Chiều 2-4, UBND TP HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kết quả kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2025.
Trong nhiều nội dung quan trọng chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dành nhiều thời gian nói về cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay.
Địa phương rộng hơn, sứ mệnh cũng nặng nề hơn
Bí thư Thành ủy TP HCM chia sẻ đây là bước thử thách không nhỏ, một trải nghiệm chưa từng gặp đối với cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
TP HCM đã đi qua những chặng đường, nhưng lúc này đây là thử thách, trải nghiệm rất lớn, sẽ trở thành một năng lượng mới, một dấu ấn để toàn thành phố bắt tay cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy TP HCM nhìn nhận sau sáp nhập, địa phương sẽ rộng hơn, lớn hơn và sứ mệnh cũng nặng nề hơn. Do đó, tư duy, tầm nhìn phải mở ra.

Đối với cấp huyện, Bí thư Thành ủy TP HCM nói đã đi suốt chặng đường lịch sử dài nhưng sắp tới sẽ kết thúc, nhường sứ mệnh lại cho cấp xã và thành phố. Tinh thần mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là tập trung cho cấp tỉnh/thành phố; đồng thời tăng cường, sắp xếp lại cho cấp xã đủ mạnh gánh vác sứ mệnh. Khi cấp huyện không còn thì một phần giao về cho cơ sở; một phần giao về cho sở, ngành.
"Chủ trương xuyên suốt của việc sắp xếp bộ máy là làm sao phải đảm bảo tốt hơn. Quan trọng nhất là sau sắp xếp vận hành, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không chấp nhận những gì yếu hơn" - Bí thư Thành ủy TP HCM nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM cũng lưu ý trước mắt phải đảm bảo hoạt động thường xuyên; liên tục; các cơ quan, tổ chức không gián đoạn, không để ảnh hưởng đến các hoạt động. Đây là điều kiện tiên quyết.
Sắp xếp bộ máy là chủ trương lớn, mang tính cách mạng, đột phá, sâu sắc và kịp thời. Chúng ta phải thực hiện khẩn trương, kịp thời những chỉ đạo. Tuy nhiên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.
Do đó, thành phố phải quán triệt kịp thời, thấu đáo; vừa làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ trong hệ thống và nhân dân; vừa vận hành bộ máy thông suốt, không để ảnh hưởng. Đồng thời quan tâm, động viên và có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ không chuyên trách, người lao động.
Sắp xếp xã không phân biệt địa giới hành chính cấp huyện
Riêng việc sáp nhập phường, xã, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", các định hướng, phương án dự kiến thay đổi thường xuyên nên các cơ quan của thành phố cần bám sát, thực hiện nghiêm túc, chủ động chuẩn bị cho từng kịch bản.
Từ đầu năm 2025, TP HCM giảm từ 312 phường, xã, thị trấn xuống còn 273 phường, xã, thị trấn. Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý không nên phân biệt địa giới hành chính giữa các quận, huyện; không nên cơ học lấy ranh giới quận, huyện cũ nữa mà phải thành cái chung của thành phố để sắp xếp. Từ tổng thể địa giới hành chính của thành phố, sắp xếp làm sao thuận lợi nhất cho người dân; không để xã này rộng quá, bất tiện cho người dân.
"Sắp xếp làm sao cho tiện hơn, phù hợp hơn, làm sao cho người dân đồng thuận cao hơn" – Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, khi không tổ chức cấp huyện thì 85% nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về xã, 15% chuyển lên cấp tỉnh. Như vậy cán bộ, công chức cũng phải điều chỉnh cho phù hợp mô hình mới.
Bí thư Thành ủy TP HCM chia sẻ định hướng chung là phần lớn cán bộ cấp huyện sẽ về tăng cường cho cấp xã, một số trường hợp chuyển về công tác ở các sở, ngành cấp thành phố. Những người làm việc bán chuyên trách ở phường, xã dự kiến chuyển về công tác ở khu phố, ấp.
Đồng thời, TP HCM cũng chọn lựa, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để chuẩn bị nhân sự đội hình mới chất lượng hơn trước. Bên cạnh đó, nhân sự sẽ giảm dần theo lộ trình, theo vị trí việc làm, Chính phủ sẽ quy định cụ thể. "Tinh thần là không giảm hàng loạt ngay khi sắp xếp, các đồng chí cứ yên tâm" - Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết Trung ương sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức không còn làm việc đảm bảo thấu tình, vừa giúp đất nước phát triển vừa đảm bảo công bằng với những người không còn làm việc.
Ngoài chính sách của Trung ương, TP HCM cũng nghiên cứu chính sách với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở như chuyển đổi nghề nghiệp, nhà ở, hỗ trợ vốn để an tâm khi rời hệ thống chính trị, chính quyền.
"Mọi hoạt động của chúng ta đều vì mục tiêu phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn; nâng cao chất lượng sống cho người dân" – Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Đối với việc đặt tên phường mới, Bí thư Thành ủy TP HCM lưu ý tên gọi nên ngắn gọn, dễ gọi, chú ý đến yếu tố văn hóa, phù hợp nguyện vọng của người dân, thuận tiện cho số hóa sau này.
Theo PHAN ANH (NLĐO)