Ayun Pa hướng đến mục tiêu không còn hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cuối năm 2022, thị xã còn 252 hộ nghèo, chiếm 2,56%, vượt 0,56% so với chỉ tiêu tỉnh giao. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Huy động mọi nguồn lực cho giảm nghèo
Hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã kêu gọi sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022. Kết quả, thị xã đã huy động hơn 300 triệu đồng để xây dựng 6 căn nhà “Đại đoàn kết” và hỗ trợ 4 con bò giống cho hộ nghèo tại các địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam 8 xã, phường vận động được trên 270 triệu đồng, kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo quy định. Điều đáng mừng là các hộ được hỗ trợ đều đã vươn lên thoát nghèo.
Chị Nay H’Tý (buôn Hoang 2, xã Ia Sao) không giấu được vui mừng khi nhận bò giống hỗ trợ. Chị chia sẻ: “Do vợ chồng mới ra ở riêng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được Quỹ “Vì người nghèo” thị xã hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế, vợ chồng tôi mừng lắm. Gia đình hiện đã thoát nghèo”.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND thị xã Ayun Pa ký kết chương trình phối hợp thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ảnh: Vũ Chi
Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND thị xã Ayun Pa ký kết chương trình phối hợp thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ảnh: Vũ Chi
Thực hiện mục tiêu xây dựng “Mái ấm tình thương” giúp đỡ hội viên nghèo, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã đã huy động đóng góp 5.000 đồng/hội viên/năm. Từ nguồn quỹ thu được, Hội bình xét hội viên khó khăn về nhà ở để hỗ trợ, luân phiên giữa các xã, phường. Năm 2022, từ nguồn quỹ này, Hội LHPN thị xã hỗ trợ 24 triệu đồng xây dựng “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Nay H’Đom (buôn Phu Ma Nher 2, xã Ia Rtô). “Được sự giúp đỡ của Hội LHPN, vợ chồng tôi vay mượn thêm để xây dựng căn nhà kiên cố. Tôi biết ơn chị em trong Hội nhiều lắm”-bà H’Đom bộc bạch.
Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn do không được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) như trước. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, Hội LHPN xã Ia Rtô thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm tham gia BHYT” với 30 thành viên. Tại lễ ra mắt, Hội đã trao tặng 30 con heo đất cho các thành viên. Theo đó, mỗi chị tiết kiệm bỏ vào heo 10.000 đồng/ngày. Sau 1 năm, số tiền tiết kiệm không chỉ giúp các chị tham gia BHYT cho cả gia đình mà còn có kinh phí mua đồ dùng học tập cho con em. Điều quan trọng là mô hình đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của chị em, hình thành thói quen tiết kiệm để vươn lên thoát nghèo.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế. Ảnh: Vũ Chi
Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế. Ảnh: Vũ Chi
Một trong những tiêu chí thiếu hụt là không có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tại xã Chư Băh, qua khảo sát 80 hộ nghèo thì có tới 77 hộ thiếu hụt tiêu chí này. Trên cơ sở đó, xã đặt ra mục tiêu giúp 19 hộ đăng ký thoát nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Bà Vũ Thị Hà Giang-Chủ tịch UBND xã Chư Băh-cho hay: Sau khi khảo sát, UBND xã đã gửi thư ngỏ kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, có thể đóng góp trực tiếp bằng nguyên vật liệu xây dựng và ngày công. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, 19 nhà vệ sinh cho hộ nghèo đã được hoàn thành với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường vận động, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cuối năm 2022, xã đã giảm được 43 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo, vượt 24 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo so với chỉ tiêu đề ra.
Hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo
Theo ông Trịnh Văn Lương-Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã, yếu tố quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo là biết hộ nghèo thiếu gì để giúp đỡ cho phù hợp. Trao “con cá” là cần thiết, song “cần câu” mới giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Sau khi hỗ trợ nhà ở, sinh kế thì phải tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay, nhiều hộ nghèo biết cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch, làm nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nơi ở, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, vươn lên làm giàu chính đáng.
Một trong những tấm gương tiên phong trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm là ông Kpă Krik (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô). Năm 2017, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, ông vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã mua 5 con bò sinh sản về nuôi. Học tập kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi khác, ông mua rơm tích trữ và trồng 1 sào cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Sau 1 năm, đàn bò phát triển lên 10 con. Ông quyết định bán bớt để mua máy bơm nước, máy xới phục vụ sản xuất. Được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cây trồng, năm 2019, ông lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho diện tích thuốc lá. “Hiện nay, gia đình tôi duy trì đàn bò hơn 20 con, 3 ha thuốc lá, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Tôi cũng tích cực hướng dẫn bà con trong buôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để thoát nghèo bền vững”-ông Krik chia sẻ.
Ông Kpă Krik (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô) phát triển kinh tế gia đình với thu nhập hàng năm đạt trên 150 triệu đồng. Ảnh: Vũ Chi
Ông Kpă Krik (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô) phát triển kinh tế gia đình với thu nhập hàng năm đạt trên 150 triệu đồng. Ảnh: Vũ Chi
Ông Võ Văn Tùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã-cho biết: Dựa vào kết quả khảo sát các tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo năm 2022, từ các nguồn vận động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị; các tổ chức, cá nhân, Mạnh Thường Quân và Quỹ “Vì người nghèo”, thị xã đã triển khai xây dựng 13 căn nhà và sửa chữa 2 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng 74 nhà vệ sinh cho hộ nghèo, hỗ trợ 36 con dê giống, 1 máy tính để bàn và hỗ trợ công trình nước sạch cho 2 hộ nghèo… Đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã đã triển khai cho 256 hộ nghèo vay 11,2 tỷ đồng; 456 hộ cận nghèo vay 21,1 tỷ đồng; 806 hộ mới thoát nghèo vay 35,1 tỷ đồng; 1.533 hộ vay vốn giải quyết việc làm 64,2 tỷ đồng; 26 hộ vay vốn nhà ở xã hội 9,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuối năm 2022, toàn thị xã còn 252 hộ nghèo, chiếm 2,56%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 0,56% (tương ứng với 53 hộ); hộ cận nghèo là 434 hộ, chiếm 4,41%, vượt chỉ tiêu nghị quyết của HĐND thị xã giao 0,05%.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Ksor H’Khuyên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại thị xã vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân do một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn hạn chế, thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh... dẫn đến nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tăng cường đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm. Năm 2023, thị xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,75%, hộ cận nghèo còn 3,78%, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Ayun Pa không còn hộ nghèo.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.