Nông dân Đak Pơ thu nhập cao nhờ chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái mà nhiều nông dân huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã có nguồn thu nhập cao.

Những năm qua, xã Cư An đã tiến hành khảo sát những diện tích lúa ở các cánh đồng thường xuyên bị hạn để chuyển sang trồng các loại cây khác. Theo đó, người dân đã chuyển đổi 4,2 ha đất lúa 1 vụ ở khu vực Tà Ly 1, Đá Mài, Hố Lội, Bàng Cúng sang trồng ớt, bí, rau màu. Đồng thời, bà con cũng chủ động chuyển đổi gần 15 ha rau màu, mía, mì sang trồng cây ăn quả. Việc chuyển đổi này giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập cao.

Ông Nguyễn Tấn Cuộc (thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ) bên vườn bưởi hứa hẹn cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Nguyễn Tấn Cuộc (thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ) bên vườn bưởi da xanh quả trĩu cành. Ảnh: Ngọc Minh

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi xanh mướt, quả trĩu cành, ông Nguyễn Tấn Cuộc (thôn An Định, xã Cư An) cho biết: Trước đây, gia đình có hơn 2 ha mía và rau màu. Sau khi tham quan một số mô hình kinh tế, năm 2018, ông chuyển 3 sào rau màu sang trồng bưởi da xanh. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cây cho thu hoạch gần 7 tấn quả/năm; giá bán 30 ngàn đồng/kg, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/năm. “Năm 2020, tôi tiếp tục chuyển đổi 4 sào mía để trồng bưởi. Cuối năm nay, vườn bưởi sẽ cho thu hoạch”-ông Cuộc phấn khởi nói.

Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Nhoắc (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) có 2 ha đất chuyên trồng mì. Năm 2015, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu do xã tổ chức, anh chuyển đổi 1 ha đất gần suối sang trồng các loại rau ngắn ngày như: dưa leo, khổ qua, đậu cô ve, ớt. Đồng thời, anh lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt nhằm giảm chi phí công lao động. Hàng năm, anh thực hiện luân canh gối vụ các loại cây trồng khác nhau, mang lại thu nhập cho gia đình 100-120 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Từ khi chuyển đổi một phần diện tích sang trồng rau màu, thu nhập ổn định, có tiền mua xe, xây nhà, lo cho các con học hành. Không chỉ gia đình tôi, trong làng có 60 hộ đã chuyển đổi, luân canh đa dạng cây trồng. Nhờ đó, đời sống bà con được nâng lên”-anh Nhoắc chia sẻ.

Theo ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc, việc chuyển đổi, luân canh cây trồng được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm. Xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn, ngành chức năng mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho bà con nông dân. Năm 2021, người dân ở các làng: Klăh Môn, Jro Ktu Đak Yang, Jun, Jro Dơng và Kruối Chai đã chuyển đổi 16 ha mía sang trồng rau màu. Qua đánh giá, rau màu mang lại thu nhập ổn định và cao hơn so với cây mía, cây lúa. “Thời gian qua, UBND xã cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền người dân chủ động, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng địa phương để tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao”-ông Hvư nhấn mạnh.

 Anh Đinh Văn Nhoắc (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) chăm sóc vườn dưa leo. Ảnh: Ngọc Minh
Anh Đinh Văn Nhoắc (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) chăm sóc vườn dưa leo. Ảnh: Ngọc Minh


Song song với duy trì vùng chuyên canh cây rau màu, huyện Đak Pơ từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả với hơn 440 ha, tập trung ở xã: Cư An, Tân An, Phú An, An Thành và thị trấn Đak Pơ. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, tạo ra nguồn nông sản phong phú, nâng cao thu nhập bình quân 10-20 triệu đồng/ha/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Đak Pơ sẽ chuyển đổi 96 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước sang trồng các loại rau màu.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Thời gian tới, Phòng phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm canh tác theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường để tăng hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, mở lớp tập huấn kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng VietGAP, đặc biệt là áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước, bón phân hợp lý, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, Phòng tham mưu giúp UBND huyện đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương vào sản xuất để phát triển bền vững”.

 

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.