Bộ GD-ĐT: Hướng tới các nhà trường không có dạy thêm, học thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm' là một trong những chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), liên quan đến quy định mới về dạy thêm, học thêm.

Có học sinh không muốn vẫn phải học thêm

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT). ẢNH: NGUYỄN MẠNH
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT). ẢNH: NGUYỄN MẠNH

Về lý do hạn chế đối tượng được dạy thêm trong nhà trường và không được thu tiền của học sinh (HS), ông Thành cho biết: "Dạy thêm, học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt thực tế chúng tôi thấy rằng, cũng có bộ phận HS có nhu cầu và tự nguyện học thêm nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận HS đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm.

Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả. Các trường phổ thông đang áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với HS. Bộ GD-ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường làm sao đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình 2018 đó là phát triển năng lực HS. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho HS lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Điểm mới trong thông tư lần này là Bộ GD-ĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của HS, gồm: HS có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi, HS ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh. Nguyên nhân là do với chương trình đó, đội ngũ đó nhưng vẫn còn có HS chưa đạt thì nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Thứ hai là dạy thêm cho đối tượng HS được lựa chọn bồi dưỡng HS giỏi. Số này không nhiều và không phải một HS được lựa chọn tất cả các môn học cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường. Thứ ba là HS lớp 9, lớp 12 ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp được học thêm trong trường học. Tuy nhiên, việc tổ chức ôn thi cho HS cuối cấp phải nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, do nhà trường chủ động quyết định, sắp xếp, bố trí và không được thu tiền HS.

Học sinh TP.HCM tham gia các lớp học thêm bên ngoài nhà trường. ẢNH: NHẬT THỊNH
Học sinh TP.HCM tham gia các lớp học thêm bên ngoài nhà trường. ẢNH: NHẬT THỊNH

Với quy định này, đã có trường băn khoăn có thể vướng, nhưng đây là việc nhà trường hoàn toàn có thể sắp xếp giáo viên (GV) phụ trách các môn học một cách hợp lý để dành cho việc ôn thi, giúp các em củng cố, tổng hợp lại kiến thức. Với đối tượng nào thì việc dạy thêm cũng không quá 2 tiết/tuần. Còn lại, GV cần hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.

Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… Tôi tin rằng, những người làm nghề, tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này cần thiết. Dần dần, phụ huynh và cả xã hội cũng cần hướng tới điều đó, HS không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết".

Chúng ta cần khắc phục tình trạng HS hằng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.

Dạy thêm có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh theo quy định

Cũng có ý kiến cho rằng do nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật nên việc "siết" dạy thêm trong nhà trường có thể dẫn tới việc phụ huynh, GV phải tràn ra các trung tâm chi phí đắt đỏ, đi lại khó khăn?

Thông tư mới quy định một số nội dung quan trọng đó là: tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; GV đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền HS của mình trên lớp… Quy định đó nhằm đảm bảo quyền lợi cho HS, tránh việc GV "kéo" HS trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, em nào có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện của bản thân. Khi đó, phụ huynh, HS sẽ tìm hiểu, cân nhắc việc học thêm mang lại giá trị gì, có giúp tiến bộ hơn, hiểu sâu sắc vấn đề hay không. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó Bộ GD-ĐT không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ… Khi đó, nơi nào khiến HS, phụ huynh tin tưởng, đáp ứng được yêu cầu thì HS, phụ huynh sẽ lựa chọn.

Một số GV băn khoăn trường hợp tổ chức dạy thêm 5 - 7 em ở nhà có đăng ký kinh doanh hay không? Thông tư đã quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh.

Quy định là như vậy nhưng để hiệu quả cần phải có cơ chế giám sát và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Thông tư đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, sở GD-ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát.

Chia sẻ với Thanh Niên, một số GV cũng nói quy định trên khiến họ giảm thu nhập đáng kể trong bối cảnh đồng lương GV vẫn chưa đủ sống?

Thông tư không cấm GV dạy thêm ngoài nhà trường. Nếu nhà giáo nỗ lực, là GV giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho HS chắc chắn sẽ không thiếu HS tìm đến học. Chỉ có trường hợp, GV được trường phân công dạy HS trong trường thì không được dạy thêm có thu tiền với các em đó ở bên ngoài nhằm hạn chế được tình trạng GV kéo HS ra ngoài học thêm, cắt giảm kiến thức trên lớp để dạy thêm.

