"Xu Man, những gì còn lại"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa trở lại làng họa sĩ Xu Man, rồi lại được biết ở Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tới đây sẽ có một triển lãm về ông với tên gọi: “Xu Man, những gì còn lại”. Không được hiểu, biết và thân quen ông bằng một số đồng nghiệp khác, nhưng cũng được sống chung với ông một thời gian mấy năm ở khu tập thể Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, rồi khi ông về hưu thì là cầu nối giữa Pleiku với Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) nên tôi mạn phép ghi lại vài câu chuyện về họa sĩ tài hoa này.
Khi lên Pleiku nhận công tác, tôi được bố trí ở một gian tập thể cạnh ông Xu Man. Tôi được giới thiệu, đấy là họa sĩ, người Bahnar đấy, nổi tiếng lắm. Chả biết nổi tiếng đến đâu, nhưng chiều Pleiku đầu tiên của tôi, tháng 11, cao điểm mùa lạnh, ông đốt một đống lửa giữa phòng, rồi gọi tôi sang... uống rượu. Mồi là mấy con tắc kè nướng, có chuột nữa, chấm muối ớt. Rượu là rượu mía. Gã sinh viên mới ra trường là tôi rụt cổ lại uống rượu và... nhắm mồi.
 Họa sĩ Xu Man lúc sinh thời. Ảnh: Trần Phong
Họa sĩ Xu Man lúc sinh thời. Ảnh: Trần Phong
Hôm sau thì ông lại... mất hút. Thì ra ông Trịnh Kim Sung-Trưởng ty hồi ấy, có một quyết định rất nhân văn là, ông cứ tự do về làng, ở bao nhiêu thì ở, bao giờ có việc thì sẽ liên lạc. “Việc” của ông thường là vài tháng đạp xe lên cơ quan một lần nhận lương và các loại hàng phân phối theo tem phiếu. Mỗi lần tổ chức trại sáng tác mỹ thuật thì họa sĩ Nguyễn Viết Huy và anh em phòng văn nghệ sẽ tự chuẩn bị xong hết rồi xuống Plei Bông rước ông lên... chủ trì trại.
Khi ấy, ông Trịnh Kim Sung, một người rất am hiểu và yêu mến văn hóa Tây Nguyên, người rất cởi mở với văn nghệ, đã thành lập một phòng xuất bản tạp chí riêng để... chứa mấy anh em viết lách về đấy, vừa làm tờ Tạp chí Văn nghệ Gia Lai 3 tháng/số, vừa xuất bản sách cho Ty và tập hợp anh em sáng tác. Và đây chính là tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai (thành lập năm 1988). Thành lập xong thì toàn bộ phòng văn nghệ xuất bản được Tỉnh ủy điều sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Vấn đề là trước đấy, với tư cách phụ trách phòng tạp chí xuất bản, tôi cùng ông Sung phải chuẩn bị nhân sự cho Hội. Có 3 ông hội viên chuyên ngành Trung ương (ngày ấy lực lượng này rất hiếm chứ không dồi dào như giờ) là Xu Man (họa sĩ), Nay Nô (nhà văn) và Y Brơm (múa), tất nhiên là tài sản quý hiếm phải ưu tiên vào danh sách Ban Chấp hành. Ông Xu Man lúc này đã về hưu, về ở làng Bông, được vời lên để... họp. Ông rất vui vì còn được nhớ để mời vào Ban Chấp hành (Tỉnh ủy ra quyết định Ban Chấp hành lâm thời trên cơ sở chuẩn bị của ban vận động thành lập Hội), nhưng băn khoăn khi có ý kiến đề xuất ông làm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh dù trước đấy ông đã 2 khóa liên tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ thuật tạo hình (giờ là Hội Mỹ thuật) Việt Nam. Chủ tịch Hội là ông Sung, đương nhiên rồi. Có 3 người được giới thiệu để bầu lấy 2 làm Phó Chủ tịch. Xu Man bảo giờ ông chỉ ở làng thôi, lên đây thì ở đâu và làm Phó Chủ tịch không chuyên trách thì... không có lương. Nhưng thôi, thì cứ bầu. Và ông trở thành Phó Chủ tịch khóa ấy, chức “quan” to nhất của ông từ ngày hoạt động cách mạng. Và ông làm mà... chả phải làm gì, vì ông vẫn ở làng.
Tôi với tư cách Chánh Văn phòng, thường trực Hội, sau đấy thường tổ chức các cuộc họp tại... nhà ông. Họp Ban Chấp hành thì 2 lần/năm, có lần ông lên có lần không. Nhưng các cuộc tôi tổ chức xuống làng ông thì vui nổ trời. Nói tới tư cách Chánh Văn phòng là nói cho vui, chứ chúng tôi toàn tự tổ chức. Khi thèm rượu, khi có khách nơi khác đến thì chúng tôi lại dắt xuống, nhất là các trại sáng tác mỹ thuật sau này toàn mang xuống làng ông tổ chức.
Mà phương tiện đi lại, ban đầu là xe... đạp. Thời gian sau là xe máy, chứ ô tô chỉ năm thì mười họa. Mỗi lần xuống làng ông là một dịp làng như... hội. Chúng tôi mua thức ăn từ Pleiku, rượu ghè nhà ông hoặc dân làng mang đến. Đầu bếp là... tôi, có sự phụ giúp của vài người. Thêm một số kỷ niệm đáng nhớ: Ông là người đầu tiên chỉ cho tôi biết cây kơ nia là như thế nào và đập hạt kơ nia cho tôi ăn khi 2 chú cháu đạp xe từ Pleiku về làng ông một sáng hè. Ông cũng là người giải thích cho tôi biết tại sao đi trong rừng, cứ khi nào đói hoặc mệt lại có một cây kơ nia hiện ra, như của trời ban cho con người.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.