Chư Păh hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2022, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) triển khai xây dựng 118 ngôi nhà cho hộ nghèo. Qua đó, huyện giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp và thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình anh Rơ Châm Pan (làng Kênh, xã Ia Phí) thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Những năm qua, cả nhà 3 người sống trong căn nhà cũ tạm bợ, chật hẹp. Gia đình anh là 1 trong 20 hộ nghèo của xã được hỗ trợ xây nhà mới trong năm 2022. Anh Pan vui vẻ cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước 44 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng, anh em họ hàng, người thân cho mượn 50 triệu đồng và cộng với số tiền tích góp được là 30 triệu đồng, gia đình tôi đã xây ngôi nhà cấp 4 rộng gần 70 m2. Tết này, gia đình tôi có nhà mới, từ nay không phải lo mưa gió nữa. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo và tích góp tiền trả nợ cho ngân hàng. 
Nhà của gia đình anh Rơ Châm Pan-làng Kênh, xã Ia Phí được xây dựng khoảng 70m2. Ảnh: Gia Linh
Căn nhà của gia đình anh Rơ Châm Pan-làng Kênh, xã Ia Phí được xây dựng khoảng 70 m2. Ảnh: Gia Linh
Ông Rơ Châm Phenh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí-cho biết: Xã có 13 thôn, làng với 1.796 hộ/7.374 khẩu, gần 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 19,5 triệu đồng/năm. Toàn xã hiện còn 252 hộ nghèo (chiếm hơn 14%), 341 hộ cận nghèo (chiếm hơn 18,9%). Qua rà soát, xã còn 87 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, Ia Phí được hỗ trợ xây nhà mới cho 20 hộ nghèo. Mỗi hộ nghèo làm nhà được trung ương, tỉnh hỗ trợ 44 triệu đồng và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội không quá 40 triệu đồng.
“Đây làm năm đầu tiên triển khai chương trình này. Sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện, UBND xã đã triển khai xuống các thôn, làng rà soát danh sách hộ nghèo. Sau đó, các thôn, làng tổ chức họp dân để bình chọn những hộ khó khăn về nhà ở để hỗ trợ làm trước. Ngoài kinh phí hỗ trợ thì tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình để làm nhà ở cho hợp lý, nhưng diện tích tối thiểu phải đạt 32 m2. Đối với 67 hộ nghèo khó khăn về nhà ở còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo, mục tiêu là phấn đấu đến năm 2025 sẽ xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề để xã hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí nông thôn mới”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phí cho biết thêm. 
Tương tự, vợ chồng anh Ksor Kaoh thuộc diện hộ nghèo làng Dôch 1 (xã Ia Kreng). Hàng ngày, vợ chồng anh chủ yếu đi làm thuê, làm mướn cho người dân trong làng nên cuộc sống thường thiếu trước hụt sau, không có tiền để xây dựng nhà ở kiên cố. Anh Kaoh tâm sự: “Nhờ được sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, tôi có được nhà mới. Từ nay, gia đình yên tâm lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.
Vợ chồng anh Ksor Kaoh (làng Dôch 1, xã Ia Kreng) chuẩn bị có ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: Gia Linh
Vợ chồng anh Ksor Kaoh (làng Dôch 1, xã Ia Kreng) chuẩn bị có ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: Gia Linh
Năm 2022, huyện Chư Păh triển khai hỗ trợ xây nhà mới cho 118 hộ nghèo, gồm: Ia Kreng 37 nhà; Ia Phí, Hà Tây mỗi xã 20 nhà; Ia Ka 13 nhà; Đak Tơ Ve 8 nhà; Chư Đang Ya 5 nhà; thị trấn Ya Ly 4 nhà; Ia Khươl, Ia Mơ Nông mỗi xã 3 nhà; Hòa Phú, Nghĩa Hưng mỗi xã 2 nhà; Ia Nhin 1 nhà.
Theo ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng: Xã Ia Kreng hiện có 571 hộ/1.967 khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 97,4%. Hiện toàn xã còn 311 hộ nghèo (chiếm 54,4%); 116 hộ cận nghèo (chiếm 28,9%). Xác định việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác giảm nghèo của địa phương, nên khi có kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện, UBND xã đã thông báo đến các thôn, làng để tổ chức họp, bình xét, trong đó ưu tiên những hộ nhà ở xuống cấp, khó khăn hơn làm trước. Theo đó, năm 2022, xã triển khai xây dựng nhà cho 37 hộ nghèo (25 hộ làng Dôch 1, 3 hộ làng Dôch 2 và 9 hộ làng Dip) và sẽ cố gắng hoàn thiện trước Tết Nguyên đán.
“Thời gian đến, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án và kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế và xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm giúp họ có nơi ở ổn định. Đồng thời, triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng thông tin thêm.
GIA LINH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.