Cần giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình giá heo hơi giảm mạnh trong thời gian qua, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng tìm giải pháp nhằm giảm thiểu áp lực cũng như thiệt hại cho nông dân.

Liên kết để ổn định giá

Thành phố Pleiku là địa bàn tập trung khá nhiều trang trại nuôi heo lớn. Vì thế, khi giá heo hơi rớt thảm xuống còn 28.000-30.000 đồng/kg, nông dân chịu thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Ninh Nhị (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) buồn bã: “Mặc dù không phải mua heo giống nhưng bình quân bán mỗi con vẫn lỗ 600-700 ngàn đồng. Riêng dịp Tết Đinh Dậu, gia đình tôi lỗ đến vài trăm triệu đồng”.

 

 Ông Nguyễn Ninh Nhị lo lắng vì giá heo xuống thấp. Ảnh: L.L
Ông Nguyễn Ninh Nhị lo lắng vì giá heo hơi xuống thấp. Ảnh: L.L

Hiện trang trại của ông Nhị vẫn còn gần 500 con cả heo nái lẫn heo thịt. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng giá heo thấp như hiện nay thì trang trại của ông khó trụ vững. Ông mong muốn ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ người nuôi heo, trước mắt là liên kết các trang trại trên địa bàn đưa ra giá ổn định, tránh bị ép giá.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Nhân-chủ một trại heo có quy mô lớn ở xã Chư Hdrông (TP. Pleiku) cho rằng: “Bên cạnh việc liên kết, thành lập hiệp hội chăn nuôi cũng là việc làm cần thiết. Thực tế, giá heo rớt thảm một phần cũng do việc tăng đàn quá nhanh. Đồng thời, để ổn định thị trường, tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng kho đông lạnh để dự trữ thịt trong trường hợp “khủng hoảng thừa”. Hiện ông Nguyễn Văn Nhân đang nuôi khoảng 500 con, trong đó có đến 400 con heo thịt sắp đến thời kỳ xuất chuồng. Dù giá heo hiện tại có tăng đôi chút so với trước Tết nhưng chi phí bình quân mỗi ngày cho một con heo tốn khoảng 25.000 đồng-30.000 đồng. Theo ông Nhân, giá heo phải trên 40.000 đồng/kg thì mới có lãi.

Hướng đến chăn nuôi sạch

Theo đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Pleiku, trên địa bàn có 11 trang trại nuôi heo với quy mô 200-300 con đến 1.000- 1.500 con. Trong đó, nuôi heo sạch là hướng đi của rất nhiều hộ chăn nuôi, bởi đây là cách phát triển ngành chăn nuôi ổn định và bền vững nhất. “Bản thân người chăn nuôi ai cũng muốn nuôi heo sạch vì đó là đạo đức của nghề. Về thức ăn cho heo, người chăn nuôi chủ yếu tin tưởng các công ty. Do đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt chất lượng cám trên thị trường”-ông Nguyễn Văn Nhân chia sẻ.

Với kinh nghiệm nuôi heo hơn 10 năm nay, từng được đi tập huấn công nghệ nuôi heo sạch ở nhiều nơi, trang trại heo của ông Nguyễn Ninh Nhị được đầu tư với quy mô lớn, có thể nuôi đến 1.000 con. Cùng với hệ thống cho ăn, tắm rửa tự động, hệ thống xử lý nước thải cũng được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, việc chăm sóc, nuôi dưỡng và tiêm vắc xin được thực hiện theo quy trình VietGAP. “Heo của trang trại được nuôi theo đúng tiêu chuẩn sạch, từ việc vệ sinh đến chế độ ăn uống, tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nuôi heo là nghề không có bảo hiểm, mọi rủi do người chăn nuôi đều phải gánh chịu, do đó chúng tôi rất xem trọng vấn đề an toàn, cách ly nguồn lây bệnh”-ông Nhị cho biết thêm.

Mặc dù các chủ trang trại trên địa bàn TP. Pleiku đang hướng đến chăn nuôi heo sạch, tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, thịt heo sạch hay không sạch vẫn “vàng thau lẫn lộn”. Cùng với việc cần tăng cường quản lý về giá, mong ước lớn nhất của những người chăn nuôi là ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cũng như có biện pháp hỗ trợ các trang trại chăn nuôi heo sạch phát triển.  

 Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.