Vấn nạn tin nhắn rác: Thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo được phát tán thiếu kiểm soát vẫn khiến nhiều người cả tin vả không đủ kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ bị kẻ xấu lừa đảo.
 
Các nhà mạng ngăn chặn gần 29,5 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Các nhà mạng ngăn chặn gần 29,5 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Nhiều năm qua, vấn đề tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác luôn được các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc đến với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người sử dụng các thiết bị thông minh, có kết nối Internet.
Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ban hành ngày 14/8/2020 của Chính phủ về Chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang đem lại hiệu quả quản lý tình trạng tin nhắn rác được ban hành, những vụ việc lừa đảo bằng những hình thức này có giảm nhưng vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều người.
Từ khi có Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo từ các cuộc gọi rác, tin nhắn rác xuất hiện trở lại và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội, hạn chế gặp gỡ trực tiếp do dịch đã khiến các đối tượng xấu đã lợi dụng điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội để thực hiện nhiều hành vi quảng cáo, thương mại... tiềm ẩn nhiều yếu tố lừa đảo.
Thông tin quảng cáo xen lẫn nội dung lừa đảo được phát tán thiếu kiểm soát vẫn khiến nhiều người cả tin vả không đủ kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản.
Thiết bị thông minh lợi-hại
Anh Nguyễn Hoài Bảo (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhu cầu mua 1 chiếc xe máy mới, anh Bảo gặp gỡ và trao đổi với vài người bạn.
Khi anh Bảo mở chiếc điện thoại thông minh của mình ra, trong phần tìm kiếm hiển thị rất nhiều thông tin quảng cáo, chào mời mua bán xe.
Cá biệt, những thương hiệu xe máy anh Bảo từng đề cập đến, đều lập tức được hiển thị ở phần headline (đầu mục) trong phần tìm kiếm.
Lúc đầu, anh Bảo chỉ thấy điện thoại thông minh như có kết nối mật thiết với mình, nhưng những ngày sau đó, anh Bảo liên tục nhận được điện thoại tư vấn mua xe rồi hỏi dò các thông tin cá nhân, tài khoản khác.
Trường hợp anh Bảo gặp phải là phổ biến. Chỉ cần bạn trao đổi, nói ra những từ khóa về các vấn đề thường ngày như địa điểm du lịch, nhu cầu mua sắm, thông tin bệnh tật... những thông tin này nhanh chóng được hiển thị trong trang tìm kiếm, trên các nền tảng xã hội bạn thường dùng như Facebook, Zalo...
Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Doãn Sơn, Chuyên gia tư vấn bảo mật, Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC,  cho biết một trong số những nguyên nhân dẫn đến quảng cáo rác xuất hiện là do thông tin của người dùng đã được tiết lộ.
Người dùng truy cập vào trang thông tin điện tử (website), cài ứng dụng không đảm bảo an toàn nên thông tin cá nhân dễ dàng bị lọt lộ.
Ông Nguyễn Doãn Sơn chia sẻ nếu người dùng sử dụng các thiết bị công nghệ cao để khai thác thông tin, thì tin tặc có thể lấy cắp thông tin của người dùng thông qua việc truy nhập Internet hoặc truy cập mạng 3G, 4G khi thiết bị thông minh được kết nối mạng.
Các công cụ này ngày càng phát triển, người dùng có thói quen dùng mà không chú ý đến vấn đề bảo mật nên các vụ việc đánh cắp thông tin cá nhân qua các thiết bị có kết nối internet ngày càng nhiều.
Ông Sơn lưu ý, hiện nay, nhiều công ty thu thập thông tin của khách hàng và cho phép bên thứ 3 có thể thu thập được thông tin này. Như vậy, bên thứ 3 có thể bán dữ liệu cá nhận này cho đối tác khác.
Cẩn trọng với thông tin lừa đảo
Không chỉ khi sử dụng các thiết bị thông minh để tìm kiếm thông tin trên mạng, người dùng gặp phải những thông tin quảng cáo không mong muốn, mà thời gian gần đây, hàng loạt tin nhắn từ những thương hiệu cũng xuất hiện. Điều đáng quan ngại là việc khó kiểm soát, kiểm duyệt, phân biệt thật giả đối với nguồn phát tin cũng như nội dung thông tin quảng cáo.
Ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết ước tính trên thị trường Việt Nam hiện nay có 5% thẻ SIM đang hoạt động bị nghi vấn là không có thông tin chính xác.
Nguyên nhân là do số lượng SIM này trước đây là SIM được dựng sẵn và kích hoạt dịch vụ và thường một số đại lý viễn thông chạy theo lợi nhuận nên tự đăng ký, hoặc sử dụng thông tin đăng ký các đại lý bán hàng khác nhau.
 
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chia sẻ về các các yếu tố kỹ thuật để ngăn chặn SIM rác đã được các đơn vị chức năng thực hiện trong thời gian qua, ông Tiến khẳng định các cơ quan Nhà nước cũng đang vào cuộc rất quyết liệt, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đã đưa ra rất nhiều giải pháp hạn chế tin nhắn rác và cuộc gọi rác.
