(GLO)- Chiều 16-9, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đến cấp xã để nắm tình hình và triển khai công tác phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy và UBND tỉnh có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch của tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Cơ bản kiểm soát dịch bệnh
Theo Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 28-5 đến chiều 16-9, toàn tỉnh ghi nhận 527 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 74 trường hợp tái dương tính và 2 trường hợp tử vong. Đến thời điểm báo cáo có 250 trường hợp đã xuất viện theo đúng quy định, còn lại đang cách ly, điều trị tại các bệnh viện điều trị Covid-19 của tỉnh. Các địa phương đã cơ bản khoanh vùng, phong tỏa kịp thời các chùm ca bệnh và ổ dịch trong cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Riêng ổ dịch tại Quân đoàn 3 hiện đang tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách phòng-chống dịch. Liên quan đến chùm ca bệnh chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mặc dù có phát sinh các trường hợp dương tính mới nhưng là các trường hợp đã cách ly tập trung nên ít có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Đa số các khu vực phong tỏa, khoanh vùng đã qua 14 ngày, chỉ còn khoanh vùng tạm thời nhà công vụ Quân đoàn 3, các điểm nhà của F0 và một số địa điểm dịch tễ liên quan.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, tuy đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát. Trong đó, các nguy cơ chính đó là: nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Campuchia; người về từ vùng dịch trong nội địa, nhất là khi sắp đến các tỉnh, thành phía Nam mở cửa đi lại sẽ có nhiều người từ các nơi đổ về tỉnh; việc các lái xe giao thương qua lại tỉnh thường xuyên, việc quản lý người cách ly tại nhà chưa chặt chẽ và tình trạng tái dương tính còn nhiều sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phòng-chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đánh giá: Gia Lai có số ca tái dương tính cao nhất trong các tỉnh Tây Nguyên, xấp xỉ 13%. Hiện chưa phát hiện có lây nhiễm thứ phát từ các ca tái dương tính. Tuy nhiên, tại tỉnh Đak Nông và Đak Lak đã có lây nhiễm thứ phát nên không thể chủ quan, lơ là trong phòng-chống dịch. Nếu trước đây, việc thực hiện giãn cách xã hội theo hướng khoanh vùng theo Chỉ thị 16, 15, 19 của Thủ tướng Chính phủ thì nay công tác phòng-chống dịch đánh giá theo mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng-chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19. Qua đánh giá mức độ nguy cơ sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp theo quan điểm là sớm hơn một bước, cao hơn một bậc để phòng-chống dịch. Các địa phương sẽ đánh giá nguy cơ ở địa phương mình nhưng Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ quyết định cuối cùng và sẽ có bản đồ thống nhất trong toàn tỉnh để chủ động triển khai phòng-chống dịch.
Tại TP. Pleiku, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và gỡ giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 9-9. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thông tin: Từ ngày 27-4 đến sáng 16-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 56 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 9 trường hợp đã điều trị xong và có 6 ca tái dương tính. Nhìn chung, TP. Pleiku cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Trong 6 chùm ca bệnh trên địa bàn thành phố thì có 3 chùm liên quan đến xe “luồng xanh”. “Để công tác phòng-chống dịch có hiệu quả hơn trong thời gian tới, TP. Pleiku đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh có kế hoạch sớm tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên còn lại trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xe luồng xanh”-Bí thư Thành ủy Pleiku đề xuất.
Đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Các địa phương, nhất là cấp xã cần quán triệt Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch, lưu ý nguyên tắc, phương châm đó là: Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng-chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng-chống dịch Covid-19.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Nắm bắt chính xác tình hình, đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Đồng thời, các địa phương quán triệt tinh thần “chủ động tấn công” và nguyên tắc phòng-chống dịch “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, luôn chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn. Đưa ra các giải pháp tương ứng với từng mức nguy cơ; cần áp dụng ở phạm vi phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ, không nhất thiết phải toàn bộ đơn vị hành chính. Các giải pháp gồm nhóm bắt buộc và nhóm do chính quyền địa phương bổ sung hoặc quyết định ở mức cao hơn, nhanh hơn phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”, các địa phương phải thuộc nằm lòng 8 nguyên tắc, nhiệm vụ của pháo đài phòng-chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể để phòng-chống dịch hiệu quả. Riêng đối với TP. Pleiku, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần rà soát lại chặt chẽ để tính toán việc mở ra thêm các dịch vụ nhưng trên nguyên tắc không được chủ quan, lơ là, phải đảm bảo an toàn phòng-chống dịch.
