WHO và UNICEF cảnh báo về tiếp thị sữa công thức cho trẻ sơ sinh ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những thông tin gây hiểu lầm về sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang làm suy yếu những nỗ lực thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ.
Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 2023 thúc đẩy hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Ảnh: UNICEF

Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 2023 thúc đẩy hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Ảnh: UNICEF

Sáng 7.8, tọa đàm hưởng ứng Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 2023 diễn ra tại Hà Nội.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết: “Việc tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam, cũng như ở các quốc gia khác, lợi dụng sự thiếu hỗ trợ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ để giới thiệu sữa công thức như một giải pháp cho các bà mẹ đi làm. Giải pháp là chấm dứt các chiến thuật tiếp thị gây hiểu lầm của ngành công nghiệp này. Đồng thời, ở nơi làm việc, những người mong muốn và có thể cho con bú cần được hỗ trợ”.

Mới đây, báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam đưa ra các thông tin thiếu căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ.

Sữa công thức thường được giới thiệu như một giải pháp thuận tiện cho những bà mẹ phải đi làm. Tuy nhiên, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhấn mạnh rằng phụ nữ không cần phải lựa chọn giữa việc nuôi con bằng sữa mẹ và công việc của họ.

Vì vậy, chủ đề của Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2023 là “Tăng cường hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”.

Bà Rana Flowers phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Trang
Bà Rana Flowers phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Trang

Nói về lợi ích của sữa mẹ, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: “Nuôi con bằng sữa mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đe dọa đến tính mạng, hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh ở trẻ, ngăn ngừa bệnh mãn tính ở trẻ nhỏ và mẹ. Tất cả những điều đó giúp làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe".

Sữa mẹ được tạo ra trong những tháng cuối của thời kỳ mang thai và được tiết ra sớm ngay sau khi sinh. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.

Nuôi con bằng sữa mẹ là việc cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời. Trong thời gian đó, mẹ không cần bổ sung thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác, kể cả việc uống nước.

Từ 6 tháng tuổi trở đi, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, tình trạng sức khỏe của trẻ mà mẹ có thể tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi rồi tiến hành cai sữa.

Bên cạnh đó, tiếp thị sai lệch về sữa công thức vi phạm Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ Việt Nam về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo dựa trên luật quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ của WHO.

Trong những năm vừa qua, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp bảo vệ chống lại việc tiếp thị không phù hợp các sản phẩm thay thế sữa mẹ. WHO và UNICEF kêu gọi Việt Nam chỉnh sửa và hoàn thiện Luật Quảng cáo vào năm 2024 để hỗ trợ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, bảo vệ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và bà mẹ.

Tại toạ đàm trong khuôn khổ sự kiện phát sóng trực tiếp trên Facebook của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Tiến sĩ Juliawati Untoro - chuyên gia về dinh dưỡng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - đã chia sẻ về những phát hiện chính trong báo cáo toàn cầu năm 2022 của WHO và UNICEF nghiên cứu về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 2 tuổi.

Bà thông tin về các chiến thuật, cách tiếp thị của các công ty sữa công thức và ảnh hưởng của những cách tiếp thị đó với quyết định nuôi con bằng sữa mẹ của các bà mẹ.

Tiến sĩ Juliawati Untoro chỉ ra, các công ty sữa công thức sử dụng vô số kênh, bao gồm Internet marketing, để tối đa hoá khả năng tiếp cận phụ nữ.

Theo báo cáo, đa số người Việt Nam được hỏi, tới 92%, cho biết đã nhìn thấy hoạt động tiếp thị sữa công thức trong năm trước đó. Các kênh tiếp thị sữa công thức phổ biến nhất là TV (86%), YouTube (35%), mạng xã hội…

Những thông điệp để tiếp thị sản phẩm của các công ty sữa công thức rất mạnh mẽ, sáng tạo dẫn tới dễ gây hiểu lầm và không đủ căn cứ khoa học, đại diện WHO lưu ý.

Trưởng nhóm dinh dưỡng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh, các công ty sữa công thức cũng sử dụng rất nhiều kênh khác nhau để tiếp cận các cán bộ y tế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các công ty sữa công thức tiếp cận cán bộ y tế "một cách rất có hệ thống". Thậm chí, các công ty sữa công thức còn "tiếp xúc với các chuyên gia y tế qua các bữa trưa hàng ngày".

Theo Tiến sĩ Juliawati Untoro, các công ty sữa công thức đã sử dụng những thông điệp rất mạnh mẽ và thường xuyên khiến cho các chuyên gia y tế thay đổi nhận thức của họ về sữa công thức. “Và rõ ràng, chính những hoạt động hoặc thông điệp marketing (của các công ty sữa công thức - PV), chứ không phải các sản phẩm, đã ảnh hưởng rất nhiều tới nhận thức của chuyên gia y tế” - bà nhấn mạnh.

Do đó, bà kêu gọi các bên liên quan chung tay để hỗ trợ, giúp đỡ những người mẹ, những người phụ nữ tránh khỏi “những mối đe dọa” từ các công ty sữa công thức.

Có thể bạn quan tâm

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

Nội soi tiêu hóa phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa, điều trị hiệu quả

(GLO)- Với máy móc hiện đại, bác sĩ nhiều kinh nghiệm, đội ngũ y tế ân cần, chuyên nghiệp nên nhiều người dân đã lựa chọn nội soi dạ dày-nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa SYSMED Phù Đổng (02A Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) giúp tầm soát sớm các bệnh lý tiêu hóa và điều trị hiệu quả.

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

Gia Lai: Tập huấn Chương trình phong năm 2024

(GLO)- Trong 2 ngày 14 và 15-11, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn Chương trình phong năm 2024 cho 56 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác phòng- chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh.