Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Tập trung mọi nguồn lực để phát triển lâm nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 4-11, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU ngày 29-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triền khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Hồ Văn Niên phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: Đăng Vũ
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đăng Vũ

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và Chương trình số 38-CTr/TU, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung quán triệt sâu rộng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chủ rừng bằng nhiều hình thức đa dạng, gắn với cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng” và phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, “Mỗi hội viên trồng 1 cây xanh”, “Mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh”. Trong đó, chú trọng những hình thức đơn giản, trực quan, dễ hiểu như: panô, áp phích, hình ảnh, ký cam kết an toàn lửa rừng… Từ năm 2017 đến nay, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp đẩy mạnh, tổ chức gần 1.000 đợt tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về Luật Lâm nghiệp với sự tham gia của 69.790 lượt người.

Cùng với đó, bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp từng bước được kiện toàn, góp phần giúp công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh được triển khai tập trung, đồng bộ, hiệu quả hơn, số vụ vi phạm giảm qua các năm. Trong 5 năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 2.940 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 2.741 vụ (tương ứng 48,25 %) so với giai đoạn 2012-2016. Riêng 10 tháng năm 2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 290 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 111 vụ, tương ứng giảm 27,70% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số vụ đã xử lý là 186 vụ, trong đó, xử lý hình sự 29 vụ (giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng giảm 14,7%), xử lý vi phạm hành chính 158 vụ, đang điều tra, xử lý 104 vụ. Để đảm bảo chỉ tiêu mỗi năm trồng 8.000 ha rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng đạt 47,75% vào năm 2025, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực của tỉnh, của huyện, doanh nghiệp và người dân để trồng rừng. Từ năm 2017-2021, toàn tỉnh đã trồng được hơn 31.440 ha rừng; 10 tháng năm 2022 đã trồng được gần 7.900 ha, đạt 98,5% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Văn Huân-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Văn Huân-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy

Cùng với những kết quả đạt được, các đơn vị chủ rừng, địa phương, đơn vị cũng thảo luận và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến các vấn đề: công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng tuy có giảm song vẫn xảy ra nhiều; chế độ chính sách đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng chưa tương xứng và còn thấp; diện tích rừng giao cho UBND cấp xã quản lý lớn, song không có lực lượng chuyên trách nên rất khó trong công tác quản lý, bảo vệ; hoạt động của một số cộng đồng khi được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng chưa phát huy được hiệu quả. Song song đó, định mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng thấp nên không thu hút được các thành phần kinh tế và người dân tham gia; công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm theo Kế hoạch 1123/KH-UBND của UBND tỉnh về tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn; việc rà soát hiện trạng và quy hoạch 3 loại rừng qua các năm còn nhiều sai sót. Tỷ lệ đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tốc độ tăng trưởng ngành nông-lâm nghiệp rất thấp, chiếm 1,33% cơ cấu trong nội bộ ngành; trong 5 năm đã xảy ra 20 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 216 ha rừng trồng, cháy lướt thảm thực bì với diện tích 75,4 ha…

Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhận định: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong 5 năm qua của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, như: tài nguyên rừng vẫn đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng; còn xảy ra tình trạng lấn, phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật; nguy cơ xảy ra cháy rừng còn cao mà chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả; việc rà soát hiện trạng 3 loại rừng vẫn còn sai sót; cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa thỏa đáng; chưa quyết liệt trong thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm; chưa kiểm soát tỷ lệ sống trong diện tích rừng đã trồng...

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TƯ về quản lý và bảo vệ rừng. Ảnh: Đăng Vũ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đăng Vũ

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chỉ đạo: “Thời gian tới, người đứng đầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng cần nâng cao trách nhiệm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân không làm tốt trách nhiệm được giao, để xảy ra vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý; biểu dương, khen thưởng đi đôi với xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt. Các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tập trung mọi nguồn lực thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Sử dụng hợp lý các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dành một phần ngân sách của địa phương để đầu tư cho công tác bảo vệ phát triển rừng; cân đối, điều tiết các nguồn thu cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý để đảm bảo các đơn vị chủ rừng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng".

Đồng thời, phải triển khai mạnh mẽ công tác trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng thay thế; trồng cây phân tán trong người dân, giao kế hoạch hàng năm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng. Thực hiện nghiêm Kết luận số 422-Ctr/TU ngày 31-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết tình hình thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU ngày 29-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đối với các kiến nghị mà các đơn vị nêu ra tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh khẩn trương xem xét theo thẩm quyền; đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, các cán bộ chủ trì sẽ ghi nhận và đề nghị với các cơ quan của Chính phủ.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường công tác nắm thông tin, dự báo tình hình

Tăng cường công tác nắm thông tin, dự báo tình hình

(GLO)- Sáng 29-10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-Công an tỉnh-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sơ kết nhiệm vụ quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV-2024. Đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.