"Bà đỡ" giúp phụ nữ khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong chuyến làm việc tại Gia Lai mới đây, bà Trần Lan Phương-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đánh giá: Nhiều mô hình kinh tế của phụ nữ trong tỉnh được thành lập, phát triển từ nguồn vốn vay chính sách đã thể hiện rõ tính hiệu quả, truyền cảm hứng và rất nhân văn. Các mô hình này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, khẳng định tinh thần vượt khó, sự sáng tạo của nữ giới trong hệ sinh thái khởi nghiệp chung toàn tỉnh.
 


Nhiều ý tưởng khởi nghiệp được "tiếp sức"

Hợp tác xã (HTX) May gia công An Phú (TP. Pleiku) được thành lập vào tháng 10-2018 với tổng vốn điều lệ ban đầu là 600 triệu đồng. Hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực: gia công hàng may mặc, đào tạo nghề, thiết kế may và cung cấp dịch vụ các mặt hàng may. Để khuyến khích mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ HTX 15 máy may và 1 máy vắt sổ; UBND TP. Pleiku hỗ trợ 10 triệu đồng. Qua kênh của Hội LHPN TP. Pleiku, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay 230 triệu đồng giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Bà Đào Thị Mỹ Dung-Phó Giám đốc điều hành HTX-cho biết: “Sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp Hội có tác dụng truyền cảm hứng rất tốt giúp chúng tôi vững tin vượt qua khó khăn trong thời gian đầu thành lập”.

 Hợp tác xã May gia công An Phú (TP. Pleiku) góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương. Ảnh: Minh Châu
Hợp tác xã May gia công An Phú (TP. Pleiku) góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương. Ảnh: Minh Châu

Đến nay, HTX đã phát triển thêm 10 cơ sở may gia công trên địa bàn thành phố, đồng thời mở rộng ra một số huyện trong tỉnh. Hợp tác xã còn đào tạo nghề miễn phí cho 198 lao động nữ tại địa phương, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/người/tháng. “Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HTX vẫn duy trì 30-35 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ bữa ăn trưa và chỗ nghỉ cho người lao động”-Phó Giám đốc điều hành HTX chia sẻ.

Với tinh thần tương thân tương ái, HTX tạo việc làm cho 2 lao động nữ bị bệnh đao với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ ăn uống hàng ngày. Nhiều sinh viên trong thời gian nghỉ hè tại địa phương được HTX tạo điều kiện vào làm thời vụ để có thêm chi phí học tập khi bước vào năm học mới.

Mô hình làm bún khô kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Đỗ Thị Mười (tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cũng được tiếp thêm “sinh lực” từ nguồn vốn vay chính sách. Chị Mười cho biết, qua kênh của Hội LHPN phường, năm 2008, chị được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chị kể: “Bây giờ cầm 20 triệu đồng không biết làm gì, nhưng hơn 10 năm trước, nó khá lớn với gia đình tôi. Sẵn nghề làm bún khô, tôi trang bị máy móc hỗ trợ để tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm; phế phẩm dùng để chăn nuôi heo, gà. Sau đó, gia đình được nâng mức vay lên 50 triệu đồng giúp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, mua xe tải chở hàng phân phối tận nơi mà không phải qua trung gian”. Thu nhập bình quân của gia đình chị hiện đạt khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Chị cũng trả ơn cuộc sống bằng nhiều hoạt động nghĩa tình, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn trong đại dịch, nhất là phụ nữ, trẻ em yếu thế ở địa phương.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi 200 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT năm 2008, gia đình bà Rơ Châm Blonh (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã đầu tư trồng 3 ha cà phê và cây ăn quả, mua trâu, bò về nuôi. Đến nay, gia đình bà có cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước gồm: đàn trâu bò gần 20 con, xe ô tô và phương tiện hiện đại sản xuất nông nghiệp. Bà Rơ Châm Sên-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Mơ Nông-cho biết: “Mô hình của gia đình bà Blonh đã giúp phụ nữ Jrai có thêm động lực, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp”.

Hỗ trợ phụ nữ làm chủ kinh tế

 

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 2 từ trái qua) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ về nhu cầu vốn vay để phát triển. Ảnh: Minh Châu
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 2 từ trái qua) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ về nhu cầu vốn vay để phát triển. Ảnh: Minh Châu


Đến thăm các mô hình kinh tế tập thể và hộ gia đình ở Gia Lai, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của phụ nữ. Đồng thời cho rằng, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế chính là góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bình đẳng giới. Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao ý tưởng, nhận thức sử dụng vốn để phát triển kinh tế của phụ nữ Gia Lai. Hợp tác xã May gia công An Phú là mô hình rất nhân văn, tạo việc cho lao động nữ vùng nông thôn, giúp họ bớt nhọc nhằn. Đặc biệt, HTX phối hợp với Trại giam Gia Trung để dạy nghề may cho phạm nhân nữ và sẵn sàng nhận lực lượng này vào làm việc khi tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích nhân rộng những mô hình như vậy, sẵn sàng tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho các chị thực hiện ý tưởng”.

Khảo sát các mô hình kinh tế hộ gia đình, bà Trần Lan Phương tìm hiểu sâu về chương trình phối hợp, ủy thác giữa các ngân hàng và các cấp Hội Phụ nữ triển khai vốn vay đến với phụ nữ. Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng, với trên 1.260 tổ tiết kiệm và vay vốn do phụ nữ quản lý qua 2 kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được mạng lưới tin cậy đến tận các thôn làng để nắm bắt nhu cầu, đồng thời giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay của hội viên. “Với gần 52.800 hộ hội viên phụ nữ được vay vốn thì các gia đình chúng tôi đến thăm chỉ mang tính đại diện, nhưng cho thấy phụ nữ khao khát vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất của mình. Khi được hỗ trợ vay vốn, chị em rất ý thức trong việc sử dụng, phát huy hiệu quả, có kế hoạch trả nợ, lãi… Đây là yếu tố quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống. Một số kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của chị em, chúng tôi sẽ tiếp thu và kiến nghị lên Chính phủ để tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ”.

 

 MINH CHÂU

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.