'Âm thầm' tăng giá sách giáo khoa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
NXB Giáo dục VN đã có công văn gửi các đơn vị trong hệ thống của mình về dự kiến giá bìa sách giáo khoa năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều bộ tăng hơn 30% nhưng Bộ GD-ĐT cho biết chưa đồng ý.
 
Ảnh: Ngọc Dương
Có cuốn sẽ tăng 40% !
"Thông báo của NXB GDVN mới là dự kiến. Còn Bộ GD-ĐT chưa đồng ý thì NXB GD chưa được phép áp dụng giá mới mà vẫn phải giữ giá hiện hành" 
Ông NGUYỄN HỮU ĐỘ (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Cuối tháng 1, NXB Giáo dục VN (GDVN) có công văn gửi các đơn vị thành viên thông báo về dự kiến giá bìa sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học 2019 - 2020, kèm theo là danh mục cụ thể từng cuốn SGK gồm có giá cũ, giá mới. Theo giải thích (trong công văn) của NXB GDVN, thông báo này giúp các đơn vị thành viên có thông tin xây dựng kế hoạch, phương án phát hành kinh doanh trong năm học tới.
Dựa vào bảng báo giá cho thấy, tất cả, gồm 158 cuốn SGK các môn từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến điều chỉnh giá tăng. Trong đó, chỉ có 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành, còn lại đều tăng từ 10 - 40%. Nếu tính theo bộ thì tất cả các bộ sách đều tăng trên 10%. Bộ sách mà tỷ lệ tăng ít nhất là SGK lớp 4 (9 cuốn) tăng 12% (từ 77.700 đồng/bộ dự kiến lên 87.000 đồng/bộ).
Đáng chú ý, càng lên lớp cao, tỷ lệ tăng giá càng cao. Nếu như tỷ lệ tăng giá dự kiến ở các lớp dưới (cấp tiểu học) chỉ khoảng 12 - 14% thì các lớp trên (cấp THCS và THPT) tỷ lệ tăng phổ biến mức 17 - 20%. Đặc biệt, cả 3 bộ gồm ban khoa học xã hội, ban khoa học tự nhiên và bộ sách nâng cao cấp THPT đều có mức tăng 30 - 31%. Nếu không tính dòng sách nâng cao, bộ SGK có giá dự kiến cao nhất là lớp 12, gồm 14 cuốn, giá 180.000 đồng (giá hiện tại là 153.500 đồng, tăng 17%). Thực tế thì mỗi học sinh (HS) cấp THPT ngoài bộ cơ bản sẽ dùng 1 - 2 bộ sách nâng cao. Trong khi đó, giá bìa sách nâng cao vốn đã cao sẵn so với sách cơ bản, giờ dự kiến tăng 30 - 31%, thành thử số tiền mà mỗi HS cấp THPT phải bỏ ra mua SGK cho năm học tới nếu bảng giá này chính thức được thực hiện sẽ tăng khoảng 24%.
 
NXB GDVN dự kiến tăng giá SGK từ năm học 2019 - 2020. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo công văn, một trong những căn cứ để NXB GDVN đưa ra thông báo trên là văn bản chấp thuận chủ trương của Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT về việc đồng ý điều chỉnh giá SGK hiện hành của NXB GDVN. Ngoài ra, từ ngày 18.1, Hội đồng thành viên NXB GDVN đã ban hành nghị quyết về việc thông qua phương án điều chỉnh tăng giá SGK hiện hành của NXB GDVN.
Người dân cần biết vì sao tăng ?
Tăng giá đồng loạt sách bổ trợ
NXB GDVN cũng đã gửi tới các đơn vị thành viên trên toàn quốc bảng báo giá sách bổ trợ cấp tiểu học và THCS năm 2019. Theo đó, hàng loạt đầu sách được tăng giá, với mức tăng phổ biến trên dưới vài chục phần trăm, có bộ tăng đến 46%. Sách bổ trợ là các sách, vở bài tập đi kèm SGK từng môn và theo lớp. Theo danh mục sách bổ trợ được Bộ GD-ĐT phê duyệt, cấp tiểu học có 80 tên sách bổ trợ, cấp THCS có 99, THPT có 91.

Mặc dù Bộ GD-ĐT không bắt buộc nhưng trên thực tế đây là sách mà các giáo viên thường xuyên cho HS sử dụng trong các buổi học chính thức. Nhưng nhờ tên gọi sách bổ trợ mà ngay cả kê khai giá mặt hàng này với Bộ Tài chính, NXB GDVN cũng không phải thực hiện.


