Bộ trưởng Công an: Sẽ xử lý hình sự hành vi sử dụng giấy tờ giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tính toán việc xử lý hình sự hành vi sử dụng giấy tờ giả.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)



Đã đến lúc chúng ta phải tính toán việc xử lý hình sự hành vi sử dụng giấy tờ giả. Đó là trả lời của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại chương trình chất vấn và trả lời chất vấn chiều 9/11 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Trước câu hỏi của đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) về xử lý tình trạng làm và sử dụng giấy tờ giả, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay, tình trạng làm giấy tờ giả khá phổ biến. Các đối tượng đã giả mạo các trang web, lập zalo, facebook để quảng bá làm giấy tờ giả công khai.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng triệt phá hàng loạt vụ, băng nhóm, đường dây làm giấy tờ giả, trong đó có những vụ quy mô rất lớn, thu giữ khoảng 1.500 tài liệu, giấy tờ giả, mẫu dấu và các loại máy móc, thiết bị để sản xuất các loại giấy tờ này.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể thực hiện tất cả các công đoạn làm giả từ chế tạo phôi bằng, con dấu đến chữ ký, đóng dấu lên tài liệu. Các đối tượng nhận làm tất cả các loại giấy tờ từ bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ chuyên môn, kể cả bằng Đại học, Y, dược, Giấy phép lái xe, các giấy tờ, chứng chỉ để phục vụ cho đề bạt, tuyển dụng.

Nhấn mạnh mục đích làm giả giấy tờ của các đối tượng thường gồm một nhóm là dùng để lừa đảo và một nhóm dùng để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng cán bộ vào các cơ quan, tổ chức và đánh giá năng lực cán bộ, Bộ trưởng Tô Lâm nói: “Như vậy ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có những người đã sử dụng những giấy tờ giả”.

Về giải pháp phòng ngừa loại tội phạm này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền khuyến cáo các cơ quan chức năng, người dân về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm làm giấy tờ giả và việc quảng cáo, mua bán giấy tờ giả trên Internet. Đề xuất các cơ quan rà soát phát hiện việc sử dụng văn bằng chứng chỉ giả để xử lý theo quy định pháp luật.

“Trước đây, những người sử dụng giấy tờ giả hầu như chỉ bị xử phạt hành chính ít xử lý hình sự. Đã đến lúc chúng ta phải tính toán việc xử lý hình sự hành vi này. Ví dụ sử dụng giấy phép lái xe giả, lái xe gây tai nạn bị xử về tội gây tai nạn giao thông nhưng vẫn phải xử lý hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả. Kể cả chưa gây tai nạn cũng bị xử lý. Trong cán bộ, công chức, trước đây, chỉ xử lý hành chính, thu hồi giấy tờ giả đó nhưng phải nghiên cứu đề xuất xử lý hành vi này,” Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục tập trung đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm sản xuất, mua bán giấy tờ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trả lời trước Quốc hội về tình trạng tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết năm 2018-2019, Bộ Công an đã trấn áp rất mạnh tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đánh giá, đến nay tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhưng tình hình vẫn tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và nhu cầu tín dụng đen còn nhiều, các đối tượng tội phạm vẫn còn đất để hoạt động.

Nhấn mạnh giải pháp đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” thời gian tới vẫn cần tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh đối với loại đối tượng này theo đúng Chỉ thị 12 của Chính phủ là phân công từng mảng nhiệm vụ, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị sớm có hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen.”

Đồng thời các ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay tiền nhưng cũng siết chặt nguồn tiền không để đối tượng vay rồi mang ra ngoài cho vay “tín dụng đen” và xây dựng các hành lang pháp lý để quản lý hoạt động cho vay qua mạng Internet...

Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.