Vì sao Bình Dương City Land bị tố, giám đốc Công ty Hưng Phú bị bắt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người chỉ mới nghe chủ công ty kinh doanh bất động sản cam kết đủ điều hấp dẫn đã vội xuống tiền mua đất, để rồi phải ngậm đắng, nuốt cay.



Ngày 24-2, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khám xét nơi ở và công ty mới của Trần Văn Hội - 32 tuổi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc Hưng Phú (gọi tắt là Công ty Hưng Phú) trụ sở ở TP Bà Rịa - tại tỉnh Lâm Đồng để điều tra. Dự kiến hôm nay (25-2), Hội sẽ bị di lý về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, Hội bị bắt tại TP Đà Lạt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiêu độc trong ngày họp đồng hương

Công ty Hưng Phú dù mới thành lập năm 2019 nhưng Hội đã mua được nhiều khu đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn TP Bà Rịa, các huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ. Đây là những khu vực chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Hội mua với giá rẻ xong tự vẽ lên các "dự án" với đầy đủ công năng để lừa đảo khách hàng.

Chị N. (ngụ TP HCM) phản ánh tháng 10-2019, hội đồng hương huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tổ chức họp mặt lần thứ nhất tại TP HCM. Lúc này, Hội đến tham dự. Hội khoe rằng mình là giám đốc công ty bất động sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đang có nhiều dự án rất hấp dẫn, vì là đồng hương nên Hội sẽ dành tặng những phần quà (mỗi phần trị giá 100 triệu đồng) cho 5 vị khách đầu tư vào các dự án của công ty Hội.


 

Trụ sở Công ty CP Đầu tư địa ốc Hưng Phú tại TP Bà Rịa đã đóng cửa từ lâu Ảnh: NGỌC GIANG
Trụ sở Công ty CP Đầu tư địa ốc Hưng Phú tại TP Bà Rịa đã đóng cửa từ lâu Ảnh: NGỌC GIANG



Tin tưởng Hội, chị N. cùng một số khách hàng đã chuyển tiền đặt cọc mặc dù chưa thực địa dự án, chưa biết vị trí cũng như quy mô dự án mà chỉ nghe qua lời của Hội. Tổng cộng, chị N. đã chuyển cho Hội hơn 800 triệu đồng. Đến lúc biết tại Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều người làm đơn tố cáo Hội (có khi tự xưng là "Trần Quang Huy") đến cơ quan điều tra về hành vi lừa đảo thì chị N. và nhiều người khác mới tá hỏa, tìm cách liên lạc nhưng Hội đã bỏ trốn.

 

 Chân dung vị giám đốc lừa vừa bị bắt Ảnh: NGỌC GIANG
Chân dung vị giám đốc lừa vừa bị bắt Ảnh: NGỌC GIANG


Theo đơn tố cáo của người dân, từ giữa năm 2019, họ ký hợp đồng mua nền đất với giá từ hơn 300 triệu đồng/nền trở lên do công ty của Trần Văn Hội đầu tư xây dựng tại TP Bà Rịa và huyện Đất Đỏ. Theo hợp đồng, sau khi đóng tiền, công ty sẽ giao nền, giao sổ đỏ. Thế nhưng, sau khi đóng đủ 80%-90%, thậm chí 100% tiền mua nền đất, họ không được công ty giao đất, giao sổ. Như trường hợp của khách hàng N.C.A (ngụ TP Bà Rịa) và người thân mua tổng cộng 7 lô đất của Công ty Hưng Phú, nộp 1,5 tỉ đồng và được Hội hẹn 6 tháng giao sổ. Trường hợp của anh D.N.A cũng mua 2 lô đất, đưa trước cho công ty 450 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy sổ đỏ đâu.

Theo tìm hiểu, nạn nhân của Hội có hàng chục người với số tiền lừa đảo lên tới hơn chục tỉ đồng. Chiêu thức lừa đảo của Hội là phân lô đất nông nghiệp (theo quy hoạch không phải là đất ở, không chuyển thành đất thổ cư được) rồi rao bán, hứa với khách hàng ra sổ đỏ được. Thực tế, Hội chỉ phân lô trên giấy mà không triển khai các hoạt động nào như làm đường, san lấp mặt bằng. Ngoài ra, Hội còn đem 1 nền đất bán cho nhiều người hoặc ký hợp đồng bán đất rồi nhưng lại đem đi cầm cố, thế chấp.

Khuếch trương tối đa để... săn mồi

Cũng liên quan đến việc mua bán đất nền, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, xác minh đơn của một số nạn nhân tố cáo Công ty CP TMDV - XDĐT - PT Địa ốc Bình Dương City Land (gọi tắt là Công ty Bình Dương City Land; địa chỉ tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Công an tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hoàng Anh Vui, Phó Giám đốc Công ty Bình Dương City Land, để điều tra về hành vi khách hàng tố cáo lừa đảo. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vui bắt đầu từ ngày 11-2 đến 20-3-2020 để phục vụ việc kiểm tra, xác minh. Quyết định này được gửi đến Bộ Công an, VKSND tỉnh Bình Dương.

