng của cơ thể… Ngoài ra, các loại thuốc lá này do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi nên cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác như nổ từ thiết bị sạc điện gây chấn thương cơ thể. Sử dụng thường xuyên loại thuốc lá điện tử có nguy cơ gây nghiện ngập, dẫn đến các em còn nghiện rượu, bia, ma túy… Năm 2023, theo điều tra của Bộ Y tế thì tình trạng học sinh THCS, THPT trong cả nước hút thuốc lá điện tử đang gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn.

Để chấn chỉnh tình trạng hút thuốc lá điện tử trong học đường, ngành Giáo dục địa phương cần phối hợp với các ngành hữu quan tuyên truyền rộng rãi trong học sinh, phụ huynh về tác hại của các loại thuốc lá, trong đó nhấn mạnh đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng như Công an, Quản lý thị trường cần rà soát các cơ sở kinh doanh thuốc lá, phát hiện và xử lý theo pháp luật các trường hợp mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt, các trường học cần có biện pháp quản lý chặt chẽ những đối tượng học sinh sử dụng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng gia đình giáo dục và ngăn chặn hành vi tiêu cực nói trên.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần dành thời gian theo dõi, giáo dục con em mình, nhất là ngoài giờ học; giám sát những biểu hiện khác thường về tâm sinh lý trẻ em, kịp thời phát hiện những lệch lạc trong hành vi của con em, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử. Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ và tích cực để ngăn chặn kịp thời trước khi quá muộn, khi mà các em đã lâm vào con đường nghiện ngập, đánh mất tương lai tươi đẹp đang ở phía trước.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.