Xây dựng thương hiệu "Gạo Phú Thiện"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Phú Thiện-trung tâm của vựa lúa Ayun Hạ, đang tập trung xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” nhằm nâng tầm giá trị hạt gạo, khẳng định vị thế của cây trồng chủ lực có năng suất đứng tốp đầu cả nước.

Vựa lúa trên cao nguyên

Phú Thiện là vùng đất có lợi thế lớn về mặt địa lý, tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp lớn nhờ đại công trình thủy lợi Ayun Hạ với năng lực tưới 13.500 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa nước 2 vụ với khoảng 12.000 ha cho cả thung lũng Ayun Pa gồm: huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Trong đó, huyện Phú Thiện là trung tâm của vựa lúa vì được hưởng lợi lớn nhất từ công trình thủy lợi này, cộng với khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ và bằng phẳng. Những năm qua, Phú Thiện ngày càng khẳng định được vị thế số một của tỉnh trong sản xuất cây lúa nước.

 

Áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trồng, thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.P
Áp dụng cơ giới hóa vào các khâu trồng, thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.P

Hiện Phú Thiện có trên 6.500 ha chuyên canh lúa nước 2 vụ. Ruộng lúa nước Phú Thiện đã tạo ra những kỳ tích về năng suất và làm thay đổi cuộc sống của người trồng lúa. “Năng suất trung bình ở đây thường 7 tấn/ha. Còn mức 10-11 tấn/ha/vụ thỉnh thoảng vẫn có. Nhiều bà con người Kinh có khi làm đạt 12 tấn/ha. Toàn xã Ia Sol có 1.200 ha lúa nước 2  vụ, là xã có diện tích lúa lớn nhất vùng. Nhìn khắp xã, có đến vài trăm hộ người Kinh và Jrai có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng lúa...”-ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND xã Ia Sol, đưa ra con số thật ấn tượng và cũng trùng khớp với nhiều xã khác ở Phú Thiện.

“Có thể nói vựa lúa Ayun Hạ đang là vùng đất trồng lúa cho năng suất cao nhất nước (trung bình 7 tấn/ha, có hộ đạt đến 11 tấn/ha/vụ). Nhờ đất đai, nguồn nước và khí hậu ở đây hợp với cây lúa, bà con lại biết áp dụng những quy trình kỹ thuật phù hợp để tăng năng suất nên tổng sản lượng lúa của các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa mỗi vụ đạt trên 80.000 tấn. Hạt lúa Ayun Hạ không chỉ đảm bảo về an ninh lương thực cho các địa phương mà còn cung cấp cho các Tổng kho dự trữ quốc gia. Hàng năm, ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực của địa phương, huyện còn xuất khoảng hơn 30.000 tấn lúa thương phẩm ra bên ngoài, đem lại nguồn lợi lớn cho địa phương”-Kỹ sư nông nghiệp Thái Doãn Cần-Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm Giống cây trồng Ayun Hạ, nhìn nhận.

Nâng tầm hạt gạo Phú Thiện

Lúa là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện Phú Thiện, tuy nhiên giá trị thương mại của hạt gạo nơi đây vẫn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, những năm gần đây, huyện Phú Thiện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao vị thế và giá trị hạt gạo, tiến tới hình thành thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Một trong những giải pháp then chốt góp phần tạo dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” trong những năm qua được huyện triển khai khá mạnh là việc lựa chọn đưa vào sản xuất các giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và thị hiếu của thị trường. Đồng thời, gắn với quy trình sản xuất 3 giảm, 3 tăng (ICM) để hạt gạo không bị tàn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: Hiện nay, huyện đã xây dựng được một số giống lúa chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao như: giống lúa OM4900, LH12, nếp… Trong đó, giống LH12 cho hạt gạo nhỏ dài, trong, không bị gãy, tỷ lệ gạo đạt trên 70%, cơm có độ dai, mềm;  giống OM4900 thì cho cơm thơm mềm và dẻo, rất được thị trường ưa chuộng. “Hiện huyện đang đẩy mạnh đưa các giống lúa trên vào sản xuất thông qua việc triển khai cánh đồng lớn một giống, tạo nên những vùng chuyên canh lớn. Cụ thể, vụ mùa 2017, huyện đã triển khai 18 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 700 ha”-ông Thành nói.

Bên cạnh đó, để hình thành và xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” thì không thể thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, do đó, huyện đang xúc tiến việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, đặc biệt là trong khâu chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, huyện cũng tập trung củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, từng bước đưa các hợp tác xã này hoạt động theo mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hướng đến xây dựng được chuỗi giá trị.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Phú Thiện xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020 phải xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây lúa. Để làm được điều đó thì chính quyền các xã, các hợp tác xã cần đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lúa lớn một giống với sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học…”.

Theo ông Bùi Trọng Thành, để đảm bảo chất lượng hạt gạo thì phải đảm bảo từ khâu sản xuất đến khâu chế biến sau thu hoạch. Do đó, ngoài việc áp dụng quy trình sản xuất 3 giảm, 3 tăng (ICM) nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng gạo thì các công đoạn sau thu hoạch như: phơi, sấy, bảo quản, xay xát phải được đảm bảo theo quy trình nghiêm ngặt để từng bước hình thành thương hiệu gạo của địa phương. Hiện huyện đã thu hút được một doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo tại xã Ia Ake. Huyện đang hỗ trợ tối đa các điều kiện cần thiết để đẩy nhanh các thủ tục cần thiết giúp doanh nghiệp triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hành trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” cũng gặp không ít khó khăn, thách thức mà ngành chức năng huyện Phú Thiện đang phải đối mặt. Trong đó, khó khăn lớn nhất theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Nguyễn Anh Tuấn là việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo của địa phương. “Dù đã nhiều năm liền triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn một giống với khoảng 700 ha/vụ nhưng đến nay, huyện vẫn chưa tìm được doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào đứng ra ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho người dân. Cùng với đó, do diện tích sản xuất khá lớn nên việc cung ứng nguồn lúa giống chất lượng cho người dân còn gặp nhiều  khó khăn. Trên địa bàn có Trạm Thực nghiệm Giống cây trồng Ayun Hạ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh nhưng đơn vị này chưa đủ năng lực sản xuất lúa giống cung cấp cho nông dân, dẫn đến việc một số  người dân gieo sạ giống lúa không đảm bảo đã gây cản trở phần nào trong quá trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện…”-ông Tuấn cho biết thêm.

Quang Tấn-Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.