Bỏ ra 2 tỷ trồng rau thủy canh, mỗi ngày bán 2 tạ, lãi 2 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng là chủ doanh nghiệp sản xuất bao bì, nhưng công việc kinh doanh không thuận lợi, anh Lê Thanh Bình (SN 1975) ở đường Trần Thánh Tông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, đã chọn mô hình trồng rau thủy canh, làm bước khởi nghiệp tiếp theo…

 

Mạnh dạn thuê đất trồng rau thủy canh

Trò chuyện cùng phóng viên Báo NTNN, anh Lê Thanh Bình cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh đã đi làm một thời gian, từng là ông chủ của một doanh nghiệp. Nhưng việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên anh muốn chọn một ngã rẽ khác.

Nhận thấy nhu cầu rau sạch được người dân đặc biệt quan tâm, lại có niềm đam mê nông nghiệp từ nhỏ, anh Bình quyết định sang nhượng lại công ty để về trồng rau thủy canh mà anh ấp ủ từ lâu.


 

 Khách hàng đến tận vườn rau thủy canh của anh Bình để tham quan, mua rau về sử dụng.  Ảnh:  H.P
Khách hàng đến tận vườn rau thủy canh của anh Bình để tham quan, mua rau về sử dụng. Ảnh: H.P



Anh Bình cho biết thêm, anh trải qua một thời gian dài tìm hiểu, tham quan rất nhiều mô hình trồng rau sạch, rau thủy canh, từng thất bại nhiều lần trên lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng với quyết tâm làm giàu từ lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đem đến “bữa ăn sạch” cho người tiêu dùng, đầu năm 2019, anh Bình thuê 5.000m2 đất ở đường Trần Thánh Tông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng, để xây dựng mô hình trồng rau thủy canh theo hướng sạch.

Mất gần một tháng thuê người dọn dẹp xà bần, cỏ rác, rồi anh đầu tư gần 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống ống nuôi cây, phun sương… Vườn rau sạch của anh bước đầu nên hình hài. Ông chủ cũng không ngừng thu nhận kiến thức, chăm sóc vườn rau theo đúng quy trình kỹ thuật.

“Những ngày bắt đầu xuống giống, sản xuất rau thành phẩm, tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm đúc kết qua những lần thất bại trước nên ngay lứa rau đầu tiên, tôi đã thành công. Ngày đầu mở bán rau tại nhà vườn đã thu hút hàng trăm người dân đến mua, tham quan. Hàng trăm kg rau chỉ bán vèo trong 2 giờ” - anh Bình nhớ lại.

Thừa thắng xông lên, anh bắt đầu mở rộng quy mô. Cứ thế, anh lấy số tiền lãi lứa rau này để đầu tư thêm vào lứa rau khác và phát triển thêm diện tích trồng rau thủy canh. Hiện nay, vườn rau thủy canh rộng 5.000m2 của anh Bình có gần 10 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Thu tiền rủng rỉnh…

Vườn rau thủy canh của anh Bình có kết cấu khung sườn bằng sắt mạ kẽm chống gỉ, có độ bền trên 10 năm, mái lợp bằng nylon trắng có độ bền 4-5 năm và khuếch tán ánh sáng tốt. Công trình chịu được gió cấp 7 đến cấp 8, hệ thống chắc chắn nhưng lại dễ dàng tháo lắp. Giá đỡ trồng cây cách mặt đất 1-1,2m nên đảm bảo an toàn khi mưa lũ, phía trên là hệ thống phun sương luôn giữ ẩm cho rau vào mùa nắng nóng. Nhờ vậy, vườn rau của anh Bình luôn cho thu hoạch quanh năm.

Anh Bình cho hay, trồng trong nhà lưới, cây rau không bị ảnh hưởng về thời tiết thay đổi bất thường, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh. Các loài côn trùng cũng không xâm nhập vào được, do đó người trồng không cần đến thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện tại, vườn rau thủy canh của anh Bình trồng nhiều loại rau: Cải bó xôi, xà lách roman, xà lách muir, xà lách tím búp, rau muống… Mỗi ngày, vườn rau thủy canh theo hướng sạch của anh cung cấp ra thị trường từ 150-200 kg/ngày. Với giá bán 50.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày anh Bình lãi hơn 2 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Ngoài ra, anh Bình còn đang trồng thử nghiệm thêm dâu tây của Nhật, nho của Pháp...


 


Cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” do Báo NTNN - cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ban Khoa giáo (VTV2) - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm khích lệ và tôn vinh nông dân Việt Nam có thành tích nổi bật về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Cá nhân, tổ chức dự thi có thể gửi hồ sơ dự thi qua hòm thư điện tử: cuocthinongnghiep40@gmail.com. Hoặc qua đường bưu điện: Ban Thư ký cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” - BÁO NÔNG THÔN NGÀY NAY - Địa chỉ: Tầng 11, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thời gian kết thúc nhận hồ sơ dự thi là hết ngày: 20/4/2020. Lễ công bố, trao tặng và đón nhận giải thưởng cuộc thi (dự kiến): Quý II/2020.

http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/bo-ra-2-ty-trong-rau-thuy-canh-moi-ngay-ban-2-ta-lai-2-trieu-dong-1068535.html


Theo Phương Đông – Hồ Phương  (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.