(GLO)- Mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bùng phát trở lại vẫn có thể xảy ra. Xác định chung sống an toàn với dịch nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tỉnh ta đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng-chống dịch. Đặc biệt, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường khám-chữa bệnh an toàn, phòng ngừa lây nhiễm chéo.
So với thời gian thực hiện cách ly xã hội, hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế đang tăng dần trở lại. Tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku, trung bình mỗi ngày đơn vị thực hiện khám cho 500-600 bệnh nhân. Theo bác sĩ Vũ Hạnh Nguyên-Trưởng khoa Khám (Trung tâm Y tế TP. Pleiku): Để đảm bảo công tác khám-chữa bệnh an toàn, Trung tâm tiếp tục phân luồng khám-chữa bệnh ban đầu. Tất cả bệnh nhân đến khám đều được đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và phải đeo khẩu trang. Những người có yếu tố nguy cơ thì có khu khám riêng biệt. Trong quá trình khám-chữa bệnh, bác sĩ cũng tư vấn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định, hạn chế tiếp xúc đông người. “Bệnh nhân đến khám sẽ lưu số điện thoại của bác sĩ để nếu cần tư vấn có thể liên hệ qua điện thoại, hạn chế đến bệnh viện khi chưa thật sự cần thiết. Ngoài ra, những người bị bệnh mãn tính thì chúng tôi cấp thuốc 2 tháng/lần. Trong quá trình khám, bác sĩ cũng đảm bảo giãn cách 2 m, chỉ tiếp xúc khi thăm khám”-bác sĩ Nguyên nói. Ông Trịnh Văn Hậu (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi tuổi cao, lại có bệnh nền, các bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Hôm nay nhức răng không chịu được nên tôi đến khám. Trung tâm phân luồng khám-chữa bệnh, sàng lọc ban đầu rất tốt giúp bệnh nhân thấy yên tâm hơn”.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào khám bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: N.N |
Tại Bệnh viện 331, công tác phân luồng, khám sàng lọc ban đầu cũng được thực hiện chặt chẽ ngay từ cổng vào. Bác sĩ Vũ Trọng Dũng-Phó Giám đốc phụ trách-thông tin: Bệnh viện quy định người nhà, bệnh nhân, nhân viên y tế đều phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Bệnh nhân đến khám được hướng dẫn từng người một vào buồng khám, cấp thuốc 2 tháng/lần đối với những người bị bệnh mãn tính. Ngoài ra, Bệnh viện đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh, 3 đội cấp cứu ngoại viện, khu cách ly với 6 phòng bệnh và 10 giường nội trú, xây dựng phương án sẵn sàng tiếp đón, điều trị người bệnh nghi nhiễm Covid-19.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Hùng Minh-Trưởng khoa Khám-cho hay: Mặc dù dịch bệnh có phần lắng xuống nhưng Bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng-chống dịch, tuyệt đối không chủ quan. Tất cả bệnh nhân đến khám đều được đo thân nhiệt từ ngoài cổng, khi đến Khoa Khám thì được kiểm tra thêm lần nữa. Người đến khám-chữa bệnh bắt buộc rửa tay sát khuẩn đúng cách và đeo khẩu trang. Bác sĩ, nhân viên y tế cũng khuyến cáo mọi người chủ động giãn cách 2 m; công tác vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên. Bệnh viện còn triển khai cho bệnh nhân thực hiện đăng ký qua hệ thống khám bệnh trước khi đến khám để khỏi phải lấy số; khuyến khích người dân gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn, tránh tập trung đông người.
Trung tâm Y tế TP.Pleiku đảm bảo phương tiện phòng hộ cho các bác sĩ trong khám chữa bệnh phòng, chống lây nhiễm chéo. Ảnh: N.N |
Ngoài hệ thống bệnh viện, Sở Y tế cũng chỉ đạo các phòng khám tư nhân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-nhấn mạnh: Người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với các phòng khám tư nhân phải thực hiện các biện pháp phòng-chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo như: kiểm tra thân nhiệt tất cả bệnh nhân khi đến khám; bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn, bảo đảm người bệnh chờ khám ngồi cách xa nhau tối thiểu 2 m và phải đeo khẩu trang đúng quy định. Người tới khám nếu có các triệu chứng sốt, ho, khó thở và có yếu tố dịch tễ thì bắt buộc phải khai báo y tế. Trong trường hợp nghi ngờ phải thực hiện ngay việc đóng cửa, ngừng hoạt động và thông báo cho cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi đường dây nóng để xử lý kịp thời.
NHƯ NGUYỆN