Campuchia hoàn toàn chưa triển khai kiểm tra và chưa phát hiện chất cấm trong mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia.
Mì ăn liền xuất khẩu sang Campuchia cần chú ý về tiêu chuẩn chất ETO. Ảnh: TL |
Ngày 24.8.2022, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - đã ký công văn gửi Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam về tiêu chuẩn ethylen oxide trong mì ăn liền mà Campuchia quy định.
Văn bản ghi rõ: Phúc đáp công văn số 1499/2022/AV-HCM ngày 1.8.2022 của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam về việc xem xét tiêu chuẩn ethylen oxide (ETO) trong mì ăn liền của Campuchia, Văn phòng SPS Việt Nam đã trao đổi với đầu mối SPS của Campuchia, phía bạn đã trả lời như sau:
Số lô mì ăn liền “Mì Hảo Hảo hương vị gà” mà Châu Âu (EU) phát hiện bị nhiễm ETO sẽ không được phép nhập khẩu vào Campuchia, do các biện pháp phòng ngừa vì lợi ích sức khỏe cộng đồng của Campuchia.
Chứng nhận kiểm tra ETO chỉ bắt buộc đối với "Mì ăn liền Hảo Hảo". Theo đó, nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho cán bộ kiểm tra (hải quan và thuế) tại cửa khẩu. Việc kiểm tra thực tế có thể được tiến hành ở các lô hàng cho đến khi nếu 5 lô hàng liên tiếp không bị nhiễm ETO.
Trao đổi với PV Lao Động tối 24.8, ông Ngô Xuân Nam cho hay, thông tin trên tờ Khmer Times hồi cuối tháng 7.2022 cho biết, các cơ quan Campuchia sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam nếu có chứa chất ETO.
Tổng cục Hải quan Campuchia đã chỉ đạo hải quan các địa phương, yêu cầu mì ăn liền nhập khẩu vào nước này phải có giấy chứng nhận không chứa chất ETO.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Văn phòng SPS Việt Nam đã khẩn trương liên hệ, trao đổi với Cơ quan đầu mối SPS của Campuchia, đồng thời xử lý kiến nghị của Acecook Việt Nam về việc xem xét tiêu chuẩn ETO của Campuchia.
"Từ tháng 7.2022, Campuchia thông báo sẽ kiểm tra chặt chẽ mì ăn liền của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không biết Campuchia sẽ kiểm tra như thế nào nên đã có văn bản gửi Văn phòng SPS để có được thông tin minh bạch. Chính vì vậy, Văn phòng SPS đã trao đổi với phía bạn để có thông tin chính thức gửi các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Acecook - đơn vị có tới 70% thị phần mì ăn liền xuất khẩu sang Campuchia" - ông Ngô Xuân Nam nói.
Do vậy, thông tin của Văn phòng SPS Việt Nam về tiêu chuẩn ETO trong mì ăn liền sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tránh các vi phạm vì không hiểu rõ quy định của phía Campuchia.
“Điều cần chú ý là, Campuchia thông tin sẽ kiểm tra mì ăn liền từ Việt Nam chứ thực tế chưa triển khai kiểm tra. Đến thời điểm này, Campuchia hoàn toàn chưa kiểm tra và chưa phát hiện được lô mì nào từ Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chứa chất cấm (ETO). Chính vì vậy, báo chí cần thông tin thận trọng và chính xác tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trong 3 năm gần đây, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được thông tin cảnh báo nào từ Campuchia về việc mì ăn liền của Việt Nam vi phạm quy định SPS (các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật) của quốc gia này” - ông Ngô Xuân Nam khẳng định.
https://laodong.vn/kinh-doanh/campuchia-chua-phat-hien-chat-cam-trong-mi-an-lien-nhap-tu-viet-nam-1084743.ldo
Theo Vũ Long (LĐO)