Bệnh viện Đa khoa Gia Lai bước tiến mới trong điều trị bệnh tim mạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 12-2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) chụp mạch vành cho 6 bệnh nhân, qua đó triển khai can thiệp đặt stent động mạch vành cho 1 bệnh nhân. Đây là bước khởi đầu thuận lợi trong lĩnh vực can thiệp tim mạch tại Gia Lai.
Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là Bệnh viện vệ tinh tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện vệ tinh Ung bướu và Y học hạt nhân của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhờ đó, đơn vị đã được 2 bệnh viện tuyến trên hỗ trợ đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả trong khám-chữa bệnh. Trước đây, các ca mắc bệnh tim mạch, ung bướu… đều phải chuyển tuyến trên điều trị. Năm 2018, Khoa Tim mạch, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thành lập và đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí điều trị và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn được đầu tư các trang-thiết bị đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mới đây nhất, đơn vị được đầu tư máy DSA hiện đại. Đây là hệ thống chụp hình mạch máu mới, giúp thấy rõ hơn các thương tổn và bệnh lý mạch máu nhằm giúp xác định chẩn đoán rõ ràng và can thiệp kịp thời đối với những trường hợp mắc bệnh lý về tim mạch, mạch máu não, nhất là nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Sau tỉnh Lâm Đồng và Đak Lak, Gia Lai là tỉnh thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên được đầu tư hệ thống máy DSA, thủ thuật “vàng” trong chẩn đoán hình ảnh bệnh lý mạch máu và là một thiết bị hiện đại hỗ trợ đắc lực cho các ca phẫu thuật nội soi tim mạch lồng ngực ít xâm lấn. Ngày 27-12-2022, đoàn công tác do Tiến sĩ Hoàng Văn-Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội dẫn đầu đã đến Gia Lai và chuyển giao kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành cho đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tiến sĩ Hoàng Văn-Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (người ngồi) trao đổi chuyên môn với bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trước khi triển khai chụp mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Tiến sĩ Hoàng Văn-Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (người ngồi) trao đổi chuyên môn với bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trước khi triển khai chụp mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: Trong 6 năm qua, Bệnh viện Tim Hà Nội đã chuyển giao rất nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực điều trị tim mạch cho tỉnh Gia Lai như về cấp cứu tim mạch, các gói siêu âm, điện tim, hỗ trợ khám-chữa bệnh từ xa… Về cơ bản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai tốt điều trị nội khoa tim mạch cho người dân. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị tim mạch đó là chụp và can thiệp động mạch vành. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử một ê kíp đến Bệnh viện Tim Hà Nội học tập kỹ thuật chụp động mạch vành và ê kíp đã hoàn thành khóa đào tạo, được cấp chứng chỉ.
Chồng bà Kiều Thị Kim Nhanh (thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku) là bệnh nhân đầu tiên được chụp mạch vành ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bà Nhanh cho biết: “Chồng tôi bị bệnh tim nhiều năm nay, thường xuyên nhập viện điều trị. Mới đây, ông ấy mệt mỏi, khó thở nên nhập viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán phải can thiệp tim mạch và chỉ định chuyển tuyến trên. Nhờ đoàn bác sĩ từ Trung ương về chuyển giao kỹ thuật và triển khai can thiệp tim mạch nên chồng tôi được điều trị tại chỗ”.
Việc triển khai kỹ thuật chụp và đặt stent động mạch vành ngay tại tỉnh sẽ giúp cấp cứu bệnh nhân tim mạch trong giai đoạn “giờ vàng” góp phần cứu sống tính mạng người bệnh. Bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: “Hơn 5 năm qua, chúng tôi đã rất nỗ lực từ việc thành lập Khoa Tim mạch, đào tạo nhân lực đến thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, cấp cứu cho người dân. Về lĩnh vực tim mạch can thiệp, Bệnh viện đã đào tạo được 1 ê kíp gồm 8 bác sĩ. Với hệ thống máy DSA mới lắp đặt hoàn chỉnh cùng với các thiết bị tiên tiến và có sự hỗ trợ của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ triển khai can thiệp tim mạch trong thời gian tới”.
Theo bác sĩ Toán, dưới sự hướng dẫn, giám sát của Bệnh viện Tim Hà Nội, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành chụp mạch vành cho 6 ca và can thiệp 1 ca đặt stent động mạch vành thành công. Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ có thêm 4 đợt chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch, từ đó giúp y-bác sĩ dần làm chủ các kỹ thuật can thiệp tim mạch. “Trước đây, các ca can thiệp tim mạch đều phải chuyển tuyến trên. Việc chuyển tuyến sẽ không đảm bảo “thời gian vàng” trong cấp cứu cho bệnh nhân. Với việc triển khai can thiệp tim mạch tại tỉnh sẽ đảm bảo công tác khám-chữa bệnh, cấp cứu, điều trị kịp thời, tăng cơ hội cứu chữa thành công cho bệnh nhân tim mạch tại tỉnh”-bác sĩ Toán thông tin thêm.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.