Blu trắng thầm lặng giữa ngàn khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa biển khơi sóng gió bão bùng, việc cứu giúp ngư dân bị tai nạn lao động trong khi khai thác đánh bắt hải sản đối với các bác sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1 vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm, vừa thể hiện tình người, tình quân dân. Phía sau những giọt mồ hôi của các bác sĩ, y tá ở “vùng biển, đảo bão tố” ấy, là sự sống và sức khỏe lao động của ngư dân, để họ yên tâm bám biển giữ ngư trường.

Tình người trên biển

Bác sĩ Bùi Đình Dong ở nhà giàn DK1/2 khám bệnh cho ngư dân bị bí tiểu. Ảnh: Mai Thắng
Bác sĩ Bùi Đình Dong ở Nhà giàn DK1/2 khám bệnh cho ngư dân. Ảnh: Mai Thắng



Cho đến bây giờ sau hơn một tháng kể từ ngày tàu 265 của Vùng 2 Hải quân chở đoàn công tác số 2 đi thăm, chúc Tết và tặng quà cho cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 và cán bộ chiến sĩ Trạm Radar 590 Côn Đảo, Đại úy Bác sĩ Nguyễn Xuân Trung, bệnh xá trưởng Bệnh xá Lữ đoàn 171 vẫn chưa quên vụ cứu ngư dân tàu cá Cà Mau bị tai nạn do dây cu-loa của tàu cá nghiến đứt rời ngón tay trỏ trái. “Mặc dù chỉ tai nạn lao động đứt ngón tay, nhưng giữa biển khơi, nếu không được băng bó, cấp cứu kịp thời, để nhiễm trùng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”-bác sĩ Trung, chia sẻ.

Câu chuyện cứu ngư dân tàu cá Cà Mau bị đứt lìa ngón tay trỏ trái trong lúc lao động đánh bắt hải sản ở vùng biển nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau) được bác sĩ Trung kể lại. Sau khi cấp hàng quà Tết cho cán bộ chiến sĩ ba nhà giàn Cụm Tư chính và bộ đội Trạm radar 590 Côn Đảo, Tàu 265 của Vùng 2 Hải quân thẳng tiến đến Nhà giàn DK1/10 đóng trên bãi cạn Cà Mau. Khi tàu cách nhà giàn DK1/10 chừng 6 hải lý thì nhận được tín hiệu cấu cứu từ tàu cá CM0267-TS. Giọng tài công từ tàu cá này nói gấp gáp qua mái I-Com sóng cực ngắn: “Có tàu nào gần đây không? cứu chúng tôi với. Chúng tôi bị tai nạn, xin được cứu giúp”. Nhanh như cắt, thuyền trưởng Tàu 265 đã bắt liên lạc với tàu cá CM0267-TS và yêu cầu cơ động khẩn cấp đến khu vực Nhà giàn DK1/10, đồng thời sẵn sàng chuyển bệnh nhân xuống xuồng khi tàu hải quân đến cấp cứu.

Lệnh thuyền trưởng “tăng tốc khẩn cấp-tiến 3”, Tàu 265 chồm lên ngụp xuống trong sóng lớn và ngược gió lao về tàu cá ngư dân. Khi Tàu 265 áp mạn tàu cá CM0267-TS, bệnh nhân được chuyển xuống xuồng và nhanh chóng đưa vào nhà giàn cấp cứu.

Sau khi rửa vết thương, bác sĩ Trung và y tá Nguyễn Viết Á của Nhà giàn DK1/10 đã mổ chắt phần dính lại của ngón tay đứt rời, thắt mạch máu, khâu mỏm cụt, truyền dịch. “Lúc tiếp nhận, bệnh nhân trong trạng thái sốt cao, mặt xanh tái, nhận thức yếu, tiếp xúc không linh hoạt, có hiện tượng nhiễm trùng và hoại tử rải rác một số điểm quanh vết thương vì đã để lâu qua 24 tiếng đồng hồ. Nếu để lâu sẽ hoại tử, nhiễm trùng nặng. Tôi đã nhiều năm công tác ở nhà giàn DK1, cứu chữa cho nhiều ngư dân, tôi hiểu được tâm lý của họ khi bị tai nạn lao động giữa biển khơi thường cho qua. Đến khi nặng mới phát tín hiệu cấp cứu. Mỗi khi tiếp nhận ngư dân gặp nạn hoặc bị bệnh đột ngột trong khi lao động, bất kỳ tình huống nào đêm, tối, nắng, mưa, sóng to gió lớn đều cứu chữa. Vì giữa biển khơi, ngư dân gặp nạn, mình không cứu thì cứu ai. Đã là bác sĩ thì không thể làm ngơ trước nỗi đau của bệnh nhân, đó là nguyên tắc nghề nghiệp. Cứu ngư dân là nhiệm vụ, là tình người”, bác sĩ Trung, chia sẻ.

