Vun đắp tình yêu quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xây dựng tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới là nội dung quan trọng đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai. Hiện nay, công đoạn dạy thử nghiệm tại một số đơn vị trường học đã hoàn tất. Bước đầu, bộ tài liệu được đánh giá là gần gũi, dễ tiếp thu, góp phần vun đắp tình yêu quê hương cho học sinh.
Hiệu ứng tích cực
Dạy thực nghiệm là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá mức độ đáp ứng quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh trong thực tiễn. Đa số giáo viên và cán bộ quản lý các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của chương trình giáo dục địa phương. Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã triển khai dạy thực nghiệm chương trình giáo dục địa phương một cách nghiêm túc và hiệu quả. Thầy Trần Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Sau khi các giáo viên trong tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ nội dung tài liệu của chương trình giáo dục địa phương, chúng tôi phân công 4 giáo viên xây dựng kế hoạch bài giảng và triển khai dạy thực nghiệm trong 7 tiết học. Từ đó, nhà trường có những đánh giá khách quan về bộ tài liệu.
Một tiết dạy thực nghiệm ở Trường THCS Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Kim Vân
Một tiết dạy thực nghiệm ở Trường THCS Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Kim Vân
Cô Đào Thị Phương Mai-giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái-chia sẻ: “Nội dung bài học giúp học sinh tiếp cận được các nghề ở địa phương để định hướng nghề nghiệp sau này. Trong tiết học, tôi đã lồng ghép giáo dục học sinh về định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như giáo dục truyền thống, niềm tự hào quê hương cho các em”. Tiết học này cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các em học sinh tham gia. “Trong giờ học, cùng với tiếp thu những kiến thức được cô giáo truyền đạt một cách gần gũi, dễ hiểu, chúng em còn tham gia hoạt động trải nghiệm, được phát huy khả năng tự học của mình, sưu tầm và trình bày kết quả thảo luận nhóm về nghề nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau”-em Trần Thị Tú Viên (học sinh lớp 9/10) bày tỏ.
Là một trong những giáo viên tham gia dạy thực nghiệm, cô Lê Thị Thu Bằng-giáo viên bộ môn Địa lý và Lịch sử (Trường THCS Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đánh giá: Ưu điểm của bộ tài liệu giáo dục địa phương là sự gần gũi, cụ thể và phân tích các nội dung rõ ràng hơn, giúp học sinh hiểu sâu về các vấn đề ở địa phương mình để có thể vận dụng vào kiến thức bài học. Giáo viên thì được phát huy sự sáng tạo, linh hoạt. Sau tiết dạy, Ban Giám hiệu và tổ chuyên môn cũng như các tác giả tham gia biên soạn bộ tài liệu đã nhận xét, đánh giá những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại về nội dung tài liệu, sách giáo khoa, phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học của giáo viên, học sinh.
Phát huy lợi thế địa phương
Tài liệu giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… trên địa bàn tỉnh. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, tinh thần và kinh tế-xã hội của tỉnh. Theo đó, nội dung bộ tài liệu gồm có 3 nhóm vấn đề của địa phương gồm: nhóm các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống; nhóm các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và nhóm các vấn đề về chính trị-xã hội, môi trường. Ở bậc tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và các môn học khác; ở bậc THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.
Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương ở 3 bậc học. Riêng năm 2020, tập trung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2 và bậc THCS. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, đối với bậc tiểu học, ngành đã tiến hành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và kế hoạch của UBND tỉnh. Hiện nay, ngành đã hoàn thành việc biên soạn, dạy thử nghiệm, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và chỉnh sửa, biên tập, thẩm định. Đồng thời, tiếp tục tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 từ cuối tháng 9-2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2022.
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trần Dung
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về nhiều lĩnh vực trên địa bàn. Ảnh: Trần Dung
Đối với bậc THCS, Gia Lai được Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 hỗ trợ biên soạn và sẽ hoàn thành tiến độ trong năm 2021. Bộ tài liệu này hiện đã được biên soạn, tiến hành dạy thực nghiệm tại 7 trường ở 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ở bậc THPT, tỉnh đã khởi động biên soạn tài liệu ở lớp 10, biên soạn các bài mẫu và tiến hành dạy thực nghiệm trong thời gian tới.
Việc dạy thực nghiệm giúp giáo viên cũng như người dự giờ tiết học có những góp ý sát thực, giúp các tác giả thấy được những vấn đề còn hạn chế, chưa phù hợp trong tài liệu để chỉnh sửa, bổ sung. Tuy nhiên, chương trình dạy thực nghiệm diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lượng học sinh tham gia các lớp học còn ít, chưa thể thực hiện trên nhiều địa bàn. Vì vậy, việc đánh giá sự phù hợp của tài liệu với các đối tượng học sinh khác nhau còn hạn chế.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.