Rừng thông cổ thụ hàng chục héc ta ở xã Ia Dêr (Ia Grai) nằm sát ngay TP.Pleiku một con suối được ví là một phần của lá phổi Pleiku. Vậy nhưng, thời gian qua, rừng thông ở đây đang bị xâm hại nghiêm trọng cả về diện tích lẫn cây trồng.
TP Pleiku (Gia Lai) có khí hậu mát mẻ, một phần do vị trí địa lý, một phần bởi còn được bao bọc xung quanh rất nhiều rừng thông được trồng từ hàng chục năm trước. Biết bao thế hệ đã có những kỷ niệm đẹp bên những rừng thông già. Ngoài việc điều hòa khí hậu, những rừng thông nơi đây còn là nơi để du khách trong và ngoài tỉnh ghé đến mỗi dịp du lịch trên phố núi.
Ý nghĩa to lớn là vậy, nhưng đến thời điểm này, chính sự xâm hại của những người vì nhu cầu cá nhân đã khiến cho những rừng thông nơi đây ngày đêm “rỉ máu”, cành lá xơ xác, khô héo.
Một cây thông cổ thụ “khủng” bị cạo sạch vỏ cây đến chết.
Vừa qua, ông Nguyễn Hữu Quế (Bí Thư Huyện ủy huyện Ia Grai) cùng với phóng viên (PV) và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện; Phó Ban quản lý rừng Phòng hộ Bắc Biển Hồ và lãnh đạo UBND xã Ia Dêr đã có mặt tại rừng thông để khảo sát, nắm bắt thông tin thực tế. Khi có mặt ở đây ai cũng ngỡ ngàng với mức độ rừng thông bị tàn phá. Lý do lấy vỏ để làm gì thì cơ quan chức năng đang làm rõ. Vậy nhưng, với số lượng cây bị đẽo và cạo vỏ rất lớn thì trách nhiệm của Ban quản lý trong vụ việc này cần phải được làm rõ.
Các đối tượng xấu còn xẻ thịt thông cổ thụ để về nhóm lửa.
Ông Nguyễn Tất Thành (Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ) thông tin: Đơn vị được giao quản lý rừng thông, tuy nhiên do địa bàn rộng, trải dài khắp nơi nên một người được bố trí phụ trách nhiều khu vực. Thời gian vừa qua, có đuổi một số người (vào cạo vỏ thông-PV). Sau khi có ý kiến phản ánh, Ban quản lý đã bố trí 1 người để quản lý khu vực này. Lúc đầu bóc vỏ cây khô, nhưng về sau, các đối tượng bóc luôn cả vỏ cây đang sống.
Khi được PV hỏi về việc các đối tượng xấu bóc vỏ, xẻ thịt sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây thông như thế nào? Ông Nguyễn Tất Thành cho biết: “Đa số người ta bóc để lấy vỏ khô của cây. Trước mắt chưa ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, về lâu dài sẽ có ảnh hưởng. Một số người đồng bào chăn thả trâu, bò đã đẽo thông để về nhóm lửa. Đơn vị và địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không được đẽo nữa”.
Kết thúc chuyến kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Hữu Quế khẳng định có việc đục và lấy vỏ cây thông. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay, trách nhiệm bảo vệ rừng và để xảy ra sự việc này thuộc quản lý của rừng Bắc Biển Hồ. Quản lý rừng thông cần phải nghiêm ngặt, bởi đây là nơi nhân dân thường xuyên tới để du lịch, đồng thời rừng thông còn là lá phổi xanh cho TP.Pleiku. Trong tất cả các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch ở đây, quan điểm của UBND tỉnh và thành phố là không được xâm hại đến những cây thông”.
Bí thư huyện Ia Grai, ông Nguyễn Hữu Quế (ngoài cùng bên trái) nghe đoàn kiểm tra báo cáo tại hiện trường.
Trước số lượng hàng trăm cây chưa được kiểm đếm cụ thể, ông Quế đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đi kiểm đếm, báo cáo cụ thể về UBND huyện Ia Grai. Từ đó, UBND huyện sẽ có báo cáo và đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Sở Nông nghiệp, chỉ đạo với Ban quản lý rừng Bắc Biển Hồ.
Trần Sỹ (Công lý)