Ai về làng xưa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những trang đói nghèo, lạc hậu của bao ngôi làng trên địa bàn đứng chân của Binh đoàn 15 đã chìm vào quá vãng. Trở lại Đức Cơ những ngày tháng 3 lịch sử, lòng chợt bâng khuâng với miền đất mà mỗi đổi thay dù nhỏ cũng quá đỗi thiêng liêng này…

...Năm 1985, tôi nằm trong số những cán bộ tăng cường cho huyện Chư Prông. Chư Prông ngày ấy gồm cả huyện Đức Cơ bây giờ… Năm người chúng tôi được giao “nằm vùng” xã Ia Lang. Dù được coi là xã “không đến nỗi nào” nhưng tất cả chỉ là một con số “không” tròn trĩnh: không đường, không trường, không trạm, không trụ sở… Mỗi lần họp, tất cả cán bộ lại phải tập trung tại nhà Chủ tịch UBND xã Rơ Lan Bá ở làng Dít Le. Từ Thanh Giáo vào Dít Le chỉ khoảng 8 km nhưng phải mất 3 giờ đi bộ. Dít Le rừng sát bên nhà, không một bóng cây nuôi sống được người. Dù được coi là xã “sạch FULRO” nhưng tối tối Chủ tịch Bá vẫn buộc chúng tôi treo võng ngủ tại nhà ông cho an toàn. “Chẳng biết thế nào được”-ông nói. Các xã Ia Kriêng, Ia Pnôn vẫn còn FULRO lởn vởn. Rất có thể chúng mò về…”.

 

Cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: N.T
Cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: N.T

Cán bộ tăng cường, tiếng là “tham mưu mọi mặt giúp xã” nhưng có “tham mưu” thì họ cũng chẳng nghe, chẳng làm. Ngay Chủ tịch Rơ Lan Bá nếu không có cuộc họp, muốn chứng giấy tờ xin cứ ra ngoài rẫy… Chẳng có việc gì làm, tôi cứ lang thang vào các làng chơi. Có lần vui chân, tôi lên tận Ia Pnôn xem người ta đãi vàng. Những chuyến lang thang ấy bao nhiêu chuyện chỉ còn váng vất, chỉ riêng cái ấn tượng về những bãi vàng là tôi vẫn còn mồn một…

Mưa giữa mùa, nước như nghiêng thùng mà dốc. Chiếc lán lợp tạm bằng cỏ đuôi chồn ướt nhẹp. Mùi khói hăng xè không xua nổi hơi hám của mấy chục con người. Họ bó gối nhìn chiếc hố đãi vàng hõm sâu như con mắt thần chết đang háu háu trước mặt. Hôm qua một người trong số họ đã về làng ma vì sốt rét, liệu sẽ còn ai trong số họ đi tới kết cục này? Không ai dám nghĩ. Họ lặng lẽ nhón miếng cơm gạo rẫy chấm muối đưa lên miệng. Cơm nấu từ đêm khô khốc chẳng còn dư vị, dẫu sao thì cũng còn hơn những người ở nhà chỉ lá mì luộc chấm muối trừ bữa chờ họ mang vận may về. Nhưng cả tháng nay rồi, mỗi người chỉ được một, hai “phân”, bán chưa đủ bù số gạo mang đi. Vận may đang ở đâu giữa núi đồi tít tắp, hun hút một màu hoang lạnh kia? Những tiếng thở dài không kìm nén; những cái nhìn mỏi mệt, não nề hướng về ngôi làng đang mịt mùng dưới bóng cơn mưa…

 

