"Bà đỡ" của người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 5 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã trở thành “bà đỡ” giúp nhiều hộ dân ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
Tại một khu sản xuất ở làng Tung Neng (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh), anh Rơ Mah Đa Nel đang cần mẫn chăm sóc vườn cà phê rộng 1 ha. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây, anh Đa Nel bộc bạch: “Nhờ vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện nên mình mới có tiền đầu tư vườn cà phê đẹp như này. Từ năm 2018 đến nay, mình đã vay 2 lần với số tiền 60 triệu đồng để trồng cà phê, nuôi bò”.
Nằm sát con đường bê tông dẫn vào làng Tung Neng là ngôi nhà khang trang của gia đình Trưởng thôn Kpă Nghinh. Trong vườn, đàn dê chừng 10 con đang nhởn nhơ ăn lá cây. Ở góc vườn là chuồng nuôi nhốt bò. Ôm nắm rơm bỏ vào máng ăn cho đàn bò xong, ông Nghinh chia sẻ: “Trước đây, nhà mình nghèo lắm. Có được tài sản này là nhờ tiền vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đó. Năm 2003, gia đình tôi vay 20 triệu đồng để nuôi bò và trồng hồ tiêu. Trả nợ xong thì tôi tiếp tục vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cho con đi xuất khẩu lao động. Riêng đầu năm nay, gia đình tôi vay 25 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Mới đây, từ số tiền bán 5 con dê, tôi đã trả cho ngân hàng 10 triệu đồng”.
Ông Kpă Nghinh (làng Tung Neng, xã Ia Dreng) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Thiên Di
Ông Kpă Nghinh (làng Tung Neng, xã Ia Dreng) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Thiên Di
Cũng theo lời ông Nghinh thì trong làng hiện có 180 hộ được vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. “Làng có 3 tổ vay vốn với 180 người. Có người vay để trồng cà phê, cây ăn quả; có người nuôi bò, dê. Hầu hết các hộ vay đều có xuất phát điểm về kinh tế thấp. Thế nhưng, nhờ biết phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách nên họ đã có cuộc sống ổn định hơn, nhiều hộ trở nên giàu có”-ông Kpă Nghinh nói.
Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH trong thời gian qua, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: “5 năm qua, hiệu quả của nguồn vốn vay này là rất rõ ràng đối với huyện Chư Pưh. Điều này được thể hiện qua hoạt động thu hồi vốn vay trên địa bàn huyện đạt trên 98%. Ý nghĩa nhất là nhờ biết sử dụng vốn vay đúng mục đích mà có rất nhiều hộ dân đã trở nên khá giả, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương và tạo động lực cho các hộ nghèo khác làm theo để có cuộc sống ổn định hơn”.
Đồng hành với người dân
Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh, bình quân mỗi năm đã cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là hộ người dân tộc thiểu số vay khoảng 120 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, học nghề, xuất khẩu lao động. Hiện nay, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch là 289 tỷ đồng với 8.310 hộ vay. Từ đầu năm đến nay, 3.212 hộ dân được Phòng Giao dịch cho vay hơn 112 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh. 
Bên cạnh việc cho người dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất, trong năm nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh cũng đã cho 2 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn vay hơn 110 triệu đồng để chi trả 3 tháng lương cho 36 lượt lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặt khác, Phòng Giao dịch đang hoàn tất thủ tục để cho 2 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vay 550 triệu đồng để xây 2 căn nhà ở theo chương trình tín dụng nhà ở xã hội. 
Phối hợp tặng máy tính cho học sinh nghèo xã Ia Dreng. Ảnh: Thiên Di
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh phối hợp tặng quà cho học sinh nghèo xã Ia Dreng. Ảnh: Thiên Di
Song song với hoạt động tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch cũng đã phối hợp triển khai các chương trình nhân ái, từ thiện tại huyện Chư Pưh. Đơn cử như trao tặng 1 máy tính cho học sinh nghèo ở xã Ia Dreng. Ngoài ra, Phòng Giao dịch còn trích kinh phí ủng hộ 5 triệu đồng cho chốt kiểm soát dịch cầu 110 để hỗ trợ người dân trở về quê từ các tỉnh phía Nam ngang qua địa bàn huyện. 
Ông Nguyễn Khắc Lê-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy các hộ dân ở Chư Pưh sử dụng nguồn vốn vay rất hiệu quả. Họ đã đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập gia đình. Đến kỳ, người dân trả nợ đúng quy định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tín dụng chính sách để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.