Ông Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, đã bị khởi tố để điều tra liên quan việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội.
Công nhân môi trường đô thị thu gom xác cá chết tại hồ Tây do bị ô nhiễm (ảnh chụp vào tháng 10-2016). Sau sự kiện này Hà Nội đã dùng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Ngày 20-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với Võ Tiến Hùng - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (gọi tắt Công ty Thoát nước Hà Nội).
Ông Hùng bị điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự 2015. Cùng ngày Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh này.
Chi hàng trăm tỉ mua hóa chất không qua đấu thầu
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, ông Hùng bị khởi tố liên quan đến vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng bị tạm đình chỉ công tác để điều tra liên quan vụ án này và 2 vụ án khác.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, hành vi sai phạm của ông Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội.
Câu chuyện mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C từng được dư luận quan tâm, đặt dấu hỏi việc mua bán này có thông qua đấu thầu hay chỉ định.
Theo tìm hiểu, sau khi được ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, cho phép ứng dụng sản phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm tại các hồ ở Hà Nội, ngày 10-8-2016 Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy-3C với giá 326.000 đồng/kg (vận chuyển theo đường hàng không).
Giai đoạn 2016-2019, TP Hà Nội đồng ý cho Công ty Thoát nước Hà Nội mua hơn 400 tấn hóa chất Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ trên địa bàn.
Chi phí mua hóa chất khoảng 137 tỉ đồng. Công ty Thoát nước Hà Nội đã sử dụng lượng hóa chất này để xử lý ô nhiễm nước tại 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành.
Ngoài việc sử dụng Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước sông, hồ, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng sử dụng Redoxy-3C để xử lý nước hồ Tây khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, xử lý nước thải tại bãi rác Nam Sơn, tình trạng ô nhiễm nước sông Tô Lịch.
Công ty Thoát nước Hà Nội cũng nhiều lần nhập hóa chất Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước sông, hồ. Trong giai đoạn từ tháng 8-2016 đến tháng
10-2016 Công ty Thoát nước Hà Nội đã sử dụng 2 tấn Redoxy-3C để xử lý thử nghiệm tại các hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu; 5,4 tấn Redoxy-3C xử lý sự cố cá chết hồ Tây; 7,5 tấn xử lý ô nhiễm các hồ Văn Chương, Hoàng Cầu.
Giai đoạn từ tháng 10-2016 đến nay, sử dụng 344,8 tấn hóa chất Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm lần đầu tại 83 hồ, duy trì chất lượng nước 85 hồ nội thành.
Bị can Võ Tiến Hùng tại cơ quan điều tra - Ảnh: CA cung cấp |
Công ty cung cấp hóa chất đã đổi chủ
Trong khi đó, nhiều năm qua Công ty Thoát nước Hà Nội - một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội - vẫn sử dụng hóa chất Redoxy-3C do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic cung cấp để xử lý ô nhiễm nước sông, hồ tại Hà Nội. Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic được biết tới là một doanh nghiệp có quan hệ thân quen với lãnh đạo cấp cao của TP Hà Nội.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp này cung cấp độc quyền hóa chất Redoxy-3C phục vụ xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ Hà Nội, cuối tháng 5-2016, TP Hà Nội đã cử một đoàn đại biểu do một phó chủ tịch TP dẫn đầu tham dự triển lãm thương mại quốc tế về nước, nước thải, chất rắn và quản lý nguyên liệu thô tại Munich, Đức.
Theo kết luận thanh tra đã được Thanh tra TP Hà Nội công bố giữa tháng 3, đơn vị phân phối chế phẩm Redoxy-3C là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic. Ông Nguyễn Đức Hạnh, một trong hai thành viên lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic, được cho là người thân của lãnh đạo cấp cao TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic là ông Đào Xuân Tấn.
Tuy nhiên, thời điểm tháng 6-2016, ông Đào Xuân Tấn chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình và ông Nguyễn Đức Hạnh cũng ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của mình tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic cho những người khác.
Bộ Công an cho biết hiện Cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Theo THÂN HOÀNG (TTO)