Nội dung đơn tố cáo hầu hết đều đề cập việc Công ty Bình Dương City Land rao bán các dự án như: Green City 1, 2, 3; Phúc Long 1, 2 (huyện Bàu Bàng) và Phúc Long 3 (huyện Phú Giáo) để chiếm đoạt tài sản.


 

Hàng trăm khách hàng kéo đến Công ty Bình Dương City Land yêu cầu trả lại tiền Ảnh: SỸ HƯNG
Hàng trăm khách hàng kéo đến Công ty Bình Dương City Land yêu cầu trả lại tiền Ảnh: SỸ HƯNG



Chị L.T.K.P (quê Bạc Liêu) cho hay tháng 7-2018, chị đặt cọc 50 triệu đồng mua lô đất diện tích 100 m2 thuộc dự án Green City tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với số tiền 360 triệu đồng. Theo thỏa thuận khoảng 1 tuần sau, chị P. thanh toán 300 triệu đồng, 1 năm sau đến ký hợp đồng công chứng nhận đất. Đến tháng 7-2019, không thấy phía công ty liên hệ giao đất nên chị P. tìm đến trụ sở thắc mắc thì được hứa hẹn tiếp tục chờ đợi. Hai tháng sau, chị P. tiếp tục đến trụ sở thì ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Bình Dương City Land, hẹn thêm 1 tháng nữa vì công ty đang gặp khó khăn. Chờ đợi mãi không thấy hồi âm, chị P. yêu cầu phía công ty trả lại tiền mua đất như đã cam kết nhưng lãnh đạo công ty tìm cách né tránh.

Tháng 10-2018, anh Đ.K.H (SN 1989, quê Phú Yên) mua đất ở dự án Phúc Long (thuộc Công ty Bình Dương City Land), thanh toán theo từng đợt. Đợt 1 anh thanh toán 270 triệu đồng, còn 10 triệu đồng theo cam kết khi ra sổ khách hàng phải thanh toán hết. Tuy nhiên, đến nay dù đã quá hạn hợp đồng nhưng công ty này vẫn không ra được sổ và không chịu thanh toán tiền bồi thường cũng như tiền gốc theo cam kết. "Tôi tìm hiểu thì được biết những dự án mà công ty này bán cho tôi là "dự án ma", không có giấy tờ mang tên công ty. Tôi đã làm đơn tố cáo công ty này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tôi và nhiều khách hàng khác" - anh H. nói.

Cám cảnh nhất là trường hợp gia đình ông C.T.G (61 tuổi, ngụ Nghệ An). Ông G. kể thông qua giới thiệu, năm 2018, ông cùng các con dồn tất cả vốn liếng mua 7 nền đất với giá 350 triệu đồng/nền thuộc dự án Green City 2 (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Ông G. khẳng định đã đến trụ sở Công ty Bình Dương City Land ký kết hợp đồng và giao tiền theo thỏa thuận. Trong hợp đồng ký kết, tháng 7-2019, ông G. sẽ được ký hợp đồng công chứng để nhận đất. Đến nay, công ty này vẫn không giải quyết theo thỏa thuận nên ông G. và các con đã làm đơn tố cáo với mong muốn được lấy lại tiền.

Theo tìm hiểu, Công ty Bình Dương City Land do ông Nguyễn Thanh Hùng làm giám đốc; ông Lê Văn Công làm giám đốc pháp lý và ông Hoàng Anh Vui làm phó giám đốc pháp lý. Ngoài ra, nhóm người này còn thành lập nhiều công ty khác liên quan đến bất động sản rồi đứng tên pháp nhân như: Công ty CP ĐT - PT Địa ốc Thành Công, Công ty CP TMDV - ĐT - PT Địa ốc Center City Land, Công ty CP TMDV - ĐT - PT Địa ốc Thắng Lợi...


 


Bị truy nã vẫn liều lập công ty mới

Từ đơn tố cáo của người dân, qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định có đủ dấu hiệu tội phạm nên đầu năm 2020 đã ra lệnh khởi tố, bắt giam Trần Văn Hội.

Thế nhưng trước đó, vào cuối năm 2019, Hội đã trả mặt bằng, đóng cửa công ty, thậm chí còn nợ tiền lương nhân viên và bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan công an phát lệnh truy nã. Trong quá trình trốn chạy, Hội lên tỉnh Lâm Đồng thành lập công ty mới để tiếp tục nghề cũ.


Cẩn trọng để không bị lừa

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), cho rằng cơn sốt đất đã khiến một số kẻ vẽ ra "dự án ma" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân muốn tìm hiểu mua nền đất ở một khu nào đó thì phải đến UBND phường hoặc phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên và môi trường để hỏi về pháp lý dự án. Đồng thời, người mua cần đề nghị chủ đầu tư cung cấp có các văn bản như chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư trong đó có nói rõ cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng nền đất đã có hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP HCM), để biết được một chủ đầu tư có được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền hay không người mua cần phải kiểm tra lại các điều kiện sau: phù hợp với yêu cầu quy hoạch của cấp huyện; chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có)...



Theo NGỌC GIANG - SỸ HƯNG - TRƯỜNG HOÀNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.