Ayun Pa: Tập trung ngăn chặn dịch lở mồm long móng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 1-8, ông Nguyễn Văn Lộc-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa vừa ký Quyết định số 736 về việc công bố dịch Lở mồm long móng (LMLM) gia súc trên địa bàn xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa. Đồng thời, Chủ tịch UBND thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn, xã Ia Sao và các xã, phường trên địa bàn tập trung triển khai các giải pháp phòng-chống, ngăn chặn sự lây lan của ổ dịch sang các vùng khác. 
Theo Quyết định, vùng dịch là địa bàn xã Ia Sao, vùng uy hiếp gồm xã Ia Rtô và phường Sông Bờ, cùng vùng đệm gồm các xã, phường thuộc thị xã Ayun Pa, các xã giáp ranh thuộc huyện Krông Pa và Ia Pa.
Thời gian qua, do tình hình mưa bão trên địa bàn kéo dài, diện tích chăn nuôi ít, số lượng đàn bò trên địa bàn xã Ia Sao khá lớn, cộng với ý thức chăn nuôi của người dân kém (chuồng trại không đảm bảo vệ sinh, chủ quan, lơ là và còn ỉ lại cán bộ thú y, không chủ động chữa trị và chăm sóc bò bị bệnh) nên dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Theo báo cáo mới nhất, tính từ ngày 25-7 đến nay, trên địa bàn xã Ia Sao đã có 275 con bò (tổng đàn bò toàn xã là 2.006 con) của 60 hộ dân ở 4 bôn (bôn Hoang 1, Hoang 2, H’Liếp, Khăn) bị nhiễm bệnh LMLM. 
Đàn bò 13 con của chị Ksor H’Chin (bôn H’Liếp, xã Ia Sao) hiện đã có 7 con bị nhiễm bệnh với các triệu chứng bên ngoài như mệt mỏi, bỏ ăn, chảy nước bọt, chân bị viêm loét… Chị H’Chin, cho biết: “Lúc đầu đàn bò của mình chỉ có 2 con bị bệnh thôi nhưng đến giờ đã có 7 con bị”.
Cũng theo chị H’Chin cho biết thêm, sau khi đàn bò của chị bị nhiễm bệnh thì cán bộ thú y đã xuống trực tiếp hướng dẫn chị cách chữa trị, cấp miễn phí thuốc để chữa trị cho bò và phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại của gia đình. Hiện trong 7 con bò bị nhiễm bệnh của gia đình chị H’Chin thì đã có 4 con bắt đầu ăn lại nhưng ăn ít, 3 con còn lại vẫn đang bị nặng, chưa ăn được.  
Tương tự, đàn bò 12 con của hộ gia đình anh Rah Lan Phuk (bôn Hoang 1) cũng đã có 6 con bị nhiễm bệnh LMLM. “Đàn bò của mình bị phát bệnh từ ngày 28-7, lúc đầu bò bỏ ăn, chảy nước dãi có bọt sau đó thì bị lở ở móng chân, miệng, đi lại khó khăn. Hiện mình đã tách các con bò nhiễm bệnh ra và nhốt ở nhà để điều trị. Cán bộ thú y cũng đã đến nhà để hướng dẫn và cấp thuốc miễn phí cho gia đình mình để chữa trị”-anh Phuk cho biết.  
Chị Ksor H’Chin khá lo lắng vì đàn bò của mình bị nhiễm bệnh và bỏ ăn. Ảnh: Q.T
Chị Ksor H’Chin khá lo lắng vì đàn bò của mình bị nhiễm bệnh và bỏ ăn. Ảnh: Q.T
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, lãnh đạo UBND thị xã đã trực tiếp xuống địa bàn để nắm bắt và chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, dập tắt ổ dịch, tránh lây lan. Đồng thời, UBND thị xã đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng-chống dịch LMLM trên đàn gia súc của xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa và triển khai xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng-chống dịch bệnh đàn gia súc trên địa bàn thị xã. 
Theo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên đàn bò bị nhiễm bệnh tại xã Ia Sao thì bò bị nhiễm bệnh LMLM Tuýp A. Trong khi đó, từ trước đến nay, trên địa bàn thị xã Ayun Pa chỉ tiêm phòng vắc xin chủng LMLM Tuýp O nên khả năng kháng vi rút LMLM Tuýp A của gia súc thấp và không có, dẫn đến nguy cơ lây lan trên địa bàn thị xã là rất cao. Do đó, UBND thị xã đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khẩn trương có ý kiến, đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Cục Thú y Việt Nam cấp vắc xin phòng ngừa, có phát đồ, thuốc điều trị và cung cấp đủ cơ số thuốc, hóa chất tiêu độc, khử trùng để ngăn chăn, dập tắt ổ dịch tại địa bàn xã Ia Sao.  

Trao đổi với PV, ông Ksor Nhuat-Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã, Phó ban Chỉ đạo phòng-chống dịch LMLM trên địa bàn xã Ia Sao, cho biết: Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, trạm đã huy động mọi nguồn lực xuống địa bàn để trực tiếp hướng dẫn người dân cách chữa trị bệnh LMLM. Cụ thể, trạm đã yêu cầu người chăn nuôi cách ly những con bị nhiễm bệnh, cấp phát thuốc sát trùng Xanh Methylen miễn phí cho người dân để chữa trị cho bò, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại... Đồng thời, trạm đã tiến hành cho phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại trên toàn bộ địa bàn xã Ia Sao trong 1 tuần, mỗi ngày 2 lần.

Tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại trên toàn xã. Ảnh: Q.T
Tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại trên toàn xã. Ảnh: Q.T
Ngoài ra, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo thành lập xã Ia Sao thành lập 2 tổ xung kích gồm 11 thành viên chốt chặn 24/24 giờ ở hai đầu của xã trên tuyến Quốc lộ 25 để tuyên truyền, vận động nhân dân không được buôn bán, vận chuyển gia súc nhiễm bệnh ra vào vùng dịch nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh ra bên ngoài. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét và thành lập 2 trạm chốt kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 25 ở 2 đầu xã nhằm phòng-chống dịch giữa vùng dịch và vùng có nguy cơ lây nhiễm. 
Đối với các xã, phường trên địa bàn chưa có dịch LMLM thì phải chủ động tăng cường công tác phòng dịch, giám sát chặt chẽ dịch bệnh gia súc để báo cáo và xử lý kịp thời nếu có dịch xảy ra… 
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.