Ai chịu rủi ro khi đầu tư giáo dục thua lỗ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ việc Trường THPT Quốc tế Mỹ đang bị “vỡ nợ” đã gióng lên hồi chuông báo động cho các cơ quan quản lý lẫn phụ huynh trong lĩnh vực đầu tư vào giáo dục ngoài công lập.

Vụ việc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ với học sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn ảnh hưởng đến các chính sách xã hội hóa giáo dục, giảm lòng tin của xã hội vào hệ thống trường tư.

Vì đâu nên nỗi?

Có thể thấy chính sách thu học phí một lần cho 12 năm học (dưới dạng cho vay không lãi suất) và sẽ được hoàn trả sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 12 có rất nhiều lợi ích đối với các gia đình có con đi học. Lợi ích trước mắt là gia đình có kế hoạch tài chính ổn định, tránh việc bị động tăng học phí hàng năm, đồng thời số tiền sẽ được hoàn trả sau một lộ trình thời gian cụ thể. Số tiền được hoàn trả có thể xem như một khoản cho vay dài hạn, không lãi suất, sau khi được nhận lại có thể tiếp tục sử dụng cho con du học hoặc học đại học trong nước. Như vậy, kế hoạch tài chính này có lợi hơn rất nhiều so với việc gửi tiền tiết kiệm hoặc trong trường hợp học phí tăng lên, qua đó cung cấp cho phụ huynh lộ trình rõ ràng về chi phí giáo dục, hỗ trợ lập kế hoạch tài chính dài hạn. Ngoài ra, việc đóng học phí theo kiểu này đảm bảo rằng con em họ sẽ có chỗ học ổn định trong nhiều năm học.

Lãnh đạo Trường THPT Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, TPHCM) được yêu cầu sớm đưa ra phương án đảm bảo quyền lợi học tập của hơn 1.200 học sinh
Lãnh đạo Trường THPT Quốc tế Mỹ (huyện Nhà Bè, TPHCM) được yêu cầu sớm đưa ra phương án đảm bảo quyền lợi học tập của hơn 1.200 học sinh

Tuy nhiên, khi xuất hiện rủi ro vì các nguyên nhân khác nhau thì cách đóng học phí trước này không khác kiểu “chơi hụi” không lãi suất. Trong đó, một số nguyên nhân dẫn đến rủi ro tài chính như: nhà trường mắc sai lầm nghiêm trọng trong quản lý tài chính hoặc phân bổ sai nguồn vốn, đầu tư cho các dự án kém hiệu quả dẫn đến rơi vào bẫy nợ, đầu tư ngoài mục đích giáo dục.

Mặt khác, với việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn học phí từ số lượng tuyển sinh trong tương lai, một khi số học sinh giảm sẽ dẫn đến bất ổn tài chính cho nhà trường. Cùng với đó, khi bất ổn về tài chính, giáo viên sẽ thiếu động lực làm việc, có thể bỏ việc gây ảnh hưởng kết quả học tập của học sinh và danh tiếng của trường, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và gia tăng các bất ổn về tài chính. Hiện nay, đầu tư vào giáo dục được xem là ít rủi ro nhất nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải đủ năng lực quản lý, nhất là quản lý nguồn vốn kết hợp với các tư vấn về tài chính và luật pháp.

Ở góc độ người học, nhiều phụ huynh không có kiến thức vững về tài chính, không điều tra tình hình tài chính mà quá tin tưởng vào nhà trường, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng của các hoạt động giáo dục của nhà trường, khả năng chuyên môn của quản lý trường học và so sánh với các trường quốc tế khác trên cùng địa bàn. Trong các bản hợp đồng, phụ huynh thường bỏ qua các điều khoản dự phòng trong các tình huống khác nhau như nhà trường bị đóng cửa hoặc có thay đổi về chất lượng hoạt động.

Về phía cơ quan quản lý địa phương, việc buông lỏng kiểm tra, giám sát về tài chính, ngó lơ trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục, không kiểm tra định kỳ về tài chính để ngăn chặn các dấu hiệu quản lý yếu kém hoặc gian dối là các nguyên nhân dẫn đến trường học bị “vỡ nợ”. Cơ quan quản lý nhà nước đã… quên ban hành các quy định và hướng dẫn rõ ràng về các chương trình trả trước học phí, bao gồm cả chính sách hoàn trả, để bảo vệ các gia đình khỏi những tổn thất tài chính có thể xảy ra. Chính phủ cần đảm bảo rằng các chương trình này minh bạch, công bằng và cung cấp quyền truy đòi cho người học trong trường hợp trường học không tuân thủ.