3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của HS, gồm: HS có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi, HS ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của HS, gồm: HS có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi, HS ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần thay đổi cả quy định lẫn nhận thức của người dân

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với những quy định hạn chế dạy thêm tràn lan như thông tư mới ban hành thì giải pháp tận gốc vẫn là phải thay đổi về kiểm tra, đánh giá, thi cử. Ông có thể chia sẻ gì về mong muốn này?

Với yêu cầu đề kiểm tra, đánh giá, thi cử hiện nay đều phải bám theo yêu cầu chung của chương trình. Lâu nay, phụ huynh vẫn có tâm lý lo sợ con mình không học sẽ thua thiệt so với con người khác nên cố theo đuổi dù không chắc rằng liệu có hiệu quả hay không. Ngược lại, trong các kỳ thi cho thấy rất nhiều thủ khoa, á khoa đến từ các vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn, không đi học thêm. Nếu nói nhà trường không tổ chức ôn thi, chất lượng giảm sút hay không tổ chức cho tất cả HS/lớp để ôn thi đại trà mới mang lại điểm số tốt là chưa thỏa đáng.

Chưa kể, khi đã là quy định toàn quốc, các địa phương thực hiện một cách bình đẳng, công bằng và không cần quá lo lắng, đặt nặng vấn đề rồi xếp lớp để HS luyện thi sáng, trưa, chiều, tối. Chúng ta cần khắc phục tình trạng HS hằng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.

Có 2 vấn đề đó là quy định pháp luật và nhận thức của người dân. Cơ quan quản lý có quy định cụ thể nhưng nhận thức người dân rất quan trọng. Đành rằng, đâu đó vẫn còn có áp lực về thi vượt cấp, tuyển sinh đại học. Ai cũng mong muốn con mình đỗ vào ngôi trường tốt và đó là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, phụ huynh ngày nay có nhận thức giá trị phát triển con người rõ ràng hơn. Kiến thức là mênh mông, chúng ta cần chú trọng đến phương pháp học thay vì cố học thật nhiều nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực. Đã có tình trạng phụ huynh, HS trong giai đoạn nhất định luyện thi, nhồi nhét đến kiệt sức để vượt qua kỳ thi sau đó lại xả hơi. Hoặc thực tế cũng có nhiều em khi trưởng thành ra cuộc sống có đủ kiến thức nhưng thua thiệt do thiếu hụt nhiều kỹ năng.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trao phần thưởng cho thủ khoa tốt nghiệp THPT của tỉnh tại Tuy Phước Đông

Gia Lai: Trao phần thưởng cho thủ khoa tốt nghiệp THPT của tỉnh tại Tuy Phước Đông

(GLO)- Sáng 20-7, Đoàn xã Tuy Phước Đông phối hợp cùng Đoàn Trường THPT Nguyễn Diêu và đại diện Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Phước Sơn đã đến thăm, chúc mừng và trao phần thưởng trị giá 5 triệu đồng cho em Phạm Ngọc Nhã Uyên-thủ khoa cấp tỉnh khối D01 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh sau hợp nhất tỉnh

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh sau hợp nhất tỉnh

(GLO)- Chủ trương tiếp nhận học sinh từ Trường THPT chuyên Hùng Vương về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và việc hỗ trợ con em cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo bố mẹ chuyển công tác về trung tâm hành chính sau hợp nhất tỉnh được nhiều người quan tâm.

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 theo tỉnh, thành mới

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 theo tỉnh, thành mới

Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra khi vừa sáp nhập tỉnh, thành, việc công bố điểm thi sẽ theo tỉnh, thành mới; Bộ GD-ĐT sẽ phân tích kết quả thi để đánh giá độ khó của đề thi; phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi...là những điểm đặc biệt trong việc chấm thi và công bố kết quả thi.

Ngã rẽ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chọn đại học hay học nghề?

Ngã rẽ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chọn đại học hay học nghề?

(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã khép lại nhưng cánh cửa tương lai của các sĩ tử vừa mới mở ra. Đề thi năm nay được đánh giá có độ phân hóa rõ rệt khiến nhiều em lo ngại điểm số không như kỳ vọng. Trước tình hình đó, nhiều học sinh bắt đầu trăn trở trước ngã rẽ: chọn đại học hay học nghề?

Trường ĐH Quy Nhơn, Tập đoàn GEO và Công ty TNHH O-Door Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Hồ Điểm

Gia Lai: Ký kết hợp tác xây dựng Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo hiện đại

(GLO)- Ngày 14-7, tại Trường Đại học Quy Nhơn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Quy Nhơn, Tập đoàn GEO (Đức) và Công ty TNHH O-Door Việt Nam về việc xây dựng Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo.

null