Vùng biên Gia Lai khởi sắc nhờ cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, bà con nông dân các huyện biên giới của tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hướng đi này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nơi phên giậu của Tổ quốc.

Tăng thu nhập nhờ cây ăn quả

Tại huyện biên giới Ia Grai, những năm gần đây, người dân đã mở rộng diện tích cây ăn quả, riêng diện tích sầu riêng và chôm chôm đã lên đến hàng trăm héc ta. Nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập khá cao. Có nguồn thu hơn 700 triệu đồng/năm từ vườn cây ăn quả, ông Huỳnh Tấn Phát (làng De Lung 1, xã Ia Tô) cho biết: “Trước đây, tôi trồng cà phê, cao su và hồ tiêu trên diện tích 4 ha. Cây cà phê già cỗi nên năng suất thấp, hồ tiêu bị dịch bệnh, còn cao su thì giá cả bấp bênh đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Do vậy, tôi quyết định chuyển sang trồng sầu riêng, chôm chôm, na Thái và tái canh 1.000 cây cà phê. Không chỉ thay đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, tôi còn áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Nhờ đó, chất lượng trái cây tốt, thương lái vào tận vườn mua với giá cao. Với giá bán như hiện nay, 1 ha cây ăn quả mang lại thu nhập gấp mấy lần so với cây cà phê, hồ tiêu, cao su. Tuy nhiên, muốn có đầu ra tốt hơn, về lâu dài phải kết nối được với các doanh nghiệp hoặc đại lý lớn để tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều hộ dân trong xã”.

Ông Huỳnh Tấn Phát (làng De Lung 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) bên vườn sầu riêng trĩu quả. Ảnh: Quang Tấn
Ông Huỳnh Tấn Phát (làng De Lung 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) bên vườn sầu riêng trĩu quả. Ảnh: Quang Tấn


Nhiều hộ dân tại xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích mì, điều, cà phê, cao su sang trồng cây ăn quả. Nhờ sự chuyển hướng này, nhiều hộ đã nâng cao thu nhập. Gia đình chị Phạm Thị Mừng Đặng (làng Bỉh) là một điển hình khi chuyển đổi 5 ha đất sang trồng cây ăn quả. Trước đây, chị Mừng cũng như các hộ khác trong làng quanh năm chỉ biết đến cây mì, điều và cà phê. Ban đầu, các loại cây này cũng mang đến cho gia đình chị cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, theo thời gian, vườn cà phê và điều già cỗi, năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh khiến gia đình chị gặp không ít khó khăn. Năm 2016, chị quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả. Chị Mừng cho hay: “Đầu tiên, tôi trồng 500 cây mít. Những năm tiếp theo, tôi trồng thêm 500 cây bưởi, 800 cây chôm chôm, 300 cây ổi và 600 cây dừa xiêm lùn. Do thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, tôi sử dụng phân vi sinh, hữu cơ để có trái cây sạch bán ra thị trường với giá cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình lãi 350-400 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng mì, điều và cà phê”.

Theo ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương khá phù hợp với cây ăn quả có múi như: sầu riêng, bưởi, mít… Đây là những cây trồng đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Thời gian tới, xã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích mì, điều kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.   

Hình thành vùng chuyên canh bền vững

Bà Hoàng Thị Ngát-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Cây ăn quả đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Toàn huyện hiện đã phát triển được khoảng 2.800 ha cây ăn quả với các loại như: chanh dây, sầu riêng, bơ, mít, bưởi, ổi… Trong đó, nhiều loại cây được trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu nhưng đã mang lại thu nhập cao hơn cây trồng chính. Đây là tín hiệu tích cực để huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, huyện đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích cao su, hồ tiêu, mì… kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung. Trong đó, các loại cây như bơ, sầu riêng, chanh dây, mít định hướng phát triển tại vùng đất đỏ bazan; còn các loại cây như bưởi, cam, xoài, thanh long, chuối… tập trung phát triển tại vùng đất cát để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cũng như liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân để sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Vườn cây ăn quả với diện tích 5 ha của gia đình chị Phạm Thị Mừng Đặng cho thu nhập cao mỗi năm
Vườn cây ăn quả với diện tích 5 ha của gia đình chị Phạm Thị Mừng Đặng cho thu nhập cao mỗi năm. Ảnh: Phạm Ngọc
Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác. Theo kế hoạch, huyện phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cây ăn quả lên khoảng 5.600 ha và đến năm 2030 đạt hơn 10 ngàn ha. Trước mắt, huyện xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung tại các xã: Ia Pếch, Ia Tô, Ia Krai để sản xuất ra sản phẩm trái cây đồng nhất về chất lượng, có sản lượng đủ lớn nhằm xây dựng thương hiệu.

Còn ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai thì khẳng định: Cây ăn quả đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện. Mỗi héc ta cây ăn quả nếu được canh tác tốt có thể mang lại lợi nhuận gấp 5-7 lần so với cà phê, cao su, điều. Khí hậu, thổ nhưỡng ở Ia Grai rất thích hợp để phát triển các loại cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, bơ, chanh dây… Chính vì hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các cây trồng khác nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tăng mạnh. Đến nay, huyện đã phát triển được hơn 2.500 ha cây ăn quả các loại.

“Những năm tới, huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để người dân đẩy mạnh phát triển diện tích cây ăn quả theo hướng hình thành các vùng chuyên canh gắn với tiêu thụ, chế biến. Trong đó, huyện tập trung chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả cũng như khuyến khích người dân xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung vận động người dân thành lập các nông hội, tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư nhà máy chế biến tại địa bàn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho hay.

 

 QUANG TẤN - NGỌC SANG

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.