Biển trời lòng mẹ thương con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chẳng thể nào đong đếm được những hy sinh lớn lao của mẹ nhưng tôi thấy được điều đó qua tấm lưng còng, mái tóc bạc, đôi mắt mờ cùng đôi bàn tay nhăn nheo, gân guốc
"Tàu bay phản lực ăn chực cơm choa/ Tàu bay bà già, trộm gà nhà choa".
Mỗi lần nhớ đến mấy câu vè xưa là bao nhiêu kỷ niệm của năm tháng chiến tranh ác liệt lại ùa về trong tôi. Hồi đó, cứ hễ nhìn thấy máy bay do thám của Mỹ bay ngang qua bầu trời là đám trẻ chúng tôi lại đứng ngửa mặt lên rồi hét rõ to mấy câu trên cho bõ ghét.
Nuôi con giữa bom rơi đạn nổ
Ngày ấy, làng quê tôi thường xuyên bị cày xới bởi không biết bao nhiêu bom Mỹ từ máy bay rải xuống cùng với hàng loạt đạn pháo từ tàu chiến đậu ngoài khơi dội vào. Mẹ bảo tôi ra đời đúng vào thời điểm cái làng nhỏ bé ven biển của xã Thạch Kim (nay thuộc huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh này bị bắn phá ác liệt nhất.
Bao nhiêu nỗi vất vả, khổ cực của thời kỳ chiến tranh mẹ đều nếm trải. Ai cũng bảo phụ nữ lúc mới sinh xong người yếu như thân con cua lột, chẳng biết điều này có đúng với mẹ hay không? Nhưng thử hình dung cảnh mẹ với dáng người nhỏ thó, gầy rộc, bế con chạy lên chạy xuống căn hầm chữ A dưới bom đạn thì đố ai dám bảo đó là tấm thân yếu ớt của con cua lột!
 
Mừng thọ cha mẹ của tác giả, năm 2004
Mừng thọ cha mẹ của tác giả, năm 2004
Tôi viết những dòng này với mong muốn gửi gắm tất cả yêu thương dành cho mẹ qua từng câu chữ. Trong tôi chỉ có một điều là luôn mong mẹ còn khỏe để cho chúng con được báo hiếu, được phụng dưỡng mẹ cho đến hết cuộc đời.
Tròn 4 tháng, mẹ giao tôi cho chị cả (khi đó mới 8 tuổi) chăm sóc hằng đêm, còn mẹ phải đi gánh cá thuê từ đầu hôm cho đến tận mờ sáng hôm sau mới về. Mẹ kể có lần mẹ tạt qua nhà thấy cảnh chị cả ngủ say trên võng còn tôi thì nằm lấm lem dưới đất. Một lần khác vào giữa đêm, máy bay thình lình ném bom, mẹ quẳng vội quang gánh hớt hải chạy về nhà mặc cho trên đầu tiếng gầm rít xé trời của máy bay với những quả bom đen trũi đang lao thẳng xuống. Vừa lo vừa mệt nên về đến nhà thì mẹ khuỵu xuống, không còn đứng dậy nổi, chị cả cố nắm tay kéo lê mẹ vào hầm. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, khuôn mặt mẹ nhợt nhạt ướt đẫm mồ hôi hòa cùng nước mắt.
Mới sinh con đã phải làm việc sớm lại thức đêm nhiều nên mẹ gầy rộc, dáng người vốn nhỏ bé của mẹ càng quắt queo như cành cây khô. Mẹ lấy đêm làm ngày, lấy pháo sáng của giặc làm đèn, làm việc không biết mệt mỏi vì cuộc sống của cả gia đình trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Những ngày tháng ấy với bộn bề khó khăn, vất vả đã không cho mẹ chút thời gian để chăm chút bản thân.
Quên mình, tần tảo sớm hôm
Bám trụ làng quê được 3 năm thì cả nhà tôi phải đi sơ tán. Tiếng là đi sơ tán nhưng thực ra nơi chúng tôi chuyển đến cũng không xa là mấy, khoảng vài cây số đường quê, vừa đủ để vượt ra ngoài tầm đạn pháo của tàu chiến giặc từ ngoài biển nã vào.
Những ngày ở nơi sơ tán, không còn công việc gánh cá thuê như mọi lần nên mẹ buôn bán lặt vặt kiếm miếng ăn cho cả nhà. Mệt nhọc là thế, vậy mà mỗi chiều đến mẹ còn tranh thủ đi sang gò đất trống nằm giữa cánh đồng để đào bắt vài con dế cơm về làm chút thức ăn cho mấy chị em tôi. Dù đã trải qua hơn 50 năm nhưng tôi vẫn không quên đĩa dế rang muối tỏa mùi thơm phức, những con dế cơm bụng căng tròn, béo ngậy.
 
Mẹ và tác giả bài viết. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Mẹ và tác giả bài viết. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cha đi dân công hỏa tuyến biền biệt mấy tháng trời, thỉnh thoảng mới ghé về thăm nhà một lần nhưng lâu lắm cha cũng chỉ ở nhà chừng vài giờ rồi lại đi. Bao nhiêu nỗi vất vả, lo toan đều đè nặng lên tấm thân gầy yếu của mẹ.
