10 năm thắm đượm nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm 2013, làng Mook Đen 1 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) và làng Pó Lớn (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) tổ chức kết nghĩa.

Qua 10 năm, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa người dân 2 bên được thắt chặt, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Chiều cuối năm, con đường từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh dẫn về trụ sở UBND xã Ia Dom được trang hoàng lộng lẫy cờ, hoa để chào đón đoàn cán bộ, người dân xã Pó Nhầy sang thăm, sơ kết phong trào kết nghĩa giữa làng Mook Đen 1 và làng Pó Lớn.

Ông Klan Chíp-Trưởng thôn Pó Lớn-cho biết: “Người dân làng Pó Lớn và làng Mook Đen 1 nói riêng, xã Pó Nhầy và xã Ia Dom nói chung có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó lâu đời, nhiều người còn có mối quan hệ thân tộc.

Chính vì thế, việc kết nghĩa giữa 2 làng không chỉ góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị mà còn tạo điều kiện để 2 bên giúp đỡ nhau cùng phát triển. Chúng tôi rất biết ơn người dân làng Mook Đen 1 đã hướng dẫn kỹ thuật và tặng cây giống để 13 hộ dân trong làng trồng 14 ha hồ tiêu”.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động kết nghĩa và ký kết nghĩa giai đoạn tiếp theo. Ảnh: V.H

Quang cảnh hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động kết nghĩa và ký kết nghĩa giai đoạn tiếp theo. Ảnh: V.H

10 năm qua, trên cơ sở kế hoạch, quy chế kết nghĩa, 2 bên đã tổ chức 5.190 buổi tuyên truyền, thu hút 10 ngàn lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào kết quả phân giới cắm mốc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; các văn bản liên quan đến biên giới, lãnh thổ, hiệp định, hiệp ước đã được Chính phủ 2 nước ký kết.

Hoạt động tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; hiểu rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn phản động lợi dụng chia rẽ tình đoàn kết giữa 2 nước.

Thông qua việc kết nghĩa, xã Ia Dom đã tổ chức giao lưu đối ngoại nhân dân với xã Pó Nhầy 13 lần; tổ chức 1 buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao giữa thanh niên 2 xã; cấp hơn 9 ngàn giấy giới thiệu cho người dân trên địa bàn xã qua lại các xã bên kia biên giới để thăm thân.

Ở chiều ngược lại, chính quyền xã Pó Nhầy đã cấp hơn 1 ngàn giấy để người dân sang thăm thân tại xã Ia Dom. Cùng với đó, lãnh đạo chính quyền 2 xã tổ chức gặp mặt 32 lần để trao đổi thông tin nhân các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của 2 bên.

Để thắt chặt hơn tình đoàn kết, xã Ia Dom đã tổ chức thăm, tặng quà cho xã Pó Nhầy được 32 lần với tổng trị giá 120 triệu đồng. Ngoài ra, xã Ia Dom còn phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tặng quà cho 50 hộ dân ở làng Pó Lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tặng quà cho người dân làng Pó Lớn. Ảnh: V.H

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tặng quà cho người dân làng Pó Lớn. Ảnh: V.H

Ông Chênh Hênh-Chủ tịch xã Pó Nhầy-cho biết: “Chúng tôi luôn biết ơn quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam đã không tiếc máu xương giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Ngày nay, mối quan hệ ấy càng được thắt chặt khi 2 bên tổ chức cho các cụm dân cư, các làng kết nghĩa. Việc kết nghĩa tạo điều kiện để người dân hiểu biết thêm phong tục, tập quán của nhau, chung sức xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị.

Chúng tôi rất biết ơn vì mới đây, Bộ đội Biên phòng Gia Lai đã tặng 50 suất học bổng cho các em học sinh và tặng 10 con bò giống cho người dân xã Pó Nhầy”.

Thông qua việc kết nghĩa, tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân 2 bên biên giới ngày càng được thắt chặt. Người dân 2 bên biên giới thường xuyên trao đổi thông tin và báo cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý các trường hợp chống phá mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm.

Bà Lê Thị Khánh Hòa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom-cho biết: Thông qua việc kết nghĩa, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện địa phương cùng với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh duy trì hoạt động 7 tổ tự quản thôn, làng với 47 thành viên và 3 tổ tự quản đường biên cột mốc với 13 thành viên. Đây là những hạt nhân tích cực, nhiều người có mối quan hệ thân tộc với người dân bên kia biên giới nên kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng những nguồn tin quan trọng.

Trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-thông tin: Việc kết nghĩa giữa 2 làng không những tăng cường đối ngoại nhân dân, giúp người dân hiểu rõ phong tục tập quán, chia sẻ khó khăn cùng nhau mà còn tạo sự gắn kết dài lâu.

Thông qua việc kết nghĩa, lực lượng chức năng 2 nước tăng cường công tác tuyên truyền để người dân 2 bên chấp hành các quy định trong việc quản lý, bảo vệ biên giới. Người dân cũng kịp thời cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Có thể bạn quan tâm