Bão số 1 không mạnh nhưng diễn biến còn phức tạp, các địa phương và ngư dân không nên chủ quan. Đáng lo ngại là sau cơn bão 15 và 16 cuối năm 2017, ngư dân bắt đầu ra khơi và hiện là thời điểm trong mùa khai thác trên ngư trường.
Dự kiến đường đi của bão số 1. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương |
Ngày 3-1, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã phát triển thành cơn bão số 1 (có tên quốc tế là Baloven) và đang tiến gần vào bờ.
Trung tâm Dự báo khí tượng Nhật Bản và các đài khí tượng trong khu vực cũng cho biết, tâm bão số 1 có thể đổ bộ vào vùng biển Nam Trung bộ. Một số đài khí tượng lại cho rằng bão số 1 sẽ nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến gần bờ biển.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, lúc 19 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ vĩ Bắc; 113,4 độ kinh Đông, ngay trên khu vực phía Tây đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 4-1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,6 độ vĩ Bắc; 111,1 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9.
Trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 19 giờ ngày 4-1, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ vĩ Bắc; 109,5 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,5 độ vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần.
Trong cuộc họp giao ban triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 1 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 3-1 tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, bão số 1 không mạnh nhưng diễn biến còn phức tạp, các địa phương và ngư dân không nên chủ quan.
Đáng lo ngại là sau cơn bão 15 và 16 cuối năm 2017, ngư dân bắt đầu ra khơi và hiện là thời điểm trong mùa khai thác trên ngư trường. Theo báo cáo từ Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thì đang có khoảng 47.190 phương tiện tàu thuyền với hơn 246.000 người hoạt động trên biển; tuy nhiên, đến ngày 3-1, lực lượng biên phòng tuyến biển đã thông báo cho các tàu thuyền biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 1 để phòng tránh.
Ông Hoài đề nghị trên tuyến biển, các địa phương tiếp tục thông tin cho ngư dân về diễn biến của bão, cập nhật các bản tin dự báo để thông báo đến ngư dân chủ động phòng tránh. Không để tàu thuyền nào gặp sự cố do không nhận được thông tin. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng phương tiện để ứng cứu ngư dân kịp thời.
Các chuyên gia về khí tượng cũng lưu ý, bão số 1 thực ra là cơn bão số 17 của mùa bão năm 2017 chứ chưa phải là cơn bão khởi đầu của mùa bão năm 2018. Tuy nhiên sự xuất hiện muộn và kéo dài của mùa bão cũng cho thấy thời tiết đang có dấu hiệu thay đổi so với quy luật.
* TPHCM họp khẩn để ứng phó
Chiều tối 3-1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã triệu tập cuộc họp khẩn với các sở ngành và quận huyện để triển khai phương án phòng tránh, ứng phó bão số 1 (có tên quốc tế là Bolaven).
Theo Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, thực hiện Công điện số 02/CĐ-TW lúc 22 giờ ngày 2-1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhằm chủ động phòng, tránh, ứng phó với mọi tình huống, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do bão số 1, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và UBND TP về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP.
Các địa phương, đơn vị kiểm soát chặt chẽ các cửa sông, cửa biển, phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển, không cho phép xuất bến hoạt động theo Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT ngày 3-1 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cho đến khi có lệnh mới.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, theo dự báo, bão ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM, nhưng không được chủ quan vì bão thường khó lường, bất thường và diễn biến phức tạp. Nhất là TPHCM có nhiều công trình xây dựng, cây xanh và đang trong đợt đỉnh triều cường đạt 1,6 m.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến, triển khai các phương án đã được diễn tập từ trước. Các quận huyện trũng thấp thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của TP, đặc biệt, huyện Cần Giờ thực hiện nghiêm việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, theo dõi sát tình hình liên quan đến tàu thuyền lớn đảm bảo an toàn tuyệt đối theo chỉ đạo của Trung ương. Các quận huyện phải đặc biệt chú ý đến các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở và có biện pháp xử lý kịp thời.
Cùng ngày, UBND TPHCM cũng có công văn yêu cầu người đứng đầu các sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn tập trung triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi đơn vị nhằm chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới.
UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phải theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bằng mọi cách thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp khẩn với các địa phương trong tỉnh để triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 1. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã phát lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi trên toàn địa bàn từ 10 giờ ngày 3-1.
Nhóm P.V (sggp)