(GLO)- Làm việc với hệ thống chính trị 2 xã Kon Pne và Đak Rong (huyện Kbang) ngày 13-6, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các địa phương tập trung khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch, nông nghiệp, cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo bền vững.
Dự buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Trương Văn Đạt-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Thái Thanh Bình-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Huỳnh Quang Thái-Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đại diện Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Thường trực Huyện ủy Kbang cùng hệ thống chính trị xã Đak Rong và Kon Pne.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Rong. Ảnh: Tấn Linh |
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao
Báo cáo với đoàn công tác của tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne Đinh Kre cho biết: Xã Kon Pne có 3 làng với 390 hộ, hơn 1.600 khẩu, trong đó, người dân tộc Bahnar chiếm 93,33%. Người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như: lúa nước, bắp, mì, bời lời đỏ, rau đậu các loại. Xã có tổng đàn gia súc hơn 1.570 con và đàn gia cầm khoảng gần 2.300 con. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích chưa cao do đất sản xuất nằm ở địa hình đồi dốc, bạc màu, người dân chậm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao, giảm nghèo chưa bền vững. Hiện toàn xã còn 138 hộ nghèo, chiếm 35,38%. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay, xã mới đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Làng Kon Ktonh được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới cũng chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Trạm Y tế xã đã xuống cấp, nhân lực chỉ còn 3 người gây khó khăn cho công tác khám-chữa bệnh. Đặc biệt, Trạm thiếu y-bác sĩ là nữ nên khó khăn trong thăm khám, chăm sóc sản phụ và thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chế độ, chính sách bị cắt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, học sinh cũng như tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tương tự, toàn xã Đak Rong vẫn còn 430 hộ nghèo (chiếm 36,35%) và 196 hộ cận nghèo (chiếm 16,57%). Bí thư Đảng ủy xã Đinh Nao lý giải nguyên nhân: Xã Đak Rong thuộc vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn chưa tạo ra nhiều hàng hóa có giá trị kinh tế cao; tập tục lạc hậu còn tồn tại, chậm bài trừ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, xã cũng mới chỉ hoàn thành được 9/19 tiêu chí nông thôn mới (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025). Trong đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 23,62 triệu đồng/năm. Từ nay đến năm 2025, bình quân mỗi năm, xã phải tăng thu nhập của người dân lên 7,3 triệu đồng mới đạt tiêu chí nông thôn mới. Đây là thách thức không nhỏ cho hệ thống chính trị của xã.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (đi đầu) cùng đoàn công tác thăm làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: Tấn Linh |
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xã Đak Rong đã xảy ra 4 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 2 vụ phải xử lý hình sự. Trước vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Kbang Nguyễn Hữu Tuyến đề nghị hệ thống chính trị xã phải tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là chú ý theo dõi các đối tượng có hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tại xã Đak Rong đã xảy ra 10 vụ tự tử làm 9 người chết. Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho hay: “Mặc dù Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này song vẫn chưa thực sự triển khai rõ nét. Do đó, tôi đề nghị cả hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã phải vào cuộc ngăn chặn vấn đề này một cách quyết liệt nhằm tạo chuyển biến”.
Mỗi địa phương phải là điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững
Sau khi nghe báo cáo của từng địa phương, lãnh đạo các sở, ngành đã giải đáp những thắc mắc, kiến nghị liên quan đến việc rà soát 3 loại rừng; giao khoán bảo vệ rừng; đầu tư cơ sở hạ tầng; củng cố hệ thống đường giao thông, kênh mương thủy lợi, cầu cống; nâng cao tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế; các chế độ, chính sách cho học sinh…
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Thanh Bình cho rằng: “Trong kháng chiến, Kon Pne và Đak Rong là nơi chở che cho cách mạng. Vì thế, ngày nay, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến nơi này. Xã có diện tích rừng rất lớn, việc phát triển cây trồng, vật nuôi cũng cần phải gắn với rừng, tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất lĩnh vực giáo dục, y tế để nâng cao chất lượng đời sống cho bà con”.
Chia sẻ những khó khăn của xã Kon Pne, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề xuất: “Trước sự ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg đến đời sống người dân xã Kon Pne, các sở, ngành, địa phương cần đề ra những chính sách, cách làm nhằm tận dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tổ chức sản xuất cho người dân”.
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các xã, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị: “Các ngành, địa phương cần bố trí nguồn lực để tập trung cho công tác này, làm sao để thấy người dân được hưởng thụ lợi ích từ chương trình, thay đổi rõ nét trong cuộc sống của họ. Đối với phát triển du lịch cũng cần có sự chung tay của các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng nhau tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư”.
Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh với hệ thống chính trị xã Đak Rong, huyện Kbang. Ảnh: Tấn Linh |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên ghi nhận những kết quả mà các địa phương đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Kon Pne và Đak Rong chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn so với những năm trước. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Đội ngũ cán bộ, công chức phải có quyết tâm chính trị cao vì sự phát triển của địa phương, vì đời sống của người dân. Theo đó, Kon Pne và Đak Rong phải quyết tâm giảm nghèo bền vững. Dù lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đã cơ bản đảm bảo cho đời sống của bà con nhưng chất lượng chưa cao nên các xã cần có giải pháp để phát triển ổn định hơn, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao khoán rừng, nhất là tạo điều kiện cho bà con hưởng lợi từ các lâm sản phụ, trồng dược liệu dưới tán rừng.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Huyện Kbang cần tập trung xây dựng Kon Pne và Đak Rong thành điển hình đối với việc thực hiện 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cần cố gắng nâng cao trình độ dân trí; giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, quyết không để các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; lực lượng giáo viên, y tế, đội ngũ cán bộ làm việc tại thôn, làng; quan tâm, bố trí, tạo nguồn phát triển đảng viên; các đoàn thể phải phát huy vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Kon Pne cần tạo hướng đi riêng trong xây dựng xã và làng nông thôn mới. Cùng với các nguồn lực đầu tư, cả hệ thống chính trị cùng người dân cần cố gắng, quyết tâm vươn lên, tự lực, tự cường để triển khai xây dựng từng tiêu chí từ dễ đến khó. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm hỗ trợ, đầu tư giúp xã Đak Rong phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch quy hoạch phát triển điểm du lịch thác Kon Bông, từng bước đưa thác nước này trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong thời gian tới.
Đối với các kiến nghị của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp, bám sát triển khai sớm Dự án “Giảm thiểu các tác động của dịch bệnh Corona tới kinh tế và xã hội thông qua bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững ở Tây Nguyên” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức. Đối với việc khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường từ trung tâm xã Kon Pne ra thị trấn Kbang, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện bố trí kinh phí hàng năm để tu sửa; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành bố trí nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa hàng năm. Các ngành, đơn vị liên quan rà soát nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho Trạm Y tế xã Kon Pne phục vụ nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân.
Trong chương trình làm việc, đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất của người dân làng Hà Đừng và khảo sát thác Kon Bông (xã Đak Rong). Dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cùng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị đã trao tặng nhiều phần quà cho Đảng bộ, chính quyền, người dân xã Kon Pne và Đak Rong. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy tặng 40 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các gia đình khó khăn ở xã Đak Rong và Kon Pne.
|
QUANG TẤN - PHƯƠNG LINH