Những bài học cần rút ra

Sự việc “vỡ nợ” của Trường THPT Quốc tế Mỹ là bài học cho các bậc phụ huynh khi lựa chọn cách thức đầu tư cho giáo dục. Trong đó, ngoài niềm tin, kỳ vọng cần tìm hiểu kỹ hoặc nhờ các chuyên gia tư vấn về giáo dục, pháp lý đưa ra lời khuyên hữu ích. Đồng thời, phụ huynh cần cân nhắc, suy tính hết các khía cạnh lợi ích và rủi ro tiềm ẩn trước khi đầu tư.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nên ban hành các quy định liên quan đến việc ổn định tài chính và hạn chế rủi ro cho người học như giới hạn số tiền học phí ứng trước so với nguồn vốn của trường để tránh lạm dụng quỹ học phí đóng trước, đảm bảo các trường vẫn có khả năng thanh toán và cung cấp nền giáo dục có chất lượng trong thời gian dài. Đặc biệt, việc giám sát của cơ quan quản lý hoặc bên thứ ba rất quan trọng để đảm bảo rằng nhà trường luôn tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn và cam kết, đồng thời đưa ra những cảnh báo sớm về khó khăn về tài chính hoặc hoạt động của nhà trường. Trường học phải cập nhật thông tin tài chính và hoạt động thường xuyên như một phần của thỏa thuận đầu tư. Điều này cho phép người học theo dõi liên tục “sức khỏe tài chính” và chất lượng giáo dục của trường. Tất nhiên, việc thực hiện các quy định nói trên cần có cơ chế giám sát và thực thi, có khả năng tạo ra gánh nặng hành chính cho cả cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý. Do đó, trường học cần duy trì hồ sơ minh bạch về tài chính và vốn của mình, được kiểm toán thường xuyên.

Cuối cùng, cả phụ huynh và chủ cơ sở giáo dục hãy tham khảo ý kiến của các cố vấn tài chính, chuyên gia pháp lý và chuyên gia tư vấn giáo dục để hiểu đầy đủ các rủi ro và biện pháp bảo vệ. Trong đó, chất lượng giáo dục cần được đặt lên hàng đầu để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Phụ huynh có thể nộp đơn khởi kiện

Một số phụ huynh đã gửi đơn tố cáo đến Công an TPHCM và Bộ GD-ĐT để nhờ các cơ quan quản lý can thiệp, bảo vệ quyền lợi của phụ huynh. Tùy theo kết quả điều tra, nếu kết luận điều tra của công an xác định nhà trường có dấu hiệu vi phạm về hình sự thì tùy theo hành vi phạm tội cụ thể có thể đối diện với các tội danh sau: Nếu Trường THPT Quốc tế Mỹ đã sử dụng nguồn tiền huy động được từ phụ huynh vào mục đích bất hợp pháp như kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản… mà không đầu tư vào hoạt động phát triển của trường dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản theo cam kết như hợp đồng đã ký hoặc trường học dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản có được thông qua hình thức hợp đồng hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, nhà trường có thể đối diện với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, trường hợp kết luận điều tra có các dấu hiệu trường học dùng thủ đoạn gian dối để lừa phụ huynh ký hợp đồng vay tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tùy theo giá trị tài sản lừa đảo chiếm đoạt mà đại diện trường có thể đối diện với mức hình phạt cao nhất đến 20 năm tù hoặc chung thân theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong khi chờ đợi cơ quan điều tra kết luận về hành vi của nhà trường có vi phạm tội danh cụ thể hay không, phụ huynh có thể nộp đơn khởi kiện dân sự ra tòa án nơi có địa chỉ trụ sở của Trường THPT Quốc tế Mỹ trú đóng để thu lại số tiền cho vay nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình (Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015), đồng thời đề nghị tòa án phong tỏa tài sản (Khoản 11, Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) hoặc cấm xuất cảnh (Khoản 13, Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) đối với đại diện theo pháp luật của nhà trường.

Luật sư LÊ BÁ THƯỜNG

Giám đốc Công ty Luật TNHH Dân Luật Tín Thành

(thuộc Đoàn Luật sư TPHCM)

Mong các cháu tiếp tục học vì chỉ vài tháng nữa là kết thúc năm học

Hiện nay, tôi và các gia đình có con theo học tại Trường THPT Quốc tế Mỹ đều mong muốn mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, mong muốn tối ưu nhất thời điểm này là các cháu tiếp tục học vì chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học. Thời điểm hiện tại mà chuyển trường cũng không ai muốn, bởi dù được hỗ trợ chuyển đến trường mới thì việc đi lại, đưa đón cũng ảnh hưởng công việc, kế hoạch sinh hoạt của gia đình. Đó là chưa nói khi chuyển trường sẽ có hàng loạt vấn đề khác phát sinh như học phí, những năm kế tiếp sẽ ra sao...

Tôi theo dõi sát diễn biến tình hình của trường nhưng đến thời điểm này chưa thấy có cách giải quyết ổn thỏa. Hiện nay các cháu đang bước vào kỳ nghỉ xuân (1 tuần) và bắt đầu học lại vào ngày 1-4 nhưng cũng không đảm bảo là đến lúc đó các cháu đến trường có giáo viên dạy hay không. Tôi và nhiều phụ huynh khác đang rất lo lắng cho việc học của các con.

Chị T.L.N.H.

Ngụ quận 7, có con học đang học lớp 3, Trường THPT Quốc tế Mỹ

(Dẫn theo SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.