70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngay khi hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; phần còn lại sẽ được xóa bỏ trong thời hạn tối đa 7 năm.
 
Lễ ký EVFTA diễn ra chiều 30-6 tại Văn phòng Chính phủ - Ảnh: chinhphu.vn
Chiều 30-6 tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), chính thức ký kết hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Đây là bước tiếp theo việc thực thi Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA).
Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng EVFTA và IPA sẽ là cơ hội lớn, thúc đẩy nhanh tốc độ quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Sự kiện này là bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cũng mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Cao ủy về thương mại của EU, bà Cecilia Malmström, ca ngợi Việt Nam và EU và cho rằng hai bên đã đi qua chặng đường dài để đặt bút ký vào thỏa thuận EVFTA và IPA.
Bà khẳng định, chính những nỗ lực và sự hợp tác dài lâu của Việt Nam và EU đã hiện thực hóa hiệp định này. Đồng thời, EU mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy tương lai làm trọng tâm.
EU nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Thỏa thuận được xây dựng dựa trên cam kết của cả hai bên về tự do hóa thương mại và hội nhập theo hướng mở cửa và tuân thủ luật lệ, giúp EU tiếp sâu hơn vào Đông Nam Á.
Thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam xác định và triển khai các bước nhằm tạo thuận lợi cho cải cách và điều chỉnh cần thiết, bao gồm cả lĩnh vực như an toàn và kiểm dịch động thực vật, rào cản phi thuế quan.
EVFTA sau 4 năm chuẩn bị cho việc ký kết, coi như đã về đích với tư cách là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 quốc gia thành viên EU. Cùng với CPTPP, EVFTA được xem là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Ngay khi hiệp định được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Nói một cách khác, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây được xem là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký từ trước đến nay, nhất là khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cùng với Mỹ.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản..là rất đáng kể.
EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với trước khi có hiệp định. Thêm vào đó, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn xuất khẩu. Cụ thể: dự kiến sẽ tăng khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% (2025) và 36,7% (2030). Bộ Công thương cũng ước tính, EVFTA sẽ làm GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân 2,18%-3,25% (2019-2023); 4,57%-5,30% (2024-2028) và 7,07- 7,72% (2029-2033)
Tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (VBF) diễn ra tuần trước, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho hay, EVFTA sẽ mở cửa thị trường, tăng cường thương mại, và giúp Việt Nam trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á.
“Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực để trở thành trung tâm đầu tư và thương mại trong khu vực, với vị trí thuận lợi để thu hút vốn FDI từ châu Âu”, ông Tomaso nói.
Về lâu dài, Hiệp định EVFTA tăng cường thương mại và đầu tư trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Hiệp định này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cho cả các công dân Việt Nam về phúc lợi xã hội, tiền lương, tiêu chuẩn.
Những mốc thời gian chính xuyên suốt quá trình đàm phán, ký kết hiệp định EVFTA
Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.
Trúc Diễm-Ngọc Lan (TBKTSG Online) 

Có thể bạn quan tâm

Toyota Avanza Premio sở hữu diện mạo mạnh mẽ và năng động

Toyota Avanza Premio 2022: Xe cho người tiết kiệm, giá trên 617 triệu đồng

(GLO)- Toyota Avanza Premio là mẫu MPV nhập khẩu từ Indonesia, được phát triển dựa trên nền tảng khung gầm DNGA của Daihatsu, mang đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong thiết kế ngoại và nội thất. Xe sở hữu hai tùy chọn cấu hình là số sàn MT giá hơn 617 triệu đồng và CVT giá trên 617 triệu đồng.

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

GAC M6 Pro-Sự lựa chọn MPV giá dưới 1 tỷ đồng dành cho gia đình đông người

(GLO)- Tại triển lãm ôtô Việt Nam 2024 (VMS 2024) ở TP. Hồ Chí Minh, GAC giới thiệu mẫu MPV GAC M6 Pro với hai phiên bản GL và GS. Đây là dòng MPV nhập khẩu từ Trung Quốc với thiết kế vuông vức và tiện ích hiện đại, hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn trong phân khúc MPV có giá dưới 1 tỷ đồng.

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

Suzuki Ertiga: Mẫu MPV tiết kiệm nhiên liệu với động cơ hybrid, giá khởi điểm từ 596 triệu đồng

(GLO)- Suzuki Ertiga 2022 là một trong những mẫu MPV cỡ nhỏ phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc xe gia đình. Với động cơ hybrid nhẹ, Suzuki Ertiga không chỉ mang lại khả năng vận hành ổn định mà còn tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với các mẫu xe cùng phân khúc.