Xét xử 106 bị cáo trong vụ đánh bạc "khủng" ở Đak Đoa: Nỗi ân hận muộn màng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đứng trước bục khai báo, những con bạc mới cảm nhận được nỗi ân hận, tủi hổ khi vướng vào vòng lao lý. Câu chuyện "cờ bạc là bác thằng bần" chưa bao giờ cũ và cái giá phải trả cho trò chơi đỏ đen là quá đắt.
Trong số 106 bị cáo liên quan đến vụ đánh bạc “khủng” ở thôn 76 (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) bị đưa ra xét xử, không ít người có hoàn cảnh khó khăn, già cả, neo đơn. Bùi Thị Lý (SN 1966, trú tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) là một trong những trường hợp như vậy. Lý là đối tượng mà lực lượng Công an huyện Chư Prông đã quá quen mặt trong những lần triệt phá các tụ điểm đánh bạc. Bị cáo này đã có 3 lần bị Tòa án nhân dân huyện Chư Prông kết án tù về tội “Đánh bạc”; 1 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc. 
Mải mê theo đuổi trò chơi đen đỏ, Lý khiến gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Sinh được 5 người con thì chồng mất nhưng Lý không tập trung nuôi con cái mà thường xuyên lân la vào những tụ điểm cờ bạc. Sau mỗi lần chấp hành xong án phạt tù, Lý lại hứa với con sẽ từ bỏ "máu đỏ đen" để không làm khổ con, khổ cháu.
Không có của để dành, những người con của Lý phải vất vả mưu sinh trong sự mặc cảm về một người mẹ tù tội. Lý biết rõ điều đó và không ít lần dằn lòng mình sẽ dừng lại. Nhưng cờ bạc như một thứ ma mị dẫn lối nên ở cái tuổi đáng ra phải được an nhàn, vui vầy bên con cháu thì Lý lại chuẩn bị bước vào tù lần thứ 4. 
Nhiều bị cáo già cả, neo đơn đã rơi vào vòng lao lý vì đam mê cờ bạc. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Nhiều bị cáo già cả, neo đơn đã rơi vào vòng lao lý vì đam mê cờ bạc. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bị cáo Trần Thị Lệ Thu (SN 1965, trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) từng bị gãy 2 chân, hiện không thể đi lại bình thường nhưng vẫn tham gia đánh bạc khi bị rủ rê. Chồng mất sớm, Thu bán buôn nhỏ lẻ để nuôi 2 con khôn lớn. Nhưng khi hoàn cảnh còn khó khăn, phải thuê mướn nhà ở, Thu lại bị “máu” cờ bạc hại mình. “Tôi giờ già yếu, chân lại bị gãy không làm được việc gì nữa rồi. Hôm ấy, mấy người rủ đi sới bạc chơi rồi cùng thuê xe ô tô đến, thấy nhiều người đặt cược chơi mình cũng đặt theo chỉ có 400 ngàn thì bị bắt. Từ ngày bị bắt rồi ra tòa thế này xấu hổ với con cháu, với người thân họ hàng lắm. Từ nay tôi sẽ không bao giờ dám dính dáng đến cờ bạc nữa”-bị cáo Thu ân hận.
Trong vụ án này, nhiều bị cáo là người ở các địa phương khác cũng quãng đường hàng trăm cây số để thỏa mãn máu mê cờ bạc. Bị cáo Dương Mai (SN 1968, trú tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) vốn đi làm thuê làm mướn để nuôi mẹ già đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mẹ già đau ốm bệnh tật chỉ biết trông cậy vào người con trai lớn nhưng Mai lại sa ngã vào cờ bạc. Năm 2005, Mai từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Đánh bạc”. Ra tù, Mai chăm chỉ làm ăn để phụng dưỡng mẹ già và nuôi con nhỏ. 
Dẫu vậy, khi biết có sới bạc lớn ở Gia Lai, Mai lại “ngựa quen đường cũ” và cùng nhiều người ở địa phương đến chơi khi trong người chỉ có vẻn vẹn 100 ngàn đồng. Với số tiền này, Mai vừa chơi được 2 ván thì “sạch túi” và sau đó bị bắt giữ. Mai giãi bày: “Giờ tôi đi tù thì ở nhà không có ai chăm mẹ và nuôi con. Mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho tôi sửa chữa lỗi lầm của mình. Tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm, không để người thân phải khổ sở vì mình nữa”. 
Với Nguyễn Ngọc Quý (SN 1989, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku), những tháng ngày trong trại tạm giam đi kèm với nỗi ân hận khôn nguôi. Quý chưa từng có tiền án, tiền sự và từng thử sức với nhiều nghề lao động tự do nhưng đều không đảm bảo được thu nhập để nuôi vợ và đứa con sinh năm 2015. Do đó, qua các mối quan hệ, Quý quen biết với Nguyễn Mạnh Hùng (thường gọi là Hùng Sida, SN 1984, trú tại phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và ngỏ ý muốn Hùng tạo điều kiện xin việc. Hùng nói Quý cứ đến sới bạc chơi rồi tùy theo sẽ sắp xếp công việc cho. Sau 2 lần đến chơi, tối 30-3, khi thấy một chiếu bạc không có người xóc đĩa, Quý liền nhảy vào xin xóc thì bị bắt quả tang rồi bị truy tố với vai trò đồng phạm tổ chức đánh bạc.
Đứng trước phiên tòa, Quý đau khổ nhận ra rằng, dù bản thân chưa hề hưởng lợi, chưa nhận được đồng tiền nào từ sới bạc của Hùng nhưng hành vi của bản thân đã phạm vào tội “Tổ chức đánh bạc” với mức án 5-10 năm tù. “Tôi chỉ muốn có công việc nào đó để nuôi vợ con, nào ngờ mới chỉ ngồi xóc đĩa một lần đã phải dính tội nặng thế. Nếu biết như vậy tôi đã không bao giờ đến sới bạc để rồi giờ đi tù bỏ lại vợ con bơ vơ”-Quý buồn bã. 
Kiểm sát viên Trịnh Vũ Thủy-đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện quyền truy tố tại phiên tòa chất vấn: “Tại sao các bị cáo ra tòa lại bắt đầu than nghèo kể khổ, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn…nhưng khi vào sới bạc mang bao nhiêu tiền thì đánh hết bấy nhiêu? Tại sao lúc đi đánh bạc các bị cáo lại không nghĩ đến gia đình, con cháu, người thân mình sẽ ra sao? Nhiều người bỏ bê gia đình để đi đánh bạc thâu đêm suốt sáng rồi tay trắng trở về nhưng bây giờ lại kể chuyện về gia đình...!”  
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.