Năm 1972, giặc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc. Chúng tôi rời nơi sơ tán trở về nhà. Cảnh cũ giờ chẳng còn gì ngoài đống cột kèo đổ nát nằm vương vãi trên nền đất cùng một khóm tre già cuối vườn đang gượng dậy trơ cành, xơ xác. Cha từ chiến trường trở về san sẻ với mẹ mọi việc lớn nhỏ, dựng lại nhà cửa, vườn tược. Có cha bên cạnh, mẹ đỡ vất vả hơn, nụ cười hạnh phúc đã nở trên đôi môi mẹ. Trong ánh mắt mẹ, nỗi âu lo về bom đạn, mất mát cũng không còn hiện hữu.
Cuộc sống quê tôi thời bình ngày một khá hơn nhưng những quan niệm cổ hủ, lỗi thời thì mãi vẫn in sâu vào tư duy những người dân vốn thật thà, chất phác và thường nghĩ đến những gì đang thấy trước mắt hơn là nhìn xa trông rộng. Hầu hết đều không muốn cho con đi học cao hơn mà muốn ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Chỉ số ít người, trong đó có cha mẹ tôi, không cùng chung suy nghĩ đó. Nhờ vậy, mấy chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn.
Phải học mới có tương lai
Cha mẹ tôi nói có học mới có thể thành người, có thể đổi thay cuộc sống của mình, chủ động với đời sống của mình. Có học sau này ra đời mới bớt khổ. Cha mẹ nói cứ nhìn những người có học và tương lai của họ thì các con sẽ rõ thôi, hãy nhìn vào đó mà cố gắng.
Bảy chị em chúng tôi lần lượt ra trường và vào Nam công tác, trong đó chị cả dạy học ở Đắk Lắk. Tôi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải năm 1989 và hiện sinh sống, làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với chị thứ hai, anh kế và ba đứa em. Rất nhiều lần chúng tôi cố gắng thuyết phục cha mẹ vào sống cùng các con cháu để hưởng viên mãn tuổi già nhưng cha vẫn chưa đồng ý. Cha tôi là tộc trưởng của dòng họ nên việc ra đi với ông quả là một quyết định rất khó khăn.
Mãi đến năm 1994, cha mới đồng ý rời quê vào sống cùng con cháu và chính việc thay đổi quyết định đó là nhờ vào lời khuyên xuất phát từ lòng thương con của mẹ. Mẹ nói: "Ông và tôi nay đã già, các con sống trong đó cả. Mỗi năm các con về một lần, vừa tốn kém vừa mệt, rất khổ cho con cháu. Việc họ tộc, ông có thể bàn bạc và nhờ các chú giúp đỡ. Mai mốt có điều kiện thì tôi và ông lại về thăm quê".
Cha mẹ ở với gia đình anh trai cho đến năm 1998 mới về ở với gia đình tôi (do gia đình anh trai chuyển lên TP HCM). Năm 2014, cha tôi qua đời. Hôm đó mẹ khóc nhiều lắm. Tôi cảm nhận được nỗi đau tột cùng của mẹ qua từng tiếng nấc nghẹn ngào cùng với khóe mắt già nhăn nheo ứa lệ. Tôi thương mẹ vô cùng.
Chẳng thể nào đong đếm được những hy sinh lớn lao của mẹ nhưng tôi thấy được điều đó qua tấm lưng còng, mái tóc bạc, đôi mắt mờ cùng đôi bàn tay nhăn nheo, gân guốc. Nhớ một lần trong bữa ăn, mẹ nói đùa: "Ngày trước hai hàm răng còn khỏe thì chẳng có miếng ngon mà ăn, bây giờ bữa ăn đầy những miếng ngon thì lại chẳng còn răng để mà nhai". Lòng tôi dường như lắng lại, sống mũi cay cay... 
Bền chí theo đuổi việc học
Nghe lời cha mẹ, chị em chúng tôi siêng năng học hành. Những năm đó, đất nước còn nghèo khó, gia đình tôi như nhiều gia đình khác cũng chật vật sinh kế, việc học hành của chúng tôi vừa là nỗi lo toan mà cũng là đỡ đần gánh nặng gia đình. Bởi lẽ, đi học thời đất nước chưa đổi mới thì còn được bao cấp, có gạo hằng tháng và một ít nhu yếu phẩm. Sau này, hết bao cấp, đi học lại vất vả hơn với con nhà nghèo. Phải học thật giỏi mới có học bổng, còn lại thì phải xoay xở. Chúng tôi hầu hết đều phải làm thêm để có tiền trang trải học phí và nuôi sống bản thân, chứ cha mẹ ở quê nghèo khó, không thể nào chu cấp cho cả đàn con theo việc học hành mãi được. Nhưng nhờ vậy mà chúng tôi bền chí theo đuổi học hành, xứng đáng với lòng thương yêu và tin cậy của cha mẹ.
LÊ XUÂN HÒA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.