Dự án đã giúp hàng ngàn hộ dân vùng đồng bào DTTS được “an cư lạc nghiệp”.
Từ ổn định dân cư tập trung
Huyện Mang Yang đang triển khai Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang), làng Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) và làng Đê Kôn (xã Hra) với tổng kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Dự án triển khai các hạng mục như: đầu tư 6,5 km đường giao thông tại 3 làng; ổn định dân cư cho 202 hộ dân (93 hộ ổn định tại chỗ, 109 hộ được bố trí tái định cư). Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đào giếng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Gia đình chị Mrep (làng Đê Kôn) là 1 trong 33 hộ khó khăn về đất ở được chuyển đến vị trí tái định cư. Chị cho biết: “Gia đình tôi có 5 khẩu và thuộc diện cận nghèo. Nhiều năm nay, gia đình ở trong căn nhà chật hẹp, không có công trình phụ. Hy vọng dự án sớm hoàn thiện hạ tầng để gia đình triển khai làm nhà. Nơi ở mới sẽ giúp gia đình ổn định hơn, có điều kiện phát triển kinh tế”.
Anh Hriu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Kôn-cho biết: Đê Kôn là làng đặc biệt khó khăn. Làng có 58 hộ dân đều là người DTTS. Làng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến nay, trục đường từ xã vào làng đã được bê tông hóa; nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học được kiên cố hóa; nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân sử dụng.
“Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư sắp hoàn thành nên người dân trong làng rất phấn khởi. Việc được quy hoạch nơi ở rộng rãi sẽ giúp bà con cải thiện chất lượng sống”-anh Hriu chia sẻ.
Tương tự, Dự án sắp xếp, bố trí ổn định các hộ DTTS du canh, du cư buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để 62 hộ dân sớm được chuyển đến nơi ở mới. Dự án có tổng mức đầu tư gần 18,3 tỷ đồng, khu tái định cư rộng 5,2 ha được đầu tư hạng mục như: tuyến đường nội bộ và đường kết nối; san ủi mặt bằng khu dân cư; lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt và điện chiếu sáng.
Ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho biết: Sau khi dự án được UBND huyện phê duyệt, UBND xã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho các đơn vị nhà thầu để thi công kịp tiến độ. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dự kiến đầu năm 2025, UBND xã sẽ huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới.
Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng đang được các địa phương triển khai như: Dự án sắp xếp, bố trí ổn định các hộ DTTS du canh, du cư làng Ia Jol và Ia Brêl (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) với tổng mức đầu tư hơn 38 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Díp (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) với tổng mức đầu tư hơn 40,7 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Bui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) với tổng mức đầu tư hơn 20,5 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) với tổng mức đầu tư hơn 23,4 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Le 2 (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) với tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) với tổng mức đầu tư hơn 44 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Tăng Lăng, làng Hro, làng Sơ Lam, làng Klếch (xã Krong, huyện Kbang) với tổng mức đầu tư hơn 65,1 tỷ đồng.
Đến ổn định dân cư tại chỗ
Cuối năm 2023, UBND dân huyện Chư Prông đã phê duyệt các dự án gồm: Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới xã Ia Púch; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Phung, làng Piơr 1 (xã Piơr); Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Hlang Ngol, làng Ó, làng Siu, làng Doách (xã Ia Vê).
Theo đó, các dự án triển khai đầu tư một số hạng mục làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, làm nhà văn hóa, cải tạo hệ thống nước sạch… với tổng kinh phí hơn 161,7 tỷ đồng. Thời gian triển khai thực hiện các dự án từ năm 2023 đến 2025.
Ông Hoàng Văn In (làng Hlang Ngol) cho hay: “Được Nhà nước hỗ trợ làm đường, người dân đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt cây cà phê, điều để mở rộng tuyến đường. Gia đình tôi cũng hiến gần 200 m2 đất và chặt một số cây cà phê để mở rộng tuyến đường”.
Theo ông Nguyễn Xuân Phùng-Chủ tịch UBND xã Ia Vê: Xã có 1.895 hộ dân, trong đó, hộ đồng bào DTTS chiếm 55%. Xã hiện còn 4 làng đặc biệt khó khăn gồm: Hlang Ngol, làng Ó, làng Siu và làng Doách. Trên địa bàn xã, dự án sẽ triển khai thi công 38 tuyến đường nhánh (2 tuyến đường liên xã và 36 đường nội làng) với tổng chiều dài 14,26 km; xây dựng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (làng Doách), điểm trường tại làng Hlang Ngol (Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt); sửa chữa 4 nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng sân thể thao trung tâm xã.
“Thông qua nguồn kinh phí từ các chương trình MTQG, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu của xã được đầu tư. Bà con trong xã cũng đồng thuận hiến đất và di dời vật kiến trúc để làm đường. Đường sá ngày càng hoàn thiện giúp cho việc đi lại và giao thương hàng hóa dễ dàng”-ông Phùng thông tin thêm.
Tương tự, tháng 3-2023, UBND huyện Ia Grai đã triển khai Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới Ia O với tổng kinh phí hơn 42,5 tỷ đồng; Dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Yom (xã Ia Khai) với tổng vốn đầu tư hơn 14,9 tỷ đồng. Ông Rơ Mah Pên-Trưởng thôn Bi (xã Ia O) cho hay: “Làng Bi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, nhà văn hóa. Đến nay, các tuyến đường trong làng đã được bê tông hóa giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện”.
Huyện Chư Pưh cũng đang đẩy nhanh tiến độ Dự án sắp xếp, ổn định dân cư làng Tông Kek, làng Mung (xã Ia Hla) và làng Kuăi (xã Ia Blứ) với tổng mức đầu tư hơn 44,5 tỷ đồng. Ông Đặng Xuân Tài-Trưởng phòng Dân tộc huyện-cho hay: Toàn huyện có 53 làng đồng bào DTTS. Những năm qua, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình MTQG đã giúp thay đổi diện mạo vùng nông thôn, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Đến nay, 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã đã được bê tông hóa, nhựa hóa, bảo đảm giao thông thuận tiện; trên 95% người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trao đổi với P.V, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-thông tin: Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh thực hiện 10 dự án ổn định dân cư tập trung cho 1.237 hộ dân và 6 dự án ổn định dân cư tại chỗ cho 807 hộ dân với tổng kinh phí hơn 591,3 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho sự đầu tư đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
“Từ nguồn vốn Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các khu dân cư đã được quy hoạch và bố trí, sắp xếp thuận lợi, giúp đời sống người dân được ổn định, giảm tình trạng di cư tự phát và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, cơ sở hạ tầng ở địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới được cải thiện đã giúp nâng cao chất lượng sống và điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân”-Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.