(GLO)- Với quyết tâm không để xảy ra tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải, ngay từ đầu vụ thu hoạch mía 2016-2017, Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với các nhà máy đường tại thị xã Ayun Pa và An Khê tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông đến chủ xe, tài xế trên địa bàn. Đồng thời, Sở phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung giải quyết những vấn đề bất cập trong quá trình vận chuyển nguyên liệu mía.
Tập Trung Tuyên Truyền
Ảnh: K.N.B |
Tại hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về kiểm soát trọng tải và chính sách vận chuyển do Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa tổ chức, tài xế Trương Tùng Anh (22 Nguyễn Huệ, thị xã Ayun Pa) cho biết: “Dù nhiều lần dự họp với Nhà máy Đường Ayun Pa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công) nhưng đây là lần đầu tiên trực tiếp nghe lực lượng Thanh tra Giao thông tuyên truyền về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là vấn đề liên quan đến xe chở quá khổ, quá tải, các mức xử phạt... Tôi thấy mình cần có ý thức hơn nữa trong việc chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông”. Hầu hết các chủ phương tiện và tài xế đều cho rằng những thông tin hội nghị đưa ra rất cần thiết. Hội nghị cũng chính là cơ hội để người dân gặp gỡ, trao đổi những thắc mắc, kiến nghị đến nhà máy, cơ quan chức năng.
Theo ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải, khác với những năm trước, vấn đề kiểm soát tải trọng xe năm nay được đặc biệt chú trọng, tập trung vào công tác tuyên truyền. Thay vì chỉ gửi văn bản cho các nhà máy thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn về việc thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tải trọng xe, năm nay, lực lượng Thanh tra đến tận nơi để tuyên truyền. Cụ thể, từ đầu tháng 11 đến nay, Thanh tra Sở đã thực hiện được 2 đợt tuyên truyền tại Nhà máy Đường An Khê và Nhà máy Đường Ayun Pa thuộc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công (thị xã Ayun Pa). Song song đó, Sở cũng đã in ấn cấp phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền các điểm mới Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều nội dung, quy định khác; gửi các văn bản đến 500 doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn...
Ông Đoàn Đức Mạnh-Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải: “Với mục đích ngày càng nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, tiến đến chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền theo chuyên đề và tuyên truyền trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền tại các nhà máy, doanh nghiệp vận tải có số lượng phương tiện vận tải hàng hóa nhiều…”. |
Giải quyết những bất cập
Bên cạnh việc tuyên truyền sâu sát đến chủ phương tiện, tài xế thì việc giải quyết các vấn đề bất cập liên quan cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm giảm thiểu tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải. Tài xế Trương Tùng Anh cho biết: “Giá cước thấp khiến anh em tài xế khó khăn. Năm nay, Nhà máy Đường Ayun Pa đã tăng giá cước lên 30% so với năm ngoái nhưng so với một số nhà máy khác giá cước vẫn thấp hơn vài chục ngàn đồng/tấn”.
Theo tính toán của các chủ phương tiện, với giá cước 80.000 đồng/tấn cho đoạn đường dưới 10 km, nếu chạy đúng tải thì được 1,2 triệu đồng/chuyến. “Trừ các khoản chi phí thì một chuyến thu chưa đến 400.000 đồng thì không chủ xe nào dám chạy”-một chủ phương tiện chia sẻ. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều tài xế cố chất thêm mía dù biết là vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Theo một số chủ phương tiện và tài xế, việc tổ chức cấp giấy phát lệnh của nhà máy đường chưa hợp lý. “Năm ngoái, thời gian phát lệnh là 2 giờ sáng nhưng có hôm phải chờ đến 4-5 giờ sáng vẫn chưa nhận được lệnh. Mong Công ty tạo điều kiện khi tới là có lệnh để đi, không để thời gian chờ lâu. Đồng thời nên bố trí phòng đợi để anh em tài xế có chỗ ngồi trong khi chờ lệnh”-anh Trương Tùng Anh ý kiến. Còn theo tài xế Trần Văn Cường (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) thì việc quy định không bỏ mía trên ruộng cũng gây khó cho tài xế. Vì nhiều khi lượng mía còn thừa ít không đủ một chuyến xe (khoảng 1-2 tấn) nếu chở hết thì vi phạm nhưng bỏ lại thì tội cho nông dân.
Trả lời những thắc mắc trên, ông Nguyễn Bá Chủ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công, cho rằng: Công ty sẽ bố trí lại việc cấp lệnh cho phù hợp như tăng tỷ lệ quay vòng, ai về trước giao mía sẽ nhận lệnh trước và quay tua, tạo sự công bằng giữa các tài xế. Mỗi một năm, Nhà máy cố gắng khắc phục theo hướng tích cực, giải tỏa tốt hơn, giảm thời gian chờ. Nhà máy phấn đấu mỗi vụ ép kéo dài từ tháng 12 năm trước đến cuối tháng 3 năm sau sẽ hoàn thành, đảm bảo thời gian thu hoạch mía cho bà con. Công ty mong có sự hợp tác chặt chẽ, nhịp nhàng giữa nhà máy và người dân nhằm đảm bảo, cân bằng lợi ích kinh tế cho các bên và đảm bảo tải trọng phương tiện khi tham gia giao thông…
Dã Quỳ