Vụ Alibaba: Phân chia 82 tỉ đồng cho 4.500 bị hại, người cao nhất được 140 triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lần phân chia tiền đợt đầu, hơn 4.500 bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đều được nhận tiền, người nhận cao nhất khoảng 140 triệu đồng.

Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cho biết, đang làm thủ tục để phân chia hơn 82 tỉ đồng theo tỷ lệ cho hơn 4.500 bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Theo đó, người nhận được nhiều nhất khoảng 140 triệu đồng, còn người nhận thấp nhất khoảng 800.000 đồng. Đây là số tiền mà bản án tuyên và các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả.

Dự kiến ngày 28.12, Cục Thi hành án sẽ tiến hành kê biên các tài sản: xe, vàng, máy tính… trong vụ án để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cho các bị hại.

Riêng các bất động sản của Công ty Alibaba, Cục THADS đang làm thủ tục ủy thác hồ sơ về cho các cơ quan THADS ở tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu để xử lý. Cục THADS TP.HCM chỉ xử lý duy nhất một bất động sản là trụ sở Công ty Alibaba ở TP.Thủ Đức.

Ngoài ra, Cục THADS cũng đang tổ chức cho 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tiếp tục thanh toán tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của vợ chồng Luyện.

"Sau khi 58 người hoàn thành nghĩa vụ, Cục THADS sẽ có văn bản xác nhận để họ được quyền liên hệ các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", đại diện Cục THADS thông tin.

Hơn 4.500 bị hại đều được Cục THADS TP.HCM phân chia tiền. Ảnh: Ngân Nga
Hơn 4.500 bị hại đều được Cục THADS TP.HCM phân chia tiền. Ảnh: Ngân Nga

Vụ án có hơn 4.500 bị hại được bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 2.445 tỉ đồng. Hiện có khoảng hơn 4.000 bị hại đã có đơn yêu cầu thi hành án gửi cho Cục THADS TP.HCM.

Hôm 29.9, Cục THADS TP.HCM có văn bản thông báo gửi đến các bị hại trong vụ án Alibaba. Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại trong vụ án, những ai chưa làm đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo tống đạt qua bưu điện, cần liên hệ tới Cục THADS để làm đơn.

Hết thời hạn nêu trên, các bị hại không yêu cầu thi hành án, thì cơ quan này sẽ thanh toán tiền cho những người đã có đơn yêu cầu.

Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba, thành lập công ty với vốn điều lệ 1 tỉ đồng; tiếp đó thành lập 22 pháp nhân giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã phạt bị cáo Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đồng phạm từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù. Sau đó, Luyện và 14 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 19.5, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Luyện. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng bị cáo Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của hơn 4.500 bị hại mà các bị cáo đã lừa đảo.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.