
Ngay sau khi nhận được thông tin có cặp ghép cho-nhận cùng huyết thống, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, hội chẩn đa chuyên khoa, nội và ngoại viện.
Cặp ghép là chị em ruột, người nhận thận là bệnh nhân nam 35 tuổi, mắc suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ. Trước nguy cơ biến chứng và sự suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, người bệnh, gia đình người bệnh đã tự nguyện đăng ký hiến và ghép tạng tại bệnh viện.

Với sự tham gia của gần 50 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đầu ngành của bệnh viện trong lĩnh vực lấy, ghép thận bao gồm các kíp lấy thận, kíp rửa thận, kíp ghép thận, gây mê, hồi sức và sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca ghép đã được thực hiện thành công. Tình trạng người hiến và người nhận tỉnh, huyết động ổn định. Đặc biệt, người nhận thận có nước tiểu ngay sau ghép và được chuyển đến khu hồi sức ngoại tiếp tục chăm sóc và điều trị sau ghép.
Với sự thành công của ca ghép thận thứ hai này tiếp tục khẳng định năng lực chuyên môn và vai trò của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí trong lĩnh vực ghép tạng của khu vực phía bắc, đồng thời mở ra cơ hội sống mới cho nhiều người bệnh suy thận giai đoạn cuối tại Quảng Ninh và các vùng lân cận.
Kế hoạch bệnh viện sẽ đưa kỹ thuật này vào thực hiện thường quy, tiếp tục ghép các trường hợp còn lại trong danh sách chờ ghép.
Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công kỹ thuật lấy đa mô tạng từ người cho chết não, thực hiện ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não.
Bệnh viện cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống. Điều đó khẳng định Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo QUANG THỌ (NDO)