Vụ mía 2021-2022: Nhiều tín hiệu vui

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bước vào vụ thu hoạch mía 2021-2022, các nhà máy đường đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã công bố giá thu mua nguyên liệu cao hơn vụ trước 100-170 ngàn đồng/tấn. Giá mía tăng giúp người dân khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh nâng cao thu nhập và yên tâm đầu tư trong những vụ tới.

Mùa mía ngọt

Niên vụ ép 2021-2022, khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh có hơn 33.500 ha mía nguyên liệu. Để người dân tiếp tục gắn bó với cây mía, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã công bố giá thu mua tại nhà máy 1,16-1,22 triệu đồng/tấn mía tươi sạch 10 chữ đường, tăng hơn niên vụ trước 170 ngàn đồng/tấn và cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Bà Vũ Thị Lan-Giám đốc TTC Gia Lai-giải thích: “Giá mía nguyên liệu năm nay tăng cao là do giá đường thế giới tăng, thêm vào đó, Nhà nước có chính sách áp thuế đầu vào đối với đường nhập khẩu nên thị trường đường trong nước có sự chuyển biến tích cực”.

 Người dân xã Tân An (huyện Đak Pơ) thu hoạch mía. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân xã Tân An (huyện Đak Pơ) thu hoạch mía. Ảnh: Ngọc Minh


Ngày 15-12, Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào niên vụ ép 2021-2022 và đưa ra giá thu mua tại ruộng là 1,05 triệu đồng/tấn mía thuần 10 chữ đường, cao hơn năm ngoái 100 ngàn đồng/tấn. “Ngoài ra, Nhà máy còn hỗ trợ người dân và hộ kinh doanh mía chi phí vận chuyển 140 ngàn đồng/tấn. Với giá thu mua mía hiện nay, người dân có lãi chẳng kém những năm 2015, 2016”-ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho hay.

Những năm qua, hơn 220 hộ dân thôn Tân Hòa (xã Tân An, huyện Đak Pơ) được địa phương tạo điều kiện để dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mía rộng 50 ha. Cùng với đó, Nhà máy Đường An Khê đầu tư giống, phân bón nên bà con yên tâm sản xuất, năng suất mía luôn đạt mức 70-90 tấn/ha. Với giá thu mua như năm nay, người dân lãi 50-60 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. “Nhờ cây mía mà nhiều hộ dân có của ăn, của để, xây nhà, mua sắm xe máy, tủ lạnh, ti vi, đời sống ngày càng phát triển. Thôn chỉ còn hơn 10 hộ nghèo và cận nghèo”-ông Nguyễn Sách-Trưởng thôn Tân Hòa-phấn khởi nói.

Huyện Ia Pa có diện tích mía lớn nhất khu vực Đông Nam tỉnh với hơn 4.200 ha. Đánh giá về vai trò của cây mía trong phát triển kinh tế địa phương, ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Mía là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Từ khi TTC Gia Lai đầu tư đưa các giống mía mới, áp dụng cơ giới từ khâu trồng, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch… năng suất đạt 70-80 tấn/ha đã giúp nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. “Năm nay, TTC Gia Lai tăng giá thu mua mía là tín hiệu rất đáng mừng, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, việc thu hoạch mía đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và người dân trở về từ vùng dịch”-ông Tuấn nói.

Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Huyện Kbang có 8 cánh đồng mía lớn với tổng diện tích 338,65 ha. Cũng nhờ chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, từ năm 2018 đến nay, diện tích mía trên địa bàn huyện đạt khoảng 9.520 ha. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Mía là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Nhà máy Đường An Khê, người dân chủ động đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía, góp phần tăng thu nhập”.

Cơ giới hóa được đưa vào sản xuất đã giúp người trồng mía huyện Ia Pa giải bài toán nan giải về nhân công, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.Ảnh.Vũ Chi. Ảnh: Vũ Chi
Từ khi TTC Gia Lai đầu tư đưa các giống mía mới, áp dụng cơ giới từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… năng suất đạt 70-80 tấn/ha đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Ia Pa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Vũ Chi


Theo bà Vũ Thị Lan, song song với chính sách ưu đãi về vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cải tạo, thâm canh, thu mua mía nguyên liệu, kể từ niên vụ 2021-2022, Công ty sẽ triển khai chính sách bảo hiểm giá thu mua 3 vụ liên tiếp cho người dân ở mức 850.000 đồng/tấn. “Theo đó, nếu giá mía trên thị trường tăng thì Công ty thu mua với giá tương ứng. Nếu giá mía giảm, chúng tôi vẫn thu mua với mức giá bảo hiểm đã công bố. Hy vọng chính sách này sẽ góp phần tạo niềm tin, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích canh tác, tạo vùng nguyên liệu bền vững”-bà Lan chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Hoàng Phước thì cho hay: Năm 2021, Nhà máy tiếp tục triển khai chính sách đầu tư giống, phân bón, cơ giới hóa; hỗ trợ kinh phí 10-20% và bã bùn cho người dân tham gia sản xuất ở cánh đồng mía lớn 5-15 ha. “Hiện vùng mía nguyên liệu của Nhà máy tập trung ở các huyện, thị xã phía Đông tỉnh với hơn 22.000 ha. Những năm tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích khoảng 30.000 ha nhằm đảm bảo sản lượng đạt 2,5 triệu tấn mía nguyên liệu/vụ thì mới đáp ứng công suất ép tối ưu của Nhà máy là 18.000 tấn mía cây/ngày. Để người dân yên tâm gắn bó với cây mía, Nhà máy đã thông báo giá mua mía bảo hiểm trong 3 vụ ép tới từ năm 2022-2023 đến 2024-2025 là 900 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường”-ông Phước thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm qua, giá mía xuống thấp do tác động của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga) cùng nhiều yếu tố dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn. Năm nay, giá thu mua mía nguyên liệu tăng nên người dân thu nhập cao hơn những năm trước. “Để cây mía phát triển bền vững, duy trì vùng nguyên liệu ổn định, các nhà máy cần tập trung đưa những giống mía năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo chiều sâu. Cùng với đó, xây dựng cơ cấu giống phù hợp từng vùng, tránh bị thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời củng cố mối liên kết giữa nhà máy với nông dân thông qua các hợp tác xã, đảm bảo 2 bên cùng hưởng lợi”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu giải pháp.

 

 NGỌC MINH - VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.