Bà Minh "2 giỏi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là tên gọi quen thuộc mà mọi người dành cho bà Nguyễn Thị Minh (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Không chỉ là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế, bà Minh còn có nhiều đóng góp cho phong trào phụ nữ địa phương.

Năm 1995, gia đình bà Minh quyết định rời quê hương Hưng Yên vào Gia Lai lập nghiệp. Những ngày đầu, cuộc sống của vợ chồng bà luôn thiếu trước hụt sau. Không cam chịu số phận, bà Minh quyết tâm tìm cách thoát nghèo. Sau đó, bà quyết định chọn mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Bà Minh tâm sự: “Thời điểm mới bắt đầu chăn nuôi, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn và kỹ thuật. Tôi mạnh dạn làm chuồng trại nuôi 20 con heo và một ít gà, vịt. Việc lựa chọn con giống là cả một quá trình tìm tòi, học hỏi. Tìm được con giống tốt rồi, để nuôi được chúng không dịch bệnh, sinh trưởng tốt, tôi phải ngày đêm học hỏi trên báo chí và tại các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi”.

 Mỗi năm, thu nhập từ trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Minh đạt 500 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ảnh: Trần Dung
Mỗi năm, thu nhập từ trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Minh đạt 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ảnh: Trần Dung


Mặc dù buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với đức tính cần cù, tích cực học hỏi, mô hình chăn nuôi của bà Minh phát triển ổn định và ngày càng mở rộng. Trên diện tích trang trại rộng 3 ha, bà Minh trồng 800 cây cà phê, còn lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, thỏ...

Đến nay, trang trại của bà có hơn 1.000 con gà, 100 con heo, 10 con bò và 20 con thỏ. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình bà thu nhập hơn 500 triệu đồng. “Làm trang trại là phải xác định hướng đi lâu dài, không thể mong có thu nhập ngay lập tức. Riêng trang trại của tôi thì đến năm thứ 3 mới bắt đầu gặt hái thành quả”-bà Minh cho biết.

Ở vùng đất Trà Đa, trang trại của gia đình bà Minh thực sự nổi bật và tạo động lực cho nhiều hộ dân xung quanh phấn đấu vươn lên. Chị Võ Thị Ánh (thôn 2) chia sẻ: “Không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, bà Minh còn thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại cho mọi người; đồng thời tạo mọi điều kiện về con giống, kỹ thuật cho những hội viên khác muốn phát triển chăn nuôi, thoát nghèo”.

Ngoài làm kinh tế giỏi, bà Minh còn là cán bộ tâm huyết với công tác Hội, năng động trong các phong trào của địa phương. Nhiều năm qua, Chi hội Phụ nữ thôn 2 luôn được đánh giá là đơn vị vững mạnh về công tác Hội và phong trào phụ nữ. Có được thành quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của Chi hội trưởng Nguyễn Thị Minh.

Cách đây hơn 5 năm, khi được bầu làm Chi hội trưởng, bà Minh luôn trăn trở làm sao thuyết phục được hội viên, phụ nữ ủng hộ phong trào và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Để làm được điều đó, bà luôn nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của Hội cấp trên rồi triển khai đến hội viên, phụ nữ.

Quá trình làm Chi hội trưởng, bà đã nắm bắt tâm ý từng người và thực hiện hiệu quả các phong trào do tổ chức Hội phát động như: phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”…

Bà Minh luôn vận động chị em trong thôn tích cực phát triển kinh tế. Ảnh Trần Dung. Ảnh: Trần Dung
Bà Minh luôn vận động chị em trong thôn tích cực phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Dung


Năm 2021, bà tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nói không với heo 2 chuồng” của xã. Là “đầu tàu”, bà đã vận động hội viên nâng cao nhận thức trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bà Lê Thị Mỹ Phước-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Đa-nhận xét: “Ngoài là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, bà Minh còn là cán bộ Hội năng động, tâm huyết. Đặc biệt, bà luôn giúp đỡ các hội viên, phụ nữ khó khăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn vận động chị em phụ nữ học tập kinh nghiệm từ mô hình của bà Minh để thoát nghèo và nâng cao thu nhập”.

 

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.