Không lơ là, chủ quan
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đánh giá: Công tác phòng-chống dịch đến nay cơ bản tạm yên tâm. Tuy nhiên, đề nghị các địa phương phải hết sức quan tâm lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần nắm được quan điểm chung và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phòng-chống dịch. Công tác phòng-chống dịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm chính và chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên; phân công cụ thể trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên quan tâm chỉ đạo chứ không khoán cho chính quyền, y tế, lực lượng chức năng.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Công tác phòng-chống dịch với phương châm vì sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết, phát huy sức mạnh của toàn dân và xác định người dân là trung tâm, là chủ thể; mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong phòng-chống dịch. Các địa phương cần thực hiện nghiêm theo Quyết định số 2686 về đánh giá mức độ nguy cơ, phân loại cụ thể và thường xuyên đánh giá cập nhật thường xuyên để có phương án ứng xử phòng-chống dịch phù hợp. Gia Lai hiện có 190 đơn vị cấp xã đang là “vùng xanh”, 22 đơn vị “vùng vàng” có nguy cơ, 6 đơn vị “vùng cam” nguy cơ cao và 2 “vùng đỏ” nguy cơ rất cao. Khi đã xác định được các vùng thì cần có sự lãnh-chỉ đạo, quản lý trong các hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Bí thư Tỉnh ủy, hệ thống chính trị cần thực hiện tốt phương châm “2 chống, 3 xây”. Trong đó, 2 chống là chống chủ quan, lơ là mất cảnh giác, thỏa mãn; chống dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào cộng đồng. Ba xây là xây dựng kế hoạch cho tình huống xấu hơn khi dịch lây lan rộng trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch để không rơi vào tình huống khủng hoảng về an sinh xã hội, lương thực thực phẩm, nước uống khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động người dân phải chủ động thích ứng trong tình hình mới. Tuy đã tạm yên tâm nhưng dịch vẫn có thể đến bất cứ lúc nào. Tình hình chung vẫn rất phức tạp nên không được chủ quan, lơ là, phải cùng nhau nắm chắc tình hình, hiểu được các quy định từ Trung ương đến tỉnh để thống nhất hành động.
Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Gia Lai có 90 km đường biên giới. Hiện nay, Campuchia mở cửa cho phép người về. Vì vậy, phải triển khai kiểm tra, kiểm soát toàn tuyến. Bên cạnh đó, một số địa phương ở phía Nam đã gỡ Chỉ thị số 16, sẽ có nhiều người về địa phương. Tinh thần chung là đón công dân về địa phương nhưng phải theo tổ chức. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải nắm vững các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng-chống dịch, nắm chắc tình hình địa phương mình, lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi tình hình bất cứ lúc nào. Các địa phương cần phát huy tốt vai trò của tổ Covid cộng đồng, nhất là vai trò giám sát người về từ vùng dịch, cách ly tại nhà; tiếp tục tăng cường thực hiện thông điệp 5K, 5T… Khi có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng phải thực hiện nghiêm các bước theo quy định phòng-chống dịch.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, phải phát huy ý thức tự giác của người dân, kêu gọi người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng-chống dịch. Riêng TP. Pleiku phải rà soát đánh giá và sớm có trả lời xác định xem có mở thêm các dịch vụ khác, cho học sinh đến trường trên cơ sở đánh giá khoa học, hợp lý và chắc chắn. Tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực trong công tác phòng-chống dịch; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân; tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19; chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung để đón công dân về tỉnh trong thời gian đến. Đối với vấn đề tái dương tính phải đánh giá trên cơ sở khoa học, không thể nhận định chủ quan để từ đó có biện pháp chủ động phòng-chống.
NHƯ NGUYỆN