Theo TS Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia độc lập về giáo dục, tại thời điểm này, khi mà chỉ một năm nữa là bắt đầu thay bộ SGK mới, thì việc tăng giá SGK phải hết sức cân nhắc. Kể cả thấy rằng cần thiết phải tăng thì cần phải trả lời thỏa đáng các câu hỏi mà dư luận rất quan tâm là tại sao tăng! Bộ SGK hiện hành đã được biên soạn và đưa vào sử dụng từ những năm 2000 - 2006, nghĩa là chi phí đầu tư ban đầu để biên soạn bộ sách đã thu hồi, nếu tăng thì vì yếu tố nào, có phải các chi phí in ấn, nguyên vật liệu... tăng. Vấn đề là phải có lý do xác đáng cho việc tăng này.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nhận định Bộ GD-ĐT cũng như NXB GDVN không nên cho rằng vì chỉ tăng mấy chục ngàn một bộ sách mà chủ quan, coi thường cảm xúc của người dân. “Thoạt nhìn thì ta có thể thấy đời sống giờ khá lên rất nhiều. Tuy nhiên, có đi thì mới biết ở nhiều nơi người dân vẫn phải cân nhắc khi tiêu từng chục nghìn một. Tôi vào Cần Thơ, thấy có căn tin bán cơm cho học sinh - sinh viên mà chỉ 10.000 đồng/suất. Tôi hỏi chủ quán là với 10.000 đồng thì lời lãi thế nào, họ trả lời nếu bán giá cao hơn thì không có người ăn. Cho nên tôi ủng hộ tăng giá, tính thực giá với các dịch vụ giáo dục, trong đó có SGK, nhưng phải có lý do thuyết phục, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ những người mà điều kiện sống đang còn chật vật”, TS Khuyến chia sẻ.
NXB GDVN “cầm đèn chạy trước ô tô” ?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích sở dĩ có cái mà NXB GDVN gọi là “đồng ý chủ trương điều chỉnh giá SGK hiện hành” là do Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ GD-ĐT để xem nếu Bộ GD-ĐT thấy cần thiết có chủ trương điều chỉnh giá SGK thì đề xuất. “Khi nhận được văn bản của Bộ Tài chính xin ý kiến thì Bộ GD-ĐT tạm thời có ý kiến. Tinh thần là thống nhất chủ trương, nhưng việc thực hiện cụ thể như thế nào thì Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT còn đang tính toán, cân nhắc. Có thể là năm nay, mà cũng có thể là năm sau, còn tùy tình hình thực tiễn ra sao”, ông Độ nói.
Ông Độ cũng chia sẻ thêm: “Nếu NXB GDVN thấy cần thiết phải tăng giá SGK thì cứ theo quy định chung, không để cho doanh nghiệp phải thiệt thòi, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ SGK cho người học. Giá cả thì theo thị trường”. Nhưng ông Độ cũng khẳng định: “Thông báo của NXB GDVN mới là dự kiến. Còn Bộ GD-ĐT chưa đồng ý thì NXB GDVN chưa được phép áp dụng giá mới mà vẫn phải giữ giá hiện hành. Quan điểm của Bộ Tài chính là doanh nghiệp, tức NXB GDVN, được phép tự điều chỉnh giá, tự cân đối, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng phía Bộ GD-ĐT thì Ban Cán sự Đảng bộ đang cân nhắc lại. Dự kiến cuối tuần này Ban Cán sự Đảng bộ sẽ họp, trong cuộc họp đó sẽ quyết định cho phép NXB GDVN điều chỉnh giá SGK từ thời điểm nào”.
NXB GDVN “chưa có thông tin trao đổi với báo chí”
Sau khi nhận được thông tin về dự kiến tăng giá SGK, PV Thanh Niên đã liên hệ ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB GDVN, với mong muốn được nghe giải thích về lý do vì sao doanh nghiệp này tăng giá SGK, đặc biệt vào thời điểm Bộ GD-ĐT sắp triển khai chương trình, SGK mới. Thoạt tiên, ông Thái nghe máy, nhưng sau khi PV trao đổi lý do gọi điện thì ông Thái chỉ nói ngắn gọn mình đang bận và ngay lập tức cúp máy. Sau khi PV Thanh Niên nhắn tin thuyết phục ông Thái sắp xếp thời gian hoặc cử đại diện trả lời thì ông Thái chỉ trả lời bằng một thông báo ngắn gọn là ông đang họp. Cuối giờ chiều 4.3, cán bộ truyền thông của NXB GDVN nhắn tin cho PV Thanh Niên cho biết ông Thái họp xong ra sân bay luôn, hơn nữa vì đó mới chỉ là dự kiến của NXB GDVN, còn Bộ GD-ĐT chưa đồng ý, nên NXB GDVN chưa có thông tin cụ thể để trao đổi với báo chí.
Quý Hiên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

Nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Gia Lai được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

(GLO)- Sáng 6-1, tại lễ chào cờ đầu năm 2025, Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã đọc thư chúc mừng năm mới của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh và trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc liên quan đến vụ án Phan Thị Thảo.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.