Phía sau những giọt mồ hôi

 Ngư dân tai nạn lao động được bộ đội hải quân cứu đưa vào đất liền. Ảnh: Mai Thắng
Ngư dân tai nạn lao động được Bộ đội Hải quân cứu đưa vào đất liền. Ảnh: Mai Thắng



Cùng tuyến bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, các bác sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa được mệnh danh là “từ mẫu của ngư dân”. Bởi, với những người khoác áo trắng ở nơi đầu sóng ngọn gió này, ngư dân được coi là người thân trong nhà. Niềm vui của họ chỉ trọn vẹn khi đem lại sức khỏe cho bộ đội, trong đó có bà con ngư dân ra đây khai thác đánh bắt thủy hải sản.

Đã qua rồi những đêm cả đảo thức trắng cứu ngư dân ấy, song nhắc đến, Đại úy Phạm Minh Đức, chỉ huy trưởng đảo Đá Lát vẫn bồi hồi xúc động: “Giữa đêm tối sóng gió bịt bùng, biết là khó khăn gian khổ, nhưng chúng tôi không ngần ngại. Khi nhận lệnh cứu ngư dân, tôi đã chỉ huy hạ xuồng khẩn cấp cơ động ra tàu cá và 5 ngư dân đang chới với cầu cứu. Do tàu chết máy bị trôi dạt và bị san hô đâm thủng đáy tàu, nước tràn vào khoang nên các ngư dân rất hoảng loạn. Khi thấy chúng tôi đến, ông Trần Văn Mây là chủ tàu đã khóc. Giọng ông lạc đi trong sóng gió “Cứu chúng tôi với. Nếu không có các anh, chắc chắn chúng tôi đã chìm dưới đại dương” rồi ôm chầm lấy tôi. Sau khi đưa 5 ngư dân lên xuồng, chúng tôi chuyển vào đảo. Gần 1 tuần ở với chúng tôi chờ tàu đưa về đất liền, 5 ngư dân rất xúc động. Họ nhiều lần cảm ơn. Bộ đội với ngư dân ăn cơm chung, tăng gia chung trên đảo rất đầm ấm, thân thiết. Đó là vụ cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lát (Trường Sa) cứu 5 ngư dân KH 96658-TS của huyện Hoài Nhơn, Bình Định bị chết máy trôi dạt trên biển đêm 10-11-2017”*Đại úy Đức kể lại

Ngược dòng thời gian, ngày 21-6-2017, bác sĩ đảo Trường Sa lớn tiếp nhận ngư dân Lê Văn Lại trong tình trạng ngất xỉu, tái nhợt, mất máu do xuất huyết tiêu hóa và chảy máy dạ dày, hành tá tràng cấp. Ngay sau khi chẩn đoán, một ca cấp cứu khẩn cấp triển khai. Do không đủ lượng máu để truyền cho bệnh nhân, ngay trong đêm 2-7, cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa lớn được huy động hiến máu nhân đạo để cứu ngư dân. Hơn 30 chiến sĩ khỏe mạnh từ các tiểu đoàn được cử tới bệnh xá của đảo. Dưới bóng đèn ne-on, giữa tiếng sóng biển cả vọng về, những cánh tay trần đưa ra hiến máu. Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa lớn Đại úy Trương Đức Cường lấm tấm mồ hôi vừa động viên bệnh nhân chịu đựng đau đớn, vừa làm thủ thuật truyền máu. Sau một đêm thức trắng tổ quân y khá mệt mỏi, song tất cả đều vui vẻ bởi ngư dân Lại đã được cứu sống, sau đó được chuyển về đất liền theo tàu 960 của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân, đưa lên bệnh viện Quân y Bộ quốc phòng 175 tiếp tục điều trị.

Không thể nói hết đội ngũ y-bác sĩ ở Trường Sa, DK1- những thầy thuốc đang thầm lặng hi sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình, tất cả vì sức khỏe của bộ đội và ngư dân. Chỉ biết với họ, cứu sống một ngư dân là niềm vui nhân đôi. Sau những giọt mồ hôi mặn mòi biển mặn, là nụ cười tươi mới của ngư dân. Nụ cười ấy thắm đượm tình quân dân giữa ngàn khơi sóng gió.

Mai Thắng

Có thể bạn quan tâm

Bộ đội Cụ Hồ

Bộ đội Cụ Hồ

Chúng ta tự hào khi Việt Nam có một quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, lại anh hùng mà bình dị đến như vậy. Nhân dân anh hùng sinh quân đội anh hùng.

Các đồn Biên phòng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Các đồn Biên phòng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

(GLO)- Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), các đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao và tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.