4 cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật Lệ Thanh lãnh án tù

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tự đặt ra mức thu phí cao hơn quy định với hàng nông sản nhập khẩu, nhóm cán bộ của Trạm Kiểm dịch thực vật (KDTV) tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ đã chiếm đoạt số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Tự đặt mức thu phí “trên trời”

Ngày 6-9, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo Nguyễn Đình Thành (SN 1975, trú phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, nguyên Trạm trưởng Trạm KDTV Lệ Thanh), Đặng Mạnh Huy (SN 1984, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), Nguyễn Hoàng Túy (SN 1978, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku), Thái Văn Nhân (SN 1990, trú phường Hội Phú, TP. Pleiku) đều nguyên là cán bộ Trạm KDTV Lệ Thanh về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.


 

 Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Văn Ngọc
Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Văn Ngọc

Trước đó, sáng ngày 25-3-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt quả tang Đặng Mạnh Huy đang nhận tiền phí KDTV và phí kiểm tra an toàn thực phẩm (KTATTP) cao hơn quy định của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng đối với 5.000 tấn mì, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Dân Gia Lai đối với 1.750 tấn hạt điều với số tiền thu vượt là 28,414 triệu đồng. Tiến hành khám xét khẩn cấp tại Trạm KDTV Lệ Thanh, Cơ quan Công an đã thu giữ các sổ sách, tài liệu liên quan đến việc thu phí kiểm dịch thực vật cao hơn quy định gồm: 20 tờ giấy A4 ghi nội dung theo dõi xe nhập hàng nông sản của doanh nghiệp tại hộc tủ sử dụng chung trong phòng làm việc của Nguyễn Đình Thành; 2 cuốn sổ cá nhân của Nguyễn Đình Thành; 1 sổ theo dõi hàng nhập khẩu ghi từ 09-7-2012 đến 31-12-2015… Đồng thời tạm giữ 1 két sắt bên trong có 7 cuốn sổ tay, 42 tờ tài liệu đã ghi nội dung và 272 triệu đồng có liên quan đến hành vi phạm tội.

Qua mở rộng điều tra, Cơ quan Công an xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Đình Thành, Đặng Mạnh Huy, Thái Văn Nhân và Nguyễn Hoàng Túy đã cùng nhau thống nhất đặt ra và thu phí KDTV và KTATTP của các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản cao hơn so với mức phí quy định. Cụ thể tùy theo từng mặt hàng nông sản nhập khẩu mà có mức thu phí khác nhau như: mì lát là 5-7 ngàn đồng/tấn; đậu nành 7-8 ngàn đồng/tấn; hạt điều 10 ngàn đồng/tấn. Ví dụ lô hàng sắn lát có trọng lượng 250 tấn, thu theo Thông tư số 110 thì tiền phí kiểm dịch là 320 ngàn đồng, nhưng mức thu do các đối tượng này đưa ra là 1,75 triệu đồng.

Chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Để quản lý số tiền thực thu, Thành, Mạnh Huy, Nhân và Túy đã lập một sổ tay ghi thông tin gồm tên doanh nghiệp, số lượng, chủng loại hàng hóa, người thu, thủ quỹ, lệ phí. Ca trực của ai thì người đó thu tiền của doanh nghiệp, ghi đầy đủ các thông tin nêu trên trừ cột “lệ phí” là không ghi thông tin và ký nhận ở cột “người thu”, còn hệ thống sổ sách nhà nước vẫn cập nhật theo quy định. Huy ngoài việc thu phí còn được giao làm thủ quỹ của đơn vị nên hàng ngày, toàn bộ số tiền cả phí và số tiền thu vượt nhận được từ doanh nghiệp theo ca trực các cá nhân này đều giao lại cho Huy giữ. Sau đó, Huy cân đối trừ đi số phí phải thu đúng quy định để nộp vào Kho bạc nhà nước tỉnh; số tiền chênh lệch đều nhập quỹ chung dùng chi sinh hoạt chung của cả đơn vị, gồm: ăn uống, tiếp khách, mua thêm vật dùng...

Số còn lại, Thành, Mạnh Huy, Nhân và Túy thống nhất chia nhau theo tỉ lệ Thành được 30%; Mạnh Huy, Nhân và Túy mỗi người được 20%, còn 10% thì tiếp tục nhập quỹ để sinh hoạt kỳ sau. Từ ngày 7-4-2012 đến 25-3-2016, các đối tượng trên đã cùng nhau thực hiện việc thu phí cao hơn quy định và chiếm đoạt số tiền nộp cao hơn quy định là 1,767.862 tỷ đồng. Trong số này Thành nhận được 555,9 triệu đồng, Huy và Túy mỗi người được 346,42 triệu đồng và Nhân được 316,42 triệu đồng. Tổng số tiền đã chia là 1,565.16 tỷ đồng.

Số tiền 202,72 triệu đồng còn lại ngoài việc dùng chi tiêu chung, Thành, Huy khai có đưa cho ông Hà Văn Vận-Phó Trạm trưởng Trạm KDTV Lệ Thanh nhiều lần với số tiền là 27 triệu đồng; chi cho ông Nguyễn Văn Tú-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật 29 triệu đồng; chi cho ông Hà Văn Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật số tiền 61 triệu đồng, trong số tiền này có 19 triệu đồng Huy thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng vào tài khoản của ông Uyển. Với số tiền này, Cơ quan Công an đã có Công văn số 78 ngày 14-3-2017 đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh họp kiểm điểm, chỉ đạo ông Hà Văn Uyển nộp cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để sung quỹ Nhà nước, và trả lại theo đề nghị của người bị hại là các doanh nghiệp đã nộp phí cao hơn quy định nhưng hiện nay ông Hà Văn Uyển chưa nộp lại số tiền này.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt Nguyễn Đình Thành 14 năm 6 tháng tù, Đặng Mạnh Huy và Nguyễn Hoàng Túy mỗi bị cáo lãnh án 13 năm 6 tháng tù, Thái Văn Nhân 13 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.