*
Đại tá Hoàng Văn Sinh-nguyên Chính trị viên Công ty 72, nghỉ hưu đã 5 năm nay nhưng tôi có cảm giác đâu đó trên gương mặt ông vẫn còn vương dấu vết những ngày gian khổ… Có mặt ở vùng đất Đức Cơ từ năm 1975 và gắn bó từ đó cho đến ngày nghỉ hưu, ông đã chứng kiến có thể nói là toàn vẹn những nỗi thăng trầm của cây cao su trên dải đất này… Năm 1976, khi “Bài ca thống nhất” vẫn đang cao độ dư âm thì một vùng đất rộng lớn-gồm cả huyện Đức Cơ ngày nay đã mở đầu chương vỡ đất. Những người lính quân phục còn vương mùi khói đạn, chưa dứt cơn sốt rét rừng bước vào cuộc chiến mới với quyết tâm có thừa nhưng lại chưa hiểu gì nhiều về trận đồ phức tạp này. Bấy giờ hạt cao su được trồng thẳng xuống đất. Mắt ghép mang từ nơi khác đến. Kỹ thuật không đảm bảo, mười cây thì đã bốn, năm cây hoặc chết hoặc thực sinh.

Thời điểm này chiến tranh biên giới Tây-Nam lại nổ ra. Họ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian nan: cơm hẩm độn khoai mọt, sốt rét hoành hành; FULRO chực chờ quấy rối. Thêm sự nan giải về lực lượng lao động. Một cán bộ rất có uy tín là cụ Siu San được “trưng tập” để giúp đỡ bộ đội. Phải ba cuộc họp chung để vận động, sau đó đích thân chỉ huy các đơn vị đến từng gia đình để “dỗ”. Dù chế độ cho họ bấy giờ đã rất ưu việt: gạo 21 kg; mọi tiêu chuẩn khác như bộ đội, thế nhưng trầy trật mãi cũng chỉ tuyển được một, hai trăm người. Và ba tháng sau thì chỉ còn được dăm chục. Nếp làm việc kiểu công nghiệp đã khiến những con người vốn quen tự do, làm việc tùy hứng không chịu nổi sự gò bó… Thiếu lao động, phương tiện, nhiều lô cao su cỏ đuôi chồn ngút ngàn rồi làm mồi cho lửa.  Khó khăn muôn nẻo đã khiến nhiều đơn vị có năm phải dừng trồng mới…

Chẳng ai tiên liệu số phận cây cao su sẽ về đâu nếu không có một sự kiện in dấu son lên vùng đất này: Ngày 20-2-1985, những người lính các Sư đoàn 331, 332, Công ty Cao su Đức Cơ, Nông trường 732 nhận lệnh giã từ phiên hiệu cũ để tụ về trong đội hình mới: Binh đoàn 15. Đức Cơ là huyện duy nhất được chọn đứng chân cho cùng lúc 3 Công ty: 72, 74 và 75. Một trang mới cho vùng đất song hành cùng một huyện mới đã tròn 30 năm mà ngỡ như thấm thoắt…

 

*
…Tôi cố tìm một dấu vết nào đó để định hình những Dít Prông, Dít Le, Dít Dú năm nào. Tịnh không. Tất cả những gì của quá khứ có vẻ đã quá xa xăm. Nếu như năm 1985 những ngôi làng này, gia đình nào khá giả lắm mới có nổi một mái tôn thì bây giờ gần như đã hóa phố với những ngôi nhà xây san sát. Không vấp phải những khúc quanh nhận thức, con đường đi tới no ấm của họ khi trở thành công nhân có lẽ cũng chẳng phải kể nhiều… Tôi tìm về làng Chan (xã Ia Pnôn)-ngôi làng với những con người tôi đã gặp nơi bãi vàng năm ấy… Làng Chan bây giờ là Đội 711 thuộc Công ty 72. Con đường trải nhựa cắt một vệt thẳng băng qua làng. Hai bên đường san sát nhà xây kiểu Thái ẩn hiện sau những vườn hồ tiêu, cà phê nhẫy nhượt. Tiếng xe máy, công nông đan nhau rộn rã. Quán giải khát, quán bia ồn ã. Làng Chan nhộn nhịp như một thị trấn nhỏ. Ai có thể hình dung đây chính là ngôi làng từng đẫm nước mắt với quá khứ nghèo đói đến xót xa?

