Chiều 8-1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm bắt đầu làm việc từ 13 giờ 30, đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng.
14 giờ, VKS công bố xong cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung về việc đính chính cáo trạng ngày 25-12-2017.
Theo đó, cáo trạng bổ sung thông tin ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14, sau đó UBTVQH đã ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ĐBQH với ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh.
Ngay sau khi cáo trạng được đọc xong, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị đưa sang phòng cách ly. Tòa hỏi bị cáo Vũ Đức Thuận.
Trước đó, kết thúc buổi xét xử đầu tiên phiên tòa, các bị cáo không về nơi tạm giam mà nghỉ, ăn trưa ngay ở các phòng chờ tại TAND TP Hà Nội để chiều tiếp tục phiên tòa.
Sáng cùng ngày, phiên tòa đã diễn ra phần kiểm tra căn cước các bị cáo và VKSND TP Hà Nội đã đọc bản cáo trạng truy tố trách nhiệm của từng bị cáo sau phần thẩm tra lý lịch. Trong phần thẩm tra lý lịch, ông Đinh La Thăng đã trả lời tòa khá bình tĩnh và rõ ràng.
Tòa hỏi bị cáo Vũ Đức Thuận. Ông Thuận khai hợp đồng EPC (hợp đồng tổng thầu) chưa đầy đủ điều kiện vì chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được phê duyệt phương án.
HĐXX hỏi: Vậy vì sao vẫn ký hợp đồng 33? Ông Thuận đáp: Vì chủ tịch đã đồng ý, ngoài ra còn ký để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác.
Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi: Về mặt năng lực chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, tại thời điểm đó PVC có đủ năng lực, kinh nghiệm (thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) không? Bị cáo Thuận thừa nhận: “Kinh nghiệm thì chưa đủ”.
Ông Thuận tiếp tục khai: "Sau khi khởi công xong ngày 1-3-2011, chủ tịch Trịnh Xuân Thanh và tôi giao cho phó tổng giám đốc ký công văn đề nghị chủ đầu tư tạm ứng. Thời điểm đó, chủ đầu tư là PVPower. Do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên không có tiền tạm ứng cho PVC. Chủ đầu tư sau đó được chuyển sang cho PVN".
Hợp đồng 4194 được ký lại dựa trên hợp đồng 33 nhưng cũng chưa đủ điều kiện.
Sau khi nhận được tiền tạm ứng, PVC lúc đó rất khó khăn về tài chính. Mỗi lần nhận được tiền chuyển về, PVC dùng để trả nợ gốc và lãi ngân hàng, góp vốn vào một số đơn vị khác.
Ông Thuận khai không nhớ chính xác, nhưng chỉ chuyển khoảng 200 tỉ cho các đơn vị thi công.
Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi: Vì sao sử dụng sai mục đích như vậy? Ông Thuận đáp do áp lực phải trả nợ ngân hàng.
Ông Thuận cũng khai việc đầu tư ra một số đơn vị khác đều được sự chấp thuận của chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh. Ông Thuận cũng cho biết ông nhận thức rõ hành vi của mình là sai.
Đức Minh/baomoi