Bí ẩn kỳ án 60 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Viện Tổng công tố Nga cho rằng cái chết bí ẩn của 9 sinh viên trên rặng núi Ural năm 1959 gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên.

Viện Tổng công tố Nga vừa mở lại cuộc điều tra cái chết bí ẩn của 9 sinh viên cách đây 60 năm, được gọi là "cái chết của nhóm Dyatlov" và được xem là một trong 20 điều bí ẩn nhất trong vòng một thế kỷ qua.

75 giả thuyết

Ngày 23-1-1959, nhóm 9 sinh viên Trường ĐH Bách khoa Ural - gồm 7 nam, 2 nữ - bắt đầu chuyến đi dưới sự hướng dẫn của sinh viên năm thứ năm Igor Dyatlov. Hành trình kéo dài 16 ngày của họ nhằm chinh phục hơn 300 km và vượt qua các ngọn núi ở Bắc Ural: Otorten và Kholat Syakhl.

Theo kế hoạch, ở điểm cuối cùng của chuyến đi - làng Vizhay - vào ngày 12-2, nhóm này phải đánh điện về câu lạc bộ thể thao của trường nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

Nhà chức trách tiến hành cuộc tìm kiếm vào ngày 20-2 và 6 ngày sau, người ta đã phát hiện lều của nhóm sinh viên, trống rỗng và bị xé rách. Hôm sau, thi thể của Yuri Doroshenko và Yuri Krivonischenko được tìm thấy cách đó gần 2 km. Đáng chú ý, xác 2 sinh viên này nằm cạnh đống lửa và trên người chỉ còn đồ lót.

Mấy ngày sau, người ta tìm thấy thêm 3 thi thể nữa, trong đó có Dyatlov. Mãi đến 3 tháng sau đó, 4 thi thể còn lại mới được tìm thấy khi tuyết tan.


 

 



Ngày 28-5-1959, Nga khởi tố vụ án hình sự liên quan đến cái chết của nhóm sinh viên trên. Thế nhưng, theo đài CNN, 3 tháng sau, vụ án đã được khép lại sau khi có kết luận rằng thảm kịch này do "sức mạnh của thiên nhiên" gây ra. Cuộc điều tra trên được giữ bí mật cho đến những năm 1970.

Đối với nhiều người, giải thích trên không làm họ thỏa mãn vì không lý giải được vì sao các nhà thám hiểm lao vào chốn giá lạnh mà chỉ mặc đồ lót và không mang giày. Một chi tiết không có lời giải khác là vài nạn nhân bị gãy xương và vỡ sọ. Không gì lạ khi có đến 75 giả thuyết được đưa ra.

Đến nay, Viện Tổng công tố Nga cho rằng cái chết bí ẩn của 9 sinh viên trên rặng núi Ural năm 1959 gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên. "Yếu tố tội phạm bị loại trừ hoàn toàn. Đó chỉ có thể là lở tuyết, tảng tuyết hoặc bão" - phát ngôn viên Viện Tổng công tố Nga Alexander Kurennoi cho biết.

Tuy nhiên, hồi tháng 9-2018, cơ quan công tố vùng Sverdlovsk vẫn cho điều tra lại cái chết của nhóm nhà thám hiểm trẻ tuổi, tập trung vào 3 giả thuyết được xem là khả dĩ nhất. Theo ông Kurennoi, người thân, giới truyền thông và công chúng vẫn đòi hỏi các công tố viên tìm ra sự thật để giải tỏa nghi ngờ có điều gì đó bị che giấu lâu nay.

Ông giải thích rằng công tố là cơ quan duy nhất được luật pháp cho phép mở lại cuộc điều tra cái chết của nhóm Dyatlov mặc dù sự việc đã xảy ra 60 năm trước.

Những chi tiết đáng sợ

Phát biểu tại cuộc họp báo gần đây, ông Andrei Kuryakov, người đứng đầu cơ quan giám sát việc tuân thủ luật pháp liên bang của Văn phòng Công tố vùng Sverdlovsk, cho biết các nhà điều tra đang dựa vào sự hỗ trợ của "bạn bè và gia đình những nhà thám hiểm xấu số" cũng như những công nghệ hiện đại chưa xuất hiện cách đây 60 năm.

Theo ông Kuryakov, có 2 nguyên nhân để tiến hành điều tra. Một là, người thân của những người đã chết muốn biết do đâu họ mất mạng. Hai là, cần phải xác định chuyện gì đã xảy ra để tránh lặp lại những vụ việc đau lòng tương tự trong tương lai.

Nhân viên Văn phòng Công tố vùng Sverdlovsk cùng với các chuyên gia và đại diện Bộ Các tình huống khẩn cấp sẽ đến tận hiện trường thảm kịch trong tháng này. Trước đây, các công tố viên chỉ kiểm tra tài liệu của cuộc điều tra cũ. Các chuyên gia sẽ thực hiện 9 cuộc kiểm tra khác nhau, kể cả một cuộc điều tra pháp y, nhằm tìm ra lời giải đáp cho nhiều thắc mắc còn bỏ ngỏ lâu nay.


 

Nhóm sinh viên thám hiểm trên vùng núi Bắc Ural cách đây 60 năm. Ảnh: GUB DAILY - KP
Nhóm sinh viên thám hiểm trên vùng núi Bắc Ural cách đây 60 năm. Ảnh: GUB DAILY - KP



Theo báo Gazeta, giới chuyên môn chú ý đến nhân thân của Semen Zolotarev, 37 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của nhóm thám hiểm, một cựu chiến binh và là giáo viên giáo dục thể chất. Thi thể của ông ta nằm rất lâu trong một con lạch và ngay cả người thân cũng không nhận ra. Thế nhưng, trên cánh tay của người quá cố có những hình xăm kỳ lạ mà chưa một ai từng nhìn thấy khi ông ta còn sống.

Theo lời tổng biên tập báo Komsomolskaya Pravda Vladimir Sungorkin, lý lịch Zolotarev đầy những "điểm mâu thuẫn". Ông lưu ý rằng theo giấy tờ, tên người tham gia nhóm Dyatlov được ghi là Semen nhưng không hiểu sao anh ta lại yêu cầu mọi người gọi là Alexander. Ngoài ra, nhà báo Sungorkin cho biết thêm rằng theo hồ sơ lưu trữ, Zolotarev giành được nhiều giải thưởng nhưng kết quả điều tra cho thấy một số huy chương được ông liệt kê không hề thuộc về ông ta.

Vì có nhiều điểm mâu thuẫn, 2 cuộc kiểm tra y khoa đã được tiến hành và một kết quả xét nghiệm cho thấy ADN của người thân và Semen không tương thích. Từ đó, giới báo chí cho rằng có thể một người nào đó khác nằm trong nấm mộ ghi tên Zolotarev và ngôi mộ với dòng chữ "Semen Zolotarev" chẳng thuộc về ai cả.

Mặt khác, theo trang How to News (Nga) ngày 22-2, nhà nghiên cứu nổi tiếng Valentin Degterev ở TP Nizhny Tagil thuộc vùng Sverdlovsk đã đưa ra những sự kiện mới về câu chuyện cũ này. Điều nghiên các bức ảnh chụp thi thể nữ sinh viên Zinaida Kolmogorovaya, ông kết luận rằng cô gái đã bị tra tấn dã man trước khi chết.

Thêm vào đó, ông Degterev nhận định rằng ngày nay, vẫn còn có những người biết chân tướng sự việc nhưng họ không nói ra mặc dù 60 năm đã trôi qua. Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao nhóm thám hiểm ra khỏi lều và bị chết cóng...

NGÔ SINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.