Vì xã hội, doanh nghiệp "bắt tay nhau" sản xuất hàng trăm nghìn khẩu trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona (nCoV), nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may đang ráo riết đưa dây chuyền sản xuất khẩu trang, vải kháng khuẩn vào sản xuất nhằm nâng công suất, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Mặt hàng hoàn toàn mới
“Khẩu trang là mặt hàng Vinatex chưa từng sản xuất”, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đồng thời thông tin Vinatex và các đơn vị thành viên phải sắp xếp lại dây chuyền may và đào tạo cho công nhân về kỹ thuật, cũng như chuyển giao thiết kế tới các đơn vị trong tập đoàn.
"Thời gian đầu, trung bình mỗi công nhân chỉ làm chưa đạt 100 sản phẩm khẩu trang mỗi ngày, tuy nhiên, sau khi làm quen với quy trình sản xuất mới, mỗi công nhân có thể tăng năng suất lên 300 sản phẩm mỗi ngày. Dự kiến đến hết tuần này, công suất có thể nâng lên tối đa, sản xuất 250.000–300.000 sản phẩm", ông Trường thông tin.
Theo ông Trường, trong ngày hôm nay (5.2), vải dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân đã được chuyển tới Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty cổ phần May Nam Định và một phần cho Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP.
"Với một sản phẩm mới, công nhân phải mất khoảng 3–4 ngày để tập và làm quen với quy trình. Do đó, để làm được sản phẩm khẩu trang dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân, hiện nay đơn vị đang phải chuyển giao quy trình công nghệ và chuyên gia tới các đơn vị trong hệ thống của tập đoàn để triển khai sản xuất", ông Trường nói.
 
Công nhân tăng ca làm hàng vạn sản phẩm khẩu trang mỗi ngày.
Báo cáo ban lãnh đạo Vinatex về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phong – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế - đơn vị thành viên của Vinatex cho biết, 4h chiều nay, đơn vị đã bàn giao cho văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên–Huế 150.000 khẩu trang dệt kim kháng khuẩn, để UBND tỉnh cấp phát tới trường học, bệnh viện trên địa bàn của tỉnh.
Ông Bùi Thế Kích – Tổng giám đốc Tổng Công ty May Đồng Nai thông tin, Tổng công ty đã nâng công suất vải không dệt kháng khuẩn lên tối đa, với khoảng 10–15 tấn vải được sản xuất mỗi ngày.
"Mỗi kg vải có thể làm ra 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn dùng 1 lần. Tuy nhiên, do đây là loại vải phải được may bằng máy chuyên dụng, máy may thường không thể sản xuất nên phía đơn vị phải thuê một bên thứ 3 sản xuất, để cấp phát cho cán bộ công nhân viên và người dân địa phương, tới nay đã phát được 30 nghìn cái", ông Bùi Thế Kích cho biết.
Vị này cũng thông tin, với máy may chuyên dụng có thể sản xuất được 6.000 chiếc trong 1 giờ. Do đó, sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hàng, sốt hàng như thời gian qua.
Tạm dừng nhận đơn hàng khẩu trang số lượng lớn
Trước thông tin một số đơn vị, nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang y tế, "găm" hàng hoặc bán lậu qua biên giới, ông Trần Việt – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cho biết, số lượng đơn hàng khẩu trang Dệt kim Đông Xuân nhận được đã lên đến hơn chục triệu chiếc. Tuy nhiên, năng suất vẫn còn thấp do Đông Xuân chưa từng sản xuất mặt hàng khẩu trang.
Thời gian tới, công ty sẽ tăng dần công suất, đồng thời sẽ sử dụng các nhà máy vệ tinh để sản xuất khẩu trang, dự kiến đến hết tuần này, năng suất sẽ đạt 250.000 – 300.000 chiếc/ngày. 
“Đông Xuân đã tạm dừng nhận các đơn hàng lớn và sẽ nhận lại sau 10 ngày nữa, đồng thời tập trung ưu tiên sản xuất phục vụ đủ nhu cầu trong nước. Sau khi ổn định sản xuất, Đông Xuân sẽ nghiên cứu cung ứng phục vụ các vùng dịch khác nếu có nhu cầu", ông Trần Việt nhấn mạnh.
Hiện tại Tổng công ty May Hưng Yên đã bắt đầu nhận được vải của Đông Xuân, tổ chức lại các chuyền may và đưa vào sản xuất để kịp thời phục vụ cho thị trường tỉnh Hưng Yên.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội cũng đã bắt đầu triển khai sản xuất, dự kiến đến hết tuần này, mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn sẽ được các doanh nghiệp cấp phát miễn phí, cũng như cung ứng ra thị trường. Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã và đang phát hàng ngày.
Cường Ngô (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.