(GLO)- Với phương châm “An ninh chủ động”, lực lượng Công an Gia Lai đã kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc của bọn phản động FULRO lưu vong lợi dụng cái gọi là “Tin lành Đê ga” để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, lực lượng Công an tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu, không làm những điều sai trái, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự tại buôn làng.
Vạch mặt “Tin lành Đê ga”
“Tin lành Đê ga” không phải tôn giáo. Nó là tổ chức chuyên lừa đảo, chia rẽ, phá hoại mà thôi. Đi theo nó là đi vào con đường đen tối, chết chóc, vợ mất chồng, con mất cha”-ông Ksor Krok (Ama Nguôn, SN 1953, trú tại buôn Tul, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) khẳng định như thế trong cuộc chuyện trò với chúng tôi gần đây. Ông Krok là em ruột và cũng là một trong những nạn nhân của Ksor Kơk-đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ, kẻ tự xưng là “tổng thống” của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị”.
Năm 2019, sau khi Ksor Kơk chết ở Mỹ, nội bộ FULRO lưu vong phân hóa, mâu thuẫn và tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Chúng tạo ra những sản phẩm quái dị về tư tưởng, núp dưới vỏ bọc tôn giáo để tập hợp lực lượng như: “Bơ Khắp Phrâu”, “Tơlơi Phrâu Hiam”, “Blung Hlơu” hay “Sang Pơpũ Ană Cữ”. Đó là những thứ mà chúng rêu rao rằng sẽ là tôn giáo chính của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị”. Là người từng trải, ông Krok hiểu rằng cho dù ngụy trang thế nào thì tất cả những thứ đó cũng chỉ là trò bịp bợm. FULRO lưu vong không hề có thực lực mà chỉ là những kẻ cơ hội trong một tổ chức bát nháo. Ông Krok nói: “Mấy người trong tổ chức đó bên Mỹ cũng đi làm thuê cho người ta rồi góp ít tiền gửi về cho người nhà xây nhà đẹp khoe mẽ, phô trương để tập hợp lực lượng, lập danh sách rồi lấy tiền một số tổ chức phản động bên Mỹ thôi, chứ làm gì được. Tôi từng trải, tôi biết hết rồi. Tôi là em ruột Ksor Kơk mà nó còn lôi tôi vào tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga”, hại tôi bị phạt 7 năm tù. Lúc tôi hoài nghi chưa muốn theo thì Kơk nói: “Chú không theo tùy chú, sau này thành công thì anh không thèm nhìn mặt chú đâu”. Nhưng lúc tôi theo nó rồi ngồi tù, bên đó có quan tâm gì vợ con tôi đâu, không gửi một gói mì luôn. Tôi thất vọng, đau lòng lắm! Năm 2010, tôi mãn hạn tù, được cán bộ Công an, chính quyền thức tỉnh, tôi đã từ bỏ hẳn “Tin lành Đê ga”, làm ăn yên ổn bên vợ và các con”.
|
Ông Ksor Krok (thứ hai từ phải sang) trong buổi tuyên truyền ngày 10-9-2022 tại thôn Ama Rin 2, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa. Ảnh: Thúy Trinh |
Ông Krok không ngại chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân cho bà con, nhất là những người chưa hiểu thấu bản chất lừa bịp của FULRO, “Tin lành Đê ga”, còn dễ bị lay chuyển bởi những lời hứa hẹn hão huyền. Tháng 9 vừa qua, ông Krok đến nhà văn hóa buôn Ama Rin 2 (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) để cùng với lực lượng Công an phân tích rõ hành vi sai trái của 5 đối tượng ở xã này có hoạt động tái phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga” gồm: Siu Yun (SN 1955), Siu The (SN 1960), Siu Del (SN 1978), Nay Tlú (SN 1964), Siu Phiah (SN 1989). Từ tháng 7-2021, các đối tượng này lợi dụng đám cưới hỏi, đám ma… để gặp gỡ, bàn bạc việc duy trì nhóm họp, cầu nguyện theo cái gọi là “Tin lành Đê ga”, đồng thời sử dụng mạng xã hội để trao đổi, liên lạc, nhận chỉ đạo của các đối tượng FULRO lưu vong. Ông Krok cho biết: “Tôi nói với họ việc bản thân từng lầm đường lạc lối ra sao, đã mất những gì. Tôi nói họ hãy nhìn vào thực tế, những ai không theo “Tin lành Đê ga” mà lo làm ăn, phát triển kinh tế thì giờ họ có nhà đẹp, xe đẹp, con cái được học hành tử tế. Ngược lại, những ai còn tin, nghe và làm theo lời của kẻ xấu thì chỉ nghèo mãi, bệnh tật, chết chóc hoặc rơi vào vòng lao lý. Vậy thì theo để làm gì? Tôi đã hứa từ bỏ là từ bỏ hẳn, không muốn lặp lại sai lầm của chính mình. Mọi người cũng nên như thế”.
