Vụ mía 2019-2020: Khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai trước nguy cơ thất thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vụ 2019-2020, khu vực phía Đông tỉnh có 23.622 ha mía, trong đó, huyện Đak Pơ có 5.370 ha, Kbang 9.845 ha, Kông Chro 6.162 ha và thị xã An Khê 2.245 ha. Từ đầu năm đến nay, khu vực này bị nắng hạn kéo dài, cộng với sâu bệnh hoành hành khiến hàng ngàn héc ta mía chậm phát triển, năng suất chắc chắn giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.
Thiệt hại nặng nề
Niên vụ này, gia đình ông Đinh Văn Đinh (làng Húp, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) có 2,2 ha mía năm thứ 2. Do nắng hạn kéo dài nên từ đầu vụ đến nay, ông Đinh mới bón phân cho mía được 1 lần. “Chuẩn bị đến kỳ thu hoạch rồi mà cây mía mới cao tới nách mình. Vụ trước, gia đình mình thu được hơn 100 tấn mía nhưng vụ này chắc chỉ khoảng 60 tấn. Nếu tính giá 800 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường như năm ngoái thì gia đình thiệt hại 32 triệu đồng”-ông Đinh ngao ngán nói. 
 Đến kỳ thu hoạch mà ruộng mía của gia đình ông Đinh Văn Đinh (làng Húp, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) mới cao tới nách. Ảnh: Ngọc Minh
Đến kỳ thu hoạch mà ruộng mía của gia đình ông Đinh Văn Đinh (làng Húp, xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai) mới cao tới nách. Ảnh: Ngọc Minh
Tương tự, niên vụ 2019-2020, gia đình ông Nguyễn Hoài Lộc (làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trồng 2,1 ha mía. Nắng hạn đã làm 1,8 ha mía bị héo khô, không thể cứu vãn, 3 sào mía còn lại cũng phát triển rất chậm. Ông Lộc cho hay: “Bình thường, chỉ 2 tháng nữa là thu hoạch mía. Vậy mà giờ này, bụi mía chỉ như bụi sả. 3 sào mía còn sống thì sản lượng giảm 70% so với vụ trước. Năm nay, gia đình tôi coi như mất trắng”.
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Do ảnh hưởng của nắng hạn, toàn huyện có khoảng 6.000 ha mía bị giảm sản lượng 30-70% so với vụ trước. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài còn tạo điều kiện cho xén tóc bùng phát gây hại hơn 500 ha mía. Ngành Nông nghiệp đang tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh”.
Tại Đak Pơ, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 1.895 ha mía bị thiệt hại. Trong đó, 27,3 ha thiệt hại hoàn toàn; hơn 1.851 ha thiệt hại 30-70%... Ước tính, giá trị mía thiệt hại là hơn 24,6 tỷ đồng.
Tăng cường giải pháp hạn chế thiệt hại
Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn các huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã có mưa, cây mía bắt đầu hồi phục. Nhiều hộ dân tranh thủ bón phân để cây mía sinh trưởng, phát triển. Ông Cao Thanh Hổ (thôn Tân Hội, xã Tân An, huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,5 ha mía tham gia cánh đồng lớn với 23 hộ trong thôn. Do nắng hạn hồi đầu vụ nên tôi chỉ bón phân được 1 lần. Mới đây, khi có mưa, tôi bón tiếp đợt 2. Mong rằng từ nay đến lúc thu hoạch, cây mía sẽ sinh trưởng tốt, vớt vát lại phần nào”.
 Ruộng mía của gia đình ông Cao Thanh Hổ (xã Tân An, huyện Đak Pơ) kém phát triển do nắng hạn kéo dài. Ảnh: N.M
Ruộng mía của gia đình ông Cao Thanh Hổ (xã Tân An, huyện Đak Pơ) kém phát triển do nắng hạn kéo dài. Ảnh: N.M
Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, sau khi có mưa, người dân tập trung ra đồng bón phân giúp cây mía có nguồn dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, việc bón phân chỉ thực hiện ở những diện tích cánh đồng mía lớn được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ đầu tư. “Chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc để cây mía vươn lóng, tích đường; thường xuyên thăm nom đồng ruộng, nắm bắt tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ, hạn chế thiệt hại. Huyện cũng có chủ trương chuyển đổi một số diện tích mía sang trồng cây ăn quả và cây khác”-ông Hiệp cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-thông tin: Ngay từ đầu vụ, Nhà máy đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người trồng mía với chi phí đầu tư ban đầu không tính lãi suất; chuyển giao các giống mới nhằm tăng năng suất; hỗ trợ 20 ngàn đồng/tấn mía giống cho hộ dân; tiếp tục đầu tư và phát triển cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, giảm chi phí. Cũng theo ông Phước, trước tình hình cây mía phát triển chậm do nắng hạn, Nhà máy dự kiến bắt đầu thu mua mía nguyên liệu vào cuối tháng 12, muộn hơn so với niên vụ ép 2018-2019 gần 1 tháng. Bên cạnh đó, giá thu mua sẽ khả quan hơn bởi một số vùng mía trên cả nước cũng đều giảm sản lượng do nắng hạn.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.