3 lần mổ tim, cậu học trò nghèo tiếp tục nguy kịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mắc bệnh tim bẩm sinh, từ năm 2009 đến nay, em Trần Bảo Đức, học sinh lớp 6 Trường THCS Tôn Đức Thắng (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đã trải qua 3 lần mổ tim. Những ngày gần đây, bệnh của Đức lại tái phát và các bác sĩ chỉ định Đức phải mổ tim gấp, nhưng chi phí cho ca mổ lên tới trên 100 triệu đồng trong khi gia đình em đã khánh kiệt. Giờ đây, tính mạng của cậu học trò nghèo như ngọn đèn trước gió.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Đăng Khoa-bố Đức-đang chăm con ở Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), khóc nghẹn: “Nuôi mãi mà cháu chậm lớn, lại hay quấy khóc, vợ chồng tôi đưa cháu đi khám thì mới biết Đức bị tim bẩm sinh. Thương con nhưng 2 vợ chồng nghèo quá nên chỉ biết cắn răng nhìn con vật vã. Mãi đến khi Đức 3 tuổi, gia đình mới có đủ tiền để đưa cháu đi phẫu thuật tim”.

 

Anh Khoa đang chăm sóc cháu Đức tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Đ.Y
Anh Khoa đang chăm sóc cháu Đức tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Đ.Y

Ca mổ tim cho Đức được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành lần đầu vào giữa năm 2009. Sau khi trừ tiền bảo hiểm y tế, gia đình phải đóng hơn 40 triệu đồng nhưng may mắn được chương trình “Trái tim cho em” tài trợ. Sau ca mổ, cứ tưởng sức khỏe của Đức sẽ khá hơn, nhưng vết mổ chưa lành thì những cơn đau lại tiếp tục hành hạ em. Một năm sau đó, Đức bị sốt liên miên, khi vào viện thì phát hiện tim hở van 3 lá, hẹp động mạch phổi liên quan đến tình trạng nhiễm trùng. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lần 2 cho Đức, chi phí gần 60 triệu đồng (chưa tính chi phí hậu phẫu). “Số tiền đó là quá lớn so với hoàn cảnh của gia đình tôi, nhưng vì tính mạng của con, vợ chồng tôi chạy vạy khắp nơi để có tiền phẫu thuật, hy vọng con có được trái tim khỏe”-ông Khoa chia sẻ.

Sau đó, Đức phải điều trị bằng kháng sinh suốt 3 tháng trong bệnh viện. Các bác sĩ khuyên để em có sức khỏe tốt phải lắp máy trợ tim. Vậy là vợ chồng ông Khoa lại phải vay nóng khắp nơi để có đủ số tiền 57 triệu đồng mua máy trợ tim cho con. Nhờ vậy, Đức khỏe lại và tiếp tục đến trường. Vợ chồng ông Khoa không còn nỗi mừng nào hơn.

Nhưng khi số tiền vay nóng hơn 100 triệu đồng chưa trả xong thì những ngày qua, bệnh tim của Đức lại tái phát. Gia đình phải gấp rút đưa em ra Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết Đức bị suy phổi nặng, suy tim, thiếu máu, phải điều trị một thời gian mới có thể phẫu thuật lần 4. Các bác sĩ cũng cho biết, ca mổ tim lần này tốn khoảng trên 100 triệu đồng. Gia đình ông Khoa vốn là hộ nghèo trong xã Ia Yok, thu nhập chỉ trông chờ vào 1 ha cà phê nhận khoán của Công ty Cà phê Ia Sao II và những ngày làm thuê cuốc mướn. Kinh tế vốn đã khó khăn, giờ càng khánh kiệt mà bệnh của Đức thì đang lúc nguy kịch. Rất mong những tấm lòng hảo tâm sẽ dang rộng vòng tay cưu mang Đức thêm một lần nữa.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Trần Đăng Khoa-ĐT: 01698780437 và Báo Gia Lai, số 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (hoặc liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.