Nghe những lời nói đầy sức thuyết phục của ông Krok và được lực lượng Công an giải thích rõ hành vi vi phạm, trước sự chứng kiến của toàn thể bà con dân làng và cấp ủy, chính quyền địa phương, 5 trường hợp trên đã cam kết từ bỏ “Tin lành Đê ga” để quay về sinh hoạt Hội thánh Tin lành truyền giáo Cơ đốc được Nhà nước cho phép.
Giúp đỡ người lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng mục sư Rmah Blinh-Hội thánh Tin lành truyền giáo Cơ đốc xã Ia Ma Rơn và cán bộ Công an xã, Công an huyện Ia Pa đến thăm nhà ông Siu The. Vợ chồng ông The có 4 người con đã lớn và đều có gia đình riêng. Hiện vợ chồng ông ở với gia đình người con gái. Do vợ ốm nặng nên mặc dù đã quay về sinh hoạt Hội thánh Tin lành truyền giáo Cơ đốc nhưng ông The thỉnh thoảng vẫn vắng lễ. Được mục sư Blinh động viên, ông The nói: “Nhờ Công an, mục sư tuyên truyền, tôi nhận thức theo “Tin lành Đê ga” là sai trái. Bản thân tôi cũng nhận thấy nó không đem lại điều gì cho mình và gia đình cả, chỉ suốt ngày nơm nớp lo sợ. Cảm ơn cán bộ, cảm ơn mục sư. Tôi sẽ cố gắng đi lễ cuối tuần thường xuyên hơn để cầu nguyện cho vợ tôi nhanh khỏe, gia đình được bình an”.
Nói về việc đồng hành cùng lực lượng Công an tuyên truyền bà con cảnh giác, không mắc mưu FULRO đi theo “Tin lành Đê ga” và những tà đạo khác, mục sư Blinh cho biết: “Tôi chú trọng giải thích cho họ rằng theo người xấu có thể làm cho mình mất nhà cửa, không được yên ổn. Chúng tôi rất vui mừng tiếp nhận những người từng lầm lỡ theo FULRO và “Tin lành Đê ga” trở về sinh hoạt Hội thánh Tin lành truyền giáo Cơ đốc và sẽ tiếp tục giáo dục để họ hiểu, biết kính Chúa, yêu nước, làm nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội”.
|
Mục sư Rmah Blinh (thứ 2 từ phải sang) và cán bộ Công an đến thăm gia đình ông Siu The (thứ 3 từ phải sang). Ảnh: Lê Ánh |
Còn ở buôn Ama Rin 1 (xã Ia Ma Rơn), chúng tôi gặp bà Rmah H’Brah. Nhắc đến những ngày lầm lạc theo FULRO, “Tin lành Đê ga”, người phụ nữ 63 tuổi này thoáng buồn cho biết: “Hồi đó, tôi không biết “Tin lành Đê ga” là gì, thấy chồng đi nhóm họp thì cũng đi theo. Sau khi chồng phải đi cải tạo rồi bị ốm chết, tôi một thân một mình nuôi 3 con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi rưỡi, phải theo mẹ lên rẫy... Khó khăn lắm! Giá như chồng không đi con đường sai trái đó thì có lẽ đời tôi không khổ như vậy. Tôi nói với người nhà, họ hàng, bà con, những ai còn cầu nguyện theo “Tin lành Đê ga” thì bỏ hết đi, không có ích lợi gì hết. Mấy năm trước, tôi được Công an huyện Ia Pa hỗ trợ 1 con bò giống. Tôi chịu khó đi cắt cỏ nuôi bò nên nó đẻ được 4 con rồi. Tôi bán 2 con lấy tiền xây nhà. Tôi cảm ơn cán bộ nhiều lắm!”.
Nói về công tác giáo dục, cảm hóa những người lầm lỡ trong cộng đồng, Thượng tá Ksor Rim-Phó Trưởng Công an huyện Ia Pa-cho biết: “Thời gian qua, Công an huyện đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là tranh thủ già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, động viên các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, họ đã trở về sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước công nhận, tập trung làm ăn ổn định cuộc sống và đồng hành cùng lực lượng Công an giúp đỡ các trường hợp khác hoàn lương”.
THÚY TRINH - LÊ ÁNH