Kết quả là số lượng tin nhắn cuộc gọi rác đã giảm rõ rệt và là tín hiệu đáng mừng với những người dùng cuối của dịch vụ viễn thông.
Khi các tin nhắn, cuộc gọi không xuất phát từ đầu số điện thoại lạ, mà từ một doanh nghiệp có thương hiệu, một công ty có tiếng, từ một ngân hàng, thậm chứ từ nhà mạng viễn thông... thì người dùng thường không từ chối cuộc gọi.
Thực tế này đang tiềm ẩn một mối nguy hiểm mới trên một hình thức thương mại mới, phổ biến trong thời kỳ công nghiệp 4.0 phát triển là tiếp thị qua điện thoại (telesales).
Một cá nhân, tổ chức ngoài đó có số điện thoại của bạn, tức là đã có 1 phần thông tin nền "data" của bạn thì người ta giao cho nhân viên thực hiện gọi.
Nhiều người nhận hàng chục các cuộc gọi về các vấn đề như bảo hiểm, tư vấn y tế, bất động sản, chứng khoán, môi giới đầu tư, du lịch và hầu hết đều từ chối trong cảm giác khó chịu, bị làm phiền.
Nhiều doanh nghiệp thuê người để "chăm sóc khách hàng" hay thực chất là săn đón nhu cầu của khách. Khi việc này được thực hiện ngoài mong muốn, hơn cả nhu cầu của khách hàng thì rõ ràng, khách hàng đang bị làm phiền.
Cá biệt, nhiều bạn tư vấn, điện thoại viên bị "khoán" chỉ tiêu số lượng người gọi theo ngày, vì vậy để có thu nhập, gọi điện làm phiền người khác trở thành nghề và kỹ năng hàng ngày.
Dù bị từ chối, mắng mỏ, thậm chí khách hàng nặng lời, thô lỗ, các nhân viên vẫn tiếp tục thực hiện cuộc gọi và khách hàng sẽ tiếp tục bị làm phiền.
Với những kiểu tiếp thị qua điện thoại từ những telesales chân chính, thì có thể từ chối, tránh bị mất thời gian. Tuy nhiên, khi telesales giả mạo, sử dụng tin nhắn có thương hiệu gần giống của các đơn vị như ngân hàng, nhà mạng viễn thông... thì đã có không ít người sử dụng bị sập bẫy.
Vài tuần trước, mạng xã hội phản ánh vụ việc nhiều người đã phản ánh với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về chiêu lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng.
Các nạn nhân đa phần được 1 nhân viên mạo danh là tiếp thị qua điện thoại của một nhà mạng nào đó, thông báo người sử dụng cần nhắn tin để nâng cấp SIM 3G thành SIM 4G trực tuyến.
Nhiều người làm theo, SIM điện thoại "bỗng nhiên" bị khóa, tiền trong thẻ tín dụng bị trừ hết hạn mức giao dịch. Điều đáng nói là các tin nhắn này mạo danh thương hiệu gần giống với các ngân hàng hoặc nhà mạng viễn thông, nên khi người dùng thực hiện theo, nhấn (click) vào đường dẫn (link) được gửi đến trong tin nhắn của telesales mạo danh, thì sẽ "rơi vào bẫy" lừa đảo mạo danh (Phishing).
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Tập đoàn Công nghệ BKAV, cho biết thời gian gần đây, đặc biệt do yếu tố dịch COVID-19 tác động, hoạt động tấn công mạng diễn ra sôi động hơn so với các giai đoạn trước.
Tấn công mạo danh hay tấn công lừa đảo được tiến hành theo các bước sau: Kẻ xấu thông thường sẽ bằng các thủ đoạn tạo ra những kịch bản để thu hút nạn nhân, dụ dỗ người dùng bấm vào 1 đường dẫn có chứa virus.
Khi làm theo hướng dẫn trên đường dẫn trên, kẻ xấu đánh sẽ đánh cắp tài khoản và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm dụng.
Ông Tuấn Anh cho biết với những tin nhắn giả mạo, lừa đảo chuyển tiền, có thể mỗi người mất một chút nhưng nhiều người cùng bị lừa thì số tiền kẻ lừa đảo chiếm đoạt được là tương đối lới. Do đó, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng thường xuyên biến tướng và tiếp tục gây hại cho nhiều người.
Theo công bố mới đây của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, 5 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Beeline) tại Việt Nam đã phát hiện và ngăn chặn khoảng 29,5 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ tháng 7/ 2020 đến hết tháng 3/2021.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, các nhà mạng đã chặn hơn 8,5 triệu cuộc gọi lừa đảo. Ngoài sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn từ nguồn phát tán thông tin, mỗi cá nhân cần phải nâng cao cảnh giác và những kỹ năng cần thiết khi sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối Internet.
Ngọc Bích (TTXVN/ Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.