Ông Rơ Ma Bơn người tôi từng gặp, người cho tôi nét chấm phá trong bức tranh đói nghèo một thuở của làng dường như vẫn chưa hết trầm tư sau chuyện cũ… Tôi biết, với hơn 70% số hộ theo đạo Tin lành, con đường đến với những giá trị đích thực của cuộc sống không chỉ một bước gập ghềnh… Từ sau năm 2011 khi Tây Nguyên xảy ra sự biến bạo loạn do bọn phản động FULRO giật dây, người làng Chan một số luôn lởn vởn một cuộc sống sung sướng mơ hồ bên trời Tây. Và năm 2004, 19 người làng đã vượt biên. Chuyến đi đẫm nước mắt ấy nếu không có Bộ đội Biên phòng phát hiện, có lẽ họ đã cập bến thiên đường đen… Với lực lượng công nhân làm nòng cốt, sự giúp đỡ hết mình của Binh đoàn, làng bây giờ ai cũng có cao su tiểu điền, cà phê, hồ tiêu. Trên 300 hộ của làng, hiện đã có hơn 100 hộ đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Nghèo chỉ còn 2 hộ do hoàn cảnh bất khả kháng… Một tấm gương làm ăn giỏi và cũng nức tiếng “chơi sang” là Ksor Găn. Năm nay mới hơn 30 tuổi nhưng Găn đã có 2 ha cao su tiểu điền, nhận khai thác 3 ha cao su khác cho công ty; nhà đã xây khang trang và sắm liền 6 chiếc xe máy để mỗi chiếc chỉ dùng một việc riêng!

Tôi có cảm giác sự thoát xác của những ngôi làng tôi qua ngày ấy nghe cứ huyền diệu như là cổ tích. Không là sự biểu trưng, hàng chục ngôi làng trên tuyến biên giới Đức Cơ này; hàng trăm ngôi làng trên địa bàn đứng chân của Binh đoàn ở Gia Lai này đều đã đổi thay với những sắc màu như thế. Để có cuộc sống cả ngoài mong ước ấy, gần một phần ba thế kỷ qua, biết bao công sức trí tuệ, mồ hôi và cả máu của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn đã thấm những nẻo đường xanh… làm nên khối tài sản giá trị trên 7.000 tỷ đồng là lớn; mỗi năm chỉ một công ty đứng chân trên địa bàn Đức Cơ nộp ngân sách cho Nhà nước cũng đã gấp gần 3 lần số thu ngân sách hàng năm của huyện cũng là lớn-nhưng cái lớn hơn thế, ý nghĩa hơn thế là họ đã làm nên bức tường xanh giữ yên một dải biên cương Tổ quốc; cải biến cuộc sống đói nghèo, lạc hậu ngỡ là định mệnh bao đời cho đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại cho họ những giá trị văn hóa mới của cuộc sống hiện đại… Xin đừng ai có chút giả tưởng rằng bản chất của cuộc sống vẫn là sự tiến về phía trước. Có thể nào là sự tất yếu nếu không từ những chủ trương đúng đắn, sáng tạo với khởi đầu là “Binh đoàn gắn với tỉnh, công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”; tiếp theo là mô hình “gắn kết hộ” và thời sự là phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tiếp lực đẩy cho những chủ trương đúng đắn sáng tạo, hàng ngàn tỷ đồng được chắt chiu từ hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ sự đóng góp đầy ân tình của cán bộ, chiến sĩ toàn Binh đoàn để làm nên những nông thôn mới-một bức tranh đa sắc của cuộc sống mà trong veo trên bề mặt là những giá trị được định hình chẳng thể nào phủ định…

Và tôi lại phải trở về  ý nghĩ vẫn tồn trong tâm trí nhiều lần rằng-giả tưởng một sớm mai thức dậy, bức tường xanh nơi biên cương này bỗng dưng biến mất? Quá khứ với những gì còn lại, thời gian vẫn chưa đủ sức xóa nhòa. Chặng đường phía trước bởi vậy hãy còn sung mãn lắm với những khởi động